Thursday, July 4, 2024
No menu items!
spot_img
HomePháp Luật‘Hết cơm hết rượu hết đồng chí’

‘Hết cơm hết rượu hết đồng chí’

Lê Thiệt

Đọc bản tin về vụ xét xử sơ thẩm 13 cựu Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú (Sài Gòn) về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mới thấy tình đồng chí của mấy cựu công an không thắm thiết như “quảng cáo”.

13 bị cáo này không bị khởi tố các tội danh tham nhũng, nhận hối lộ, hay tiếp tay cho bọn mua bán ma túy, vì “không đủ chứng cứ”.

Theo cáo trạng, từ tháng 7.2018 – 4.2020, các bị cáo đã bắt giữ 29 đối tượng về trụ sở CAP làm việc vì có hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Sau đó, các bị cáo yêu cầu 29 đối tượng này gọi điện cho người thân đem tiền đến nộp cho cán bộ CAP để được tha về và không bị xử lý theo quy định.

Khi người nhà, người thân của 29 đối tượng đem tiền đến phường thì các bị cáo, khi đó là cảnh sát khu vực (CSKV), hướng dẫn họ để tiền trên bể nước bồn cầu nhà vệ sinh của phường… Tổng số tiền của 29 đối tượng đã đưa gần 1,1 tỉ đồng, 2 chỉ vàng, 100 USD. Nhận tiền xong, các đối tượng liên quan được tha về nhà.

Đối tượng được Viện Kiểm sát (VKS) cho là “cầm đầu băng nhóm công an trấn lột tiền bọn mua bán ma túy” là Trưởng CAP Phú Thọ Hòa Phạm Thanh Tuấn (hồi đương chức).

Bị cáo Phạm Thanh Tuấn (Cựu trưởng công an P.Phú Thọ Hòa) – Ảnh: Thanh Niên

Bị cáo Tuấn thừa nhận nội dung cáo trạng là đúng, nhưng lại không nhận tội “chung chi để thả người phạm tội”. Tuấn khai bị cáo đã thiếu kiểm tra giám sát để cho cấp dưới thực hiện các hành vi như cáo trạng nêu.

Cấp dưới Tuấn muốn “đổ thừa” là hai Phó trưởng CAP Lê Văn Quý và Phan Văn Hòa. Tuấn kể do trong thời gian vụ án xảy ra, bản thân ông thường xuyên đi học, không có mặt tại phường để giám sát, theo dõi. Trong thời gian đi học, người này có bàn giao công việc chung cho cấp phó.

Bị cáo Lê Văn Quý (phụ trách tổ CSKV), Phó trưởng phường từ tháng 3.2011 – 7.2020, cũng thừa nhận biết các việc làm của CSKV, nhưng do cả nể, và biết đó là “băng” của Tuấn nên không đụng đến.

Phó trưởng CAP Phan Văn Hòa (phụ trách tổ phòng chống tội phạm) xác nhận biết vụ việc nhưng “do cả nể trưởng CAP, thiếu quyết liệt”, chứ “không tư lợi”. Hòa trình bày:

“Việc này bị cáo nhiều lần có ý kiến không đồng tình với trưởng phường trong cuộc họp giao ban. Tôi có đề nghị chấn chỉnh lại việc giữ các đối tượng mà không xử lý, tuy nhiên trưởng phường không làm gì”.

Cựu phó trưởng công an phường Phan Văn Hòa tại tòa – Ảnh: Thanh Niên

Không chỉ một mình bị cáo Hòa chỉ thẳng mặt cựu Trưởng CAP Tuấn để đổ tội, mà đa số các cựu CSKV cũng khai họ nhận được lệnh từ ban chỉ huy CAP là không lập hồ sơ xử lý, thả người. Riêng 2 cựu CSKV Võ Quang Kế, Phạm Ngọc Vy khai chỉ ghi lời khai một số đối tượng và bàn giao cho trực ban, không biết các đối tượng này sau đó bị xử lý thế nào, không tham gia gọi điện đòi tiền thả người.

Nói chung các bị cáo khi ra tòa đã mất hết “nhuệ khí” công an, và “tình đồng chí”. Với suy luận bình thường, ai cũng thấy các CSKV không thể tự ý làm chuyện này nếu không được Ban chỉ huy CAP “bật đèn xanh”, cụ thể là hai phó CAP, và người đứng đầu Phạm Thanh Tuấn.

VKS kết luận, một số cấp dưới của ông Tuấn khai làm theo chỉ đạo. Hai phó công an phường cũng bị ông Tuấn “vô hiệu hóa” không thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ.

Cựu phó trưởng công an phường Lê Văn Quý tại tòa – Ảnh: Thanh Niên

Phản bác cáo buộc trên, bị cáo Tuấn khai mình từng khiếu nại về lời khai này và yêu cầu đối chất nhằm làm rõ. Đồng thời, cựu trưởng công an phường khẳng định mình không chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, lời phản biện, và yêu cầu đối chất của bị cáo Tuấn không được chấp nhận. VKS đề nghị HĐXX xử phạt cựu trưởng CAP Phạm Thanh Tuấn từ 7 – 8 năm tù; 2 cựu phó trưởng Phan Văn Hòa, Lê Văn Quý cùng từ 5 – 6 năm tù và phạt tiền 100 triệu đồng đối với mỗi bị cáo. Số bị cáo còn lại, VKS đề nghị mức án từ 3 năm 6 tháng tù đến 6 năm tù.

Một luật sư theo dõi phiên tòa cho rằng VKS không đưa ra được chứng cứ vững chắc để kết tội bị cáo Tuấn, chứng tỏ họ còn rất non kém về nghiệp vụ. Tuy nhiên, do các phiên tòa tại Việt Nam, án đã được bàn thảo và định sẵn từ trước, thế nên, cho dù VKS dở đến cỡ nào, luật sư biện hộ cho bị cáo giỏi đến đâu, cũng không thể thay đổi được kết quả. Ông cho biết thêm:

“Phiên tòa này chỉ có một điều nổi bật, đó là ‘tình đồng chí’ của các đảng viên, công an. Nó ‘bạc bẽo’ lắm!”

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments