Anders Corr
Việc tỷ phú Yass và TikTok vận động hành lang thành công để giữ cho ứng dụng mạng xã hội tồn tại minh họa cho những lỗ hổng của hệ thống dân chủ tương đối cởi mở của nước Mỹ trước ảnh hưởng phi tự do của nước ngoài. Cấm TikTok dường như không phải là một nhiệm vụ đơn giản.
TikTok vẫn đang tác động đến tâm trí giới trẻ ở Mỹ và trên toàn thế giới, hướng họ tới hành vi chống đối xã hội. Theo một cuộc điều tra gần đây của BBC, những cơn “điên cuồng” chống đối xã hội đã xảy ra ở Idaho, Vương quốc Anh và Pháp, bao gồm các cuộc bạo loạn và các cáo buộc sai trái về tội giết người.
Theo BBC, các nhân viên cũ của TikTok “nói rằng vấn đề không được xử lý vì sợ làm chậm sự phát triển kinh doanh của ứng dụng mạng xã hội”. Rõ ràng, TikTok không hề hoạt động vì lợi ích tốt nhất cho Mỹ và châu Âu. Những thứ đó đứng sau lợi nhuận. Tệ hơn, chúng có thể xếp sau cả lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các phương tiện truyền thông xã hội thường được coi là các nền tảng ủng hộ tự do ngôn luận. Tuy nhiên, không có lời phát biểu nào là thực sự tự do sau khi nó được chọn lọc bởi một thuật toán do một Trung Quốc toàn trị kiểm soát và sau đó được đăng tải hàng giờ liền theo cách mà, từ các bằng chứng, dường như ủng hộ góc nhìn của ĐCSTQ và làm tăng sự bất ổn chính trị và xã hội trong các nền dân chủ.
Các nhà nghiên cứu học thuật đã tìm kiếm các dữ liệu từ TikTok, tương tự như dữ liệu từ các công ty truyền thông xã hội khác, để thực hiện các nghiên cứu chi tiết về ứng dụng này, nhưng TikTok từ chối công bố thông tin ở mức tương đương với Facebook và X, trước đây gọi là Twitter.
Theo Bloomberg: “Các nhà khoa học xã hội cho rằng điều quan trọng là phải có quyền truy cập vào [dữ liệu] TikTok để hiểu tác động của ứng dụng này đối với nhiều vấn đề khác nhau như bầu cử, thông tin y tế công cộng hoặc sự lan truyền thông tin sai lệch”. “Bằng cách theo dõi các cuộc trò chuyện trên mạng xã hội, các nhà nghiên cứu đã có thể, chẳng hạn, gắn cờ những thông tin bầu cử không chính xác đang khiến cử tri quay lưng và giúp chính quyền địa phương giao tiếp tốt hơn với công chúng trong các thảm họa thiên nhiên như Bão Idalia đổ bộ vào Florida vào tháng trước”.
Việc nghiên cứu như vậy nghe có vẻ giống như một lợi ích dành cho cộng đồng. Nhưng các quy định của TikTok về việc công bố dữ liệu cho nghiên cứu khoa học quá khắt khe đến mức khiến những nghiên cứu quan trọng này không thể thực hiện được.
TikTok đang che giấu điều gì và tại sao?
Người dân đi ngang qua trụ sở của ByteDance, công ty mẹ của ứng dụng chia sẻ video TikTok, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/9/2020. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)
Sự ủng hộ của tỷ phú Jeff Yass
Các đại diện dân cử của Mỹ nên ra tay can thiệp với việc yêu cầu TikTok cung cấp đầy đủ dữ liệu cho nghiên cứu khoa học hoặc một lệnh cấm TikTok hoàn toàn. Tôi thích cái sau hơn.
Nhưng Quốc hội hiện giờ đang không làm nhiệm vụ của mình, bao gồm cả một số đảng viên Cộng hòa, theo The Wall Street Journal. Họ bị ảnh hưởng bởi một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho phe bảo thủ, người sở hữu nhiều cổ phần của công ty mẹ của TikTok, Bytedance. Trụ sở chính của Bytedance nằm ở – bạn đoán được rồi – Bắc Kinh.
