Nguyễn Nam Cường
Thành Đạt, bạn cùng quê với tôi, bỏ dở con đường vào đại học vì nhà không lo đủ học phí. Cậu lên Bình Dương lập nghiệp. Sau gần 17 năm làm công nhân, Đạt chưa mua lấy nổi căn nhà.
Trước đại dịch, vợ chồng Đạt và hai đứa con đi về, chen chúc trong căn nhà trọ vài chục mét vuông. Sau dịch, cậu mất việc, không bám trụ nổi ở xứ người, cả gia đình dắt díu nhau về quê làm lại từ đầu. 41 tuổi, quên nghề nông, Đạt phải học lại cách xịt thuốc, làm mạ, tưới phân từ người cha đã 76 tuổi. Sau vài vụ ngấm cảnh “được mùa, mất giá”, Đạt rơi vào tình thế “ở lại quê cũng dở, trở ngược vào thành phố cũng không xong”.
Vì sinh kế, làn sóng di dân bị động đến đô thị lớn rồi khi có biến cố lại bươn chải trở về là vấn đề xã hội đã xảy ra với nhiều quốc gia xung quanh Việt Nam. Hàn Quốc là một ví dụ.
Trong giai đoạn công nghiệp hóa thần tốc của Hàn Quốc (Hán giang kỳ tích), nhu cầu nhân lực khổng lồ tại các đô thị lớn đã tạo ra làn sóng đổ lên Seoul tìm việc vào thập niên 1960-1970. Điều này làm mất cân bằng lao động giữa các địa phương, gây ra nhiều vấn đề xã hội trên toàn đất nước Hàn Quốc. Tại đây, rất nhiều vùng quê đến nay vẫn còn cảnh người già gồng gánh làm nông vì thiếu nhân lực trầm trọng. Trong khi đó, các đô thị lớn như Seoul đối mặt với vấn đề cạnh tranh nhà ở, việc làm, tỷ lệ tội phạm tăng… Tất cả bài toán khó đó là do quá trình di dân thụ động từ thế kỷ trước để lại. Do đó, trong thế kỷ này, Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của nông thôn, nông nghiệp để khuyến khích phong trào quy nông.
Jo Song Geun là quản lý nhân lực và lưu thông hàng hóa của Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Cheorwon, tỉnh Gangwon. Anh cũng chịu trách nhiệm chính trong việc tuyển dụng lao động thời vụ từ tỉnh Đồng Tháp và Hậu Giang của Việt Nam. Jo nhấn mạnh rằng, tổ chức cho người quy nông quy thôn là chuyện không hề đơn giản, cần sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía.
Trung tâm của Jo đang triển khai nhiều chương trình, hành động cho lao động cố cựu không xê dịch và lao động quy nông như: lập khu nghiên cứu lai tạo giống cà chua, ớt chuông; cho thuê máy nông nghiệp giá rẻ và đặc biệt là xây dựng đơn vị chuyên phân tích đất trồng và quản lý lịch thời vụ để hỗ trợ tối đa hoạt động sản xuất của người nông dân. Trước mỗi vụ mùa, họ tổ chức thu thập ý kiến từ các nông hộ để đáp ứng ngay những khó khăn trong sản xuất. Về ổn định đầu ra và tiêu thụ nông sản, trung tâm bắt tay với các hợp tác xã thu mua tại địa phương, thành lập các tổ và hội quán sản xuất với từng cây trồng như: tổ chuyên sản xuất cà chua, ớt chuông… để người mới nhận được sự hỗ trợ từ người cũ, chuyên gia hỗ trợ cho người trồng nhằm tránh chuyện “được mùa mất giá”, hay tình trạng trồng rồi lại chặt bỏ.
Jo nhấn mạnh điều này sẽ giúp người quy nông bớt cô độc trong quá trình quay về, không rơi vào cảnh buộc phải di dân, ly nông “ngược” lần nữa. Trung tâm của Jo còn chủ động tuyển dụng lao động thời vụ đến từ các nước như Việt Nam và Nepal để đảm bảo hoạt động sản xuất theo lịch.
Ngoài các phần việc như thế, huyện Cheorwon cũng đang mở rộng đường sá, xây dựng các chương trình du lịch nông thôn dựa trên tài sản văn hóa bản địa và không gian sẵn có; tổ chức các phiên chợ nông nghiệp vào cuối tuần tại trung tâm làng, khu du lịch để người nông dân có cơ hội kết nối với du khách, bán thêm sản phẩm nông nghiệp do chính mình sản xuất ra, qua đó tạo sinh kế bền vững.
Có thể thấy chính sách để “người ở không đi, người về chịu ở lại” của trung tâm Jo được thực hiện theo kiểu phủ rộng, dàn đều, không bỏ sót. Nhờ vậy mà ngày càng có nhiều người Cheorwon chủ động tìm về quê cũ.
Tại Việt Nam, ba năm đại dịch là một bối cảnh đặc biệt, tạo nên cuộc quy nông, quy hương bất đắc dĩ trên diện rộng. Theo số liệu của ngành Thống kê, đến hết năm 2021, khoảng 2,2 triệu lao động khắp cả nước đã hồi hương. Trong Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc, như: Hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hoặc sắp xếp nơi ở tạm thời… Kết quả, đầu năm 2023, 95% người lao động đã quay trở lại làm việc.
Tuy nhiên, xu hướng suy thoái của kinh tế thế giới tác động mạnh đến hoạt động sản xuất ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9 năm ngoái đến hết tháng 1 có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm. Tôi cho rằng, đây là lúc thích hợp để cân bằng lại nguồn lực giữa đô thị và nông thôn bằng các chương trình khuyến khích quy nông phù hợp.
Với mức đóng góp 10-15% vào tổng GDP, ngành nông nghiệp ở Việt Nam hiện không thiếu việc làm. Nhưng các vùng nông thôn đang thiếu sự đồng bộ, sự chuẩn bị và các cơ hội tốt cho lao động cố cựu và người di dân bị động trước đây quay về ổn định cuộc sống.
Với những quốc gia có gốc nông nghiệp, thiên về lối sống trọng tình, người dân bất đắc dĩ mới phải ly nông, rời xa gia đình và chọn cách sống bấp bênh xa xứ. Sinh kế là điều quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định ra đi của họ. Chỉ khi chính sách “an cơ” được tổ chức đồng bộ thì “lạc nghiệp” mới là lựa chọn của người dân.
Giúp người dân làm giàu được trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình cũng là tạo động lực phát triển cho các vùng miền của đất nước. Đây cũng là chìa khóa tăng để trưởng kinh tế bền vững và đồng đều, tránh dồn gánh nặng vào những đô thị lớn ở Việt Nam.