Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomeViệt NamTin Việt NamHà Nội, vì đâu nên nỗi?

Hà Nội, vì đâu nên nỗi?

Quan Thế Dân

Vài ngày trước, tôi ra chợ mua hoa thắp hương mồng Một âm lịch. Khu chợ cạnh nhà không còn bông cúc nào. Bà bán hoa bảo: người ta mua đi viếng tang vụ cháy chung cư hết rồi.

56 con người đã ra đi hôm 12/9. Ngày này năm sau là 56 cái giỗ đầu. Bao nhiêu số phận, bao nhiêu mơ ước bị cắt đứt. Hà Nội, vì đâu nên nỗi này.

Chủ chung cư đã bị bắt. Các cuộc điều tra đang tiến hành. Sẽ có vài người liên đới bị quy trách nhiệm. Các quy định về chung cư mini sẽ bị siết chặt hơn. Nhưng lòng tôi cảm thấy vẫn chưa chạm tới cốt lõi của vấn đề.

Đô thị gần 10 triệu dân bị dồn nén vào một diện tích nhỏ xíu bên sông Hồng. Kẹt xe, ngập nước, khói bụi, nhà cửa chật chội, thiếu cây xanh, thực phẩm nhiều nơi thiếu an toàn, môi trường nước và không khí ô nhiễm, trẻ em thiếu lớp học, tai nạn cháy nổ… là những vấn nạn người dân Hà Nội phải gánh chịu. Danh tiếng Hà Nội thanh lịch xưa ngày càng mai một.

Gia đình tôi mấy đời sống ở mảnh đất này. Bây giờ khi gặp những người mới đến Hà Nội, tôi ngượng ngùng như là mình có lỗi, khi để cho Hà Nội đến thế này. Học trò của tôi từ mọi miền quê, khi nhập trường, đều háo hức về một cuộc sống mới ở Thủ đô. Nhưng tôi e có em sẽ vỡ mộng trước những phòng trọ tồi tàn, ngõ hẹp, mưa xuống là ngập. Các em ăn ở những quán cơm bình dân, thực phẩm là hàng dạt cuối chợ. Ngày nghỉ quanh quẩn đi xem quần áo rẻ tiền ở chợ sinh viên.

Lần lại lịch sử Hà Nội, năm 1831, vua Minh Mạng cho thành lập tỉnh Hà Nội, trong đó bao gồm diện tích của hầu hết các tỉnh là Hà Tây, Hà Nam và thành phố Hà Nội. Tỉnh Hà Tây sau này có sáp nhập vào Hà Nội cũng kế thừa tầm nhìn quản lý từ xưa. Đến 1/10/1888, Triều đình Đồng Khánh ký chỉ dụ cắt Hà Nội cho Pháp làm nhượng địa và hai ngày sau, Toàn quyền Richaud đưa Hà Nội trở thành thành phố theo chế độ nhượng địa.

Người Pháp quy hoạch Hà Nội để trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương, xây dựng một thành phố mới nhưng vẫn giữ phần nào hồn cốt của Hà Nội xưa. Họ lấy Hồ Gươm làm trung tâm thành phố mới, kết nối khu Hà Nội cổ 36 phố phường sầm uất ở phía bắc với khu phố tây ở phía nam hồ. Khu phố cũ vẫn giữ lại các con phố xưa nhưng chỉnh trang lát đá mặt đường, làm cống thoát nước, vỉa hè. Còn khu phố mới là những đại lộ thẳng tắp, rộng rãi, có cây xanh, nhà biệt thự. Ở Hồ Gươm các nhà quy hoạch mở một đại lộ chạy vòng quanh. Tòa thị chính, bưu điện, sở điện lực, tòa báo nằm soi bóng ven hồ. Lùi xa hơn là các thiết chế cần thiết của một nhà nước, gồm nhà băng Đông Dương, tòa án, nhà hát lớn, phủ thống sứ, trường đại học, khách sạn trung tâm… Tất cả công trình trên được xây dựng hài hòa với cảnh quan xung quanh và tồn tại đến tận ngày nay.