Phóng viên John D. McKinnon viết trên The Wall Street Journal: “TikTok hầu như đã không có bất kỳ người bạn nào trong chính phủ vào đầu năm nay khi chính quyền Biden, Quốc hội và các cơ quan lập pháp tiểu bang đang đe dọa cấm gã khổng lồ video thuộc sở hữu của Trung Quốc”. “TikTok hiện có thêm nhiều bạn bè hơn, với một điểm chung: được sự ủng hộ từ tỷ phú tài chính Jeff Yass. Họ đã góp phần ngăn chặn các nỗ lực nhằm đặt ứng dụng được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ ra ngoài vòng pháp luật”.
Đảng Dân chủ có xu hướng ủng hộ TikTok nhiều hơn đảng Cộng hòa. Điều này bao gồm việc phản đối lệnh cấm TikTok. Nhưng một số đảng viên đảng Cộng hòa được hưởng lợi từ sự quyên góp của ông Yass, bao gồm Thượng nghị sĩ Rand Paul và Dân biểu Thomas Massie, cũng phản đối lệnh cấm.
“Nỗ lực vận động hành lang của ông Yass đáng chú ý một phần vì mức độ chi tiêu chính trị của ông ấy — ông ấy và vợ là những nhà tài trợ bảo thủ lớn thứ ba trên toàn quốc trong chu kỳ bầu cử năm 2022, chi khoảng 49 triệu USD để hỗ trợ các ứng cử viên và mục tiêu bảo thủ, theo OpenSecrets”, ông McKinnon viết.
Ông Yass có rất nhiều tiền . Theo The Wall StreetJournal, “Công ty đầu tư của ông Yass, Susquehanna International Group, đã đặt cược lớn vào TikTok vào năm 2012, mua cổ phần của công ty mẹ ByteDance hiện ở mức khoảng 15%”. “Điều đó có nghĩa là cổ phần cá nhân của ông Yass là 7% trong ByteDance… trị giá khoảng 21 tỷ USD dựa trên mức định giá gần đây của công ty, hoặc phần lớn tài sản ròng 28 tỷ USD của ông ấy theo đánh giá của Bloomberg”.
Hạ nghị sĩ Josh Hawley, người luôn ủng hộ lệnh cấm, nói với tờ báo, “TikTok và những người bạn thân thiết với các khoản tiền ngầm của nó đang chi số tiền khổng lồ để loại bỏ những dự luật này”.
Theo ông McKinnon, các công ty Mỹ dễ bị Trung Quốc trả đũa cũng có xu hướng phản đối lệnh cấm. Một số công ty lớn nhất kinh doanh tại Trung Quốc là Apple, Boeing, Adidas, Nike và Coca-Cola. Theo The New York Times, hai công ty cuối đã vận động chống lại luật cấm lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương xa xôi phía tây của Trung Quốc.
Nếu họ có thể ủng hộ chế độ nô lệ ở Trung Quốc thì chắc chắn họ có thể ủng hộ TikTok ở Mỹ.
Ngăn chặn TikTok không phải nhiệm vụ nhỏ
Việc ông Yass và TikTok vận động hành lang thành công để giữ cho ứng dụng mạng xã hội tồn tại, cùng với khả năng ứng dụng này sẽ tạo ra thế hệ cử tri Mỹ tiếp theo mềm mỏng hơn với Đảng Cộng sản Trung Quốc, minh họa cho những lỗ hổng của hệ thống dân chủ tương đối cởi mở của nước Mỹ trước ảnh hưởng phi tự do của nước ngoài. Vấn đề có thể được khắc phục, nhưng nó sẽ đòi hỏi phải giáo dục công chúng và gây áp lực lên các đại biểu được bầu để làm điều đúng đắn và cấm mạng xã hội vốn có bản chất là do các quốc gia đối địch như Trung Quốc kiểm soát. Đây không phải là một nhiệm vụ nhỏ, như vụ việc của ông Yass đã cho thấy rõ.
Người Mỹ có lợi ích tài chính ở Trung Quốc và các quốc gia đối địch khác không nên được phép sử dụng số tiền kiếm được ở các nước đó, vốn có thể đi liền với ràng buộc, để tài trợ cho các ứng cử viên, tổ chức phi lợi nhuận, công ty truyền thông xã hội và ủy ban hành động chính trị ở Mỹ. Một đạo luật như vậy có thể yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, nhưng nó phải được thực hiện để bảo vệ đầy đủ Hiến pháp và các giá trị của Mỹ mà Hiến pháp tôn trọng.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
(Theo The Epoch Times, Bảo Nguyên biên dịch)