Một loạt dữ liệu của Trung Quốc hôm thứ Ba 15/8 cho thấy nền kinh tế chịu áp lực ngày càng tăng đến từ nhiều phía, khiến Bắc Kinh phải giảm các lãi suất chính sách quan trọng để thúc đẩy hoạt động, nhưng các nhà phân tích cho rằng cần phải có thêm hỗ trợ để hồi sinh tăng trưởng.
Ngay trước khi công bố một loạt dữ liệu tháng 7, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bất ngờ cắt giảm một bộ lãi suất cơ bản và vài giờ sau đó cũng cắt giảm các lãi suất khác. Điều này càng khẳng định rằng sự phục hồi kinh tế hậu COVID đã bị mất đà nhanh chóng, làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu.
Dữ liệu hôm 15/8 do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, sau khi một loạt các chỉ số yếu ớt đã được đưa ra hồi tuần trước, cho thấy doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư đều tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến – điều này thể hiện rằng động cơ của hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị thiếu lực đẩy trầm trọng.
Ngoài ra, Trung Quốc đã tạm dừng công bố dữ liệu thất nghiệp của giới trẻ, vốn đạt mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6.
Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, nói rằng: “Tất cả các chỉ số hoạt động chính đều phản ánh những dự báo nhất quán trong tháng 7, hầu hết đều cho rằng kinh tế trì trệ hoặc hầu như không tăng so với tháng trước”.
Chuyên gia này nói thêm rằng: “Với việc các nhà phát triển địa ốc như Country Garden gặp rắc rối tài chính có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà ở trong thời gian tới, giờ đây thực sự có nguy cơ khiến cho nền kinh tế rơi vào suy thoái, trừ khi hỗ trợ chính sách sớm được tăng cường”.
Các nhà phân tích của Nomura cũng bi quan không kém về triển vọng kinh tế của Trung Quốc.
Họ nói: “Chúng tôi tin rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một vòng xoáy đi xuống sắp xảy ra mà điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước, và việc cắt giảm lãi suất sáng nay sẽ có tác dụng hạn chế”.
Hầu hết các nhà kinh tế nhìn thấy rủi ro là tăng trưởng của Trung Quốc bị suy giảm nhưng họ không tiên liệu sẽ có suy thoái.
Dữ liệu của NBS cho thấy sản lượng công nghiệp tăng 3,7% so với một năm trước đó, chậm lại so với tốc độ 4,4% của tháng 6, và thấp hơn kỳ vọng về mức tăng 4,4% trong cuộc thăm dò của các nhà phân tích của Reuters.
Doanh số bán lẻ, thước đo mức tiêu thụ, tăng 2,5%, giảm từ mức tăng 3,1% của tháng 6 và không đạt được mức dự báo tăng trưởng 4,5% của các nhà phân tích, bất chấp mùa du lịch hè.
Đây là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ tháng 12/2022, cho thấy mức độ thách thức mà các nhà chức trách phải đối mặt khi họ cố gắng biến tiêu dùng thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
(Theo VOA)