Những thành tích về phát triển của Hà Nội thời kỳ sau này là xây mới một số công trình ở ngoại ô như: khu công nghiệp tập trung Cao Xà Lá, gồm các nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá, và một số nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng khác nằm ở cánh đồng ngoại ô phía ngoài Ngã Tư Sở; khu tập thể cho cán bộ ở cánh đồng làng Kim Liên, Trung Tự; khu đại học Bách Khoa nằm ở vùng đất trũng phía nam hồ Bảy Mẫu. Không có gì nhiều. Về cơ bản Hà Nội vẫn giữ nguyên hình hài thời Pháp thuộc. Nhiều người xa Hà Nội những năm 1940, khi trở về những năm 1990 nhận thấy, Hà Nội vẫn như thế, đi không bị lạc, chỉ có phố xá cũ đi nhiều.

Hà Nội bước vào thời kỳ bùng nổ dân số từ những năm 1990. Hàng triệu triệu người từ nhiều nơi chọn Hà Nội làm nơi định cư mới. Thủ đô phát triển, thiếu bàn tay dẫn dắt của một quy hoạch hệ thống. Những cánh đồng ngoại ô xưa kia nay đã trở thành ma trận của các ngôi nhà hình ống. Những khu công nghiệp khi xưa bị những khu dân cư tự phát nuốt chửng. Từ trên cao nhìn xuống là trùng điệp những mái nhà tôn đỏ xanh, những con đường quanh co như những sợi chỉ chạy len lỏi giữa vô vàn nhà, ít bóng cây xanh, hồ nước, sân chơi.

Theo quy hoạch cũ, phố ở nội đô, có quy định chặt chẽ về xây dựng. Còn làng thì ở ngoại ô. Cả Hà Nội khi xưa có duy nhất một ngoại lệ thi vị là Xóm Hạ Hồi, nằm lọt trong thành phố. Còn Hà Nội ngày nay có thể kể ra rất nhiều làng trong phố, làng đã lên thành phố hay phố đã hóa thành làng. Năm 1983, đạo diễn Trần Văn Thủy từng cảnh báo trong bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”. Phim có cảnh một anh chàng đi Tây về phán: “Hà Nội như một cái làng lớn”. Xem đến đấy, tôi và nhiều người Hà Nội tự ái ghê gớm. Nay ngẫm lại, thấy lời tiên tri từ 40 năm trước sao mà quá đúng.

Tôi không phủ nhận nỗ lực của chính quyền trong việc phát triển Hà Nội. Những bất cập hay thậm chí sai lầm của quá khứ cũng không thể giải quyết một sớm một chiều. Những con đường mới mở ra đã nhanh chóng bị người xe lấp đầy. Ngã tư ùn tắc này vừa xây cầu vượt thì ngã tư sau lại tắc tiếp. Người tiếp tục từ các nơi ùn ùn về Hà Nội sinh sống, làm mọi nỗ lực của chính quyền trở nên muối bỏ bể.

Tôi không phải nhà quy hoạch, tôi là người dân, nói bằng tấm lòng của người dân. Muốn cho cuộc sống của Hà Nội tốt đẹp lên thì quy hoạch phải đi trước, phải có tầm nhìn xa. Muốn quy hoạch đúng và trúng phải thật lòng với dân.

Nhà quy hoạch bảo muốn giảm mật độ dân cư trong đô thị, phải đưa các trường đại học và bệnh viện lớn ra ngoại vi. Nhưng bao nhiêu năm rồi mà Hòa Lạc và nhiều khu đất dành cho các trường đại học lớn vẫn chỉ có rất ít trường dời lên, hai bệnh viện xây ở Hà Nam để đón hai bệnh viện lớn của trung ương vẫn bỏ hoang. Bảo giãn dân phố cổ mà bao năm nay mỗi số nhà vẫn hàng chục hộ gia đình chen chúc sinh sống…

Vì sao những quy hoạch hợp lý và tốt đẹp như vậy không thuyết phục được người dân. Chính quyền nói muốn giãn dân phố cổ nhưng lại cấp phép cho xây dựng khách sạn lớn ngay sát mép Hồ Gươm, làm tổn hại cảnh quan trái tim của Hà Nội. Cứ như vậy, những lời nói hay ho về quy hoạch sẽ chỉ dành cho những người nhẹ dạ.

Bao giờ Hà Nội có tầm nhìn quy hoạch tốt hơn, các vấn nạn của đô thị sẽ được hạn chế và chất lượng sống của người dân được tăng lên

 (Chuyện xưa – Chuyện nay)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments