Liệu một Jack Smith có thể ngăn cản nước Mỹ thoát khỏi cơn địa chấn 2024 không?
Trương Quỳnh Như
Năm 2024 sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald J. Trump sẽ đúng 78 tuổi, và đối diện với 78 tội danh do Cố Vấn Đặc Biệt Jack Smith truy tố. Liệu bản án dày đặt này có thể ngăn cản một công dân Mỹ với hàng loạt cáo trạng hình sự ra tranh cử chức vụ nguyên thủ quốc gia?
Cựu tổng thống Donald Trump hiện đang “sở hữu” ba trọng án hình sự: một cáo trạng vào Tháng Ba với 34 tội liên quan việc giả hồ sơ kinh doanh; bản cáo trạng vào Tháng Sáu với 37 tội cất dấu tài liệu mật. Trump không nhận tội cả hai; bản cáo trạng thứ ba được đưa ra chiều Thứ Ba với bốn tội danh, quan trọng nhất là “lừa dối đất nước.”
Tờ Semafor gọi bốn tội danh của bản cáo trạng thứ ba là “thời khắc lịch sử của nước Mỹ.” Cũng tương tự, NPR nhận định bản cáo trạng hình sự thứ ba này của Trump còn “hơn cả cái gọi là tai họa pháp lý.”
Trump bị truy tố theo luật dành cho KKK
Trong lần xuất hiện thứ hai trước báo chí kể từ khi đảm nhiệm chức cố vấn đặc biệt, Jack Smith nói ngắn gọn với phóng viên vào chiều Thứ Ba: “Vụ bạo loạn Capitol Hill ngày 6 Tháng Giêng 2021 là cuộc tấn công chưa từng có vào nền tảng của dân chủ Mỹ. Như bản cáo trạng đã mô tả, nó bị dẫn dắt bởi những lời nói dối nhằm mục đích cản trở chức năng của chính phủ Hoa Kỳ.”
Không nhận trả lời bất kỳ câu hỏi nào khác của báo chí, vị công tố viên đặc biệt yêu cầu mọi người đọc kỹ bản cáo trạng dài 45 trang.
Do đó, không cần phải nói thêm về 78 tội danh mà Donald Trump đang phải đối mặt. Cũng không cần phải nói lại về một trong những cuộc điều tra mang tầm lịch sử, kéo dài gần hai năm của Uỷ Ban Điều Tra Jan 06. Vấn đề hiện tại, quan trọng bậc nhất cho nền dân chủ của Hoa Kỳ, đó là liệu một Jack Smith có thể ngăn cản một cơn địa chấn sẽ xảy ra cho nền dân chủ nước Mỹ vào năm 2024 hay không?
Nếu bị phán quyết có tội, Trump có thể ra tranh cử tổng thống không?
Câu trả lời là: YES.
Lịch sử Mỹ từng có một người tranh cử tổng thống từ trong tù, và giành được gần một triệu phiếu bầu vào năm 1920. Đó là Eugene V. Debs, ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Xã hội mang số tù 9653, cũng là tên của chiến dịch tranh cử (Prisoner 9653) bị giam cầm trong nhà tù Liên bang Atlanta vì đã lên tiếng chống lại quân dịch trong Đệ Nhất Thế Chiến.
Hơn một thế kỷ sau, Hoa Kỳ có cơ hội chứng kiến một lần nữa: Có một ứng cử viên mang nhiều trọng tội tranh cử tổng thống, và “có cơ hội chiến thắng thật sự”, theo bình luận của ký giả Maggie Astor, NYTimes.
Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ hiện tại chỉ có câu trả lời rõ ràng cho một số câu hỏi về việc Trump có khả năng sẽ là tổng thống hay không? Còn lại, đều là những “vùng đất chưa khai phá” – theo cách ví von của NYTimes.
Đâu là những đáp án minh bạch ngay lúc này của hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ?
Trump có quyền tranh cử tổng thống không?
Sự thật là hiến pháp Hoa Kỳ không ngăn cấm những người bị kết tội (hình sự) tranh cử tổng thống. Về mặt pháp lý, các cáo buộc không thể cấm Trump tiếp tục là ứng cử viên Đảng Cộng hoà, tiếp tục kêu gọi quyên góp vào quỹ tranh cử, và tiếp tục tổ chức các cuộc vận động tranh cử khắp nước.
Về mặt chính trị, theo bản tính của Trump, ông ta sẽ dùng ba cáo trạng và 78 tội danh làm lợi thế, biến chúng thành “sức mạnh chính trị” cho bản thân. Sau mỗi bản cáo trạng được công bố, Trump thừa quỷ quyệt để dí các tội trạng vào người ủng hộ, bằng cách kêu gào: “Họ không buộc tội tôi, họ đang buộc tội chính các bạn. Tôi chỉ vô tình trở thành người trúng đạn,” như cách Trump đã nói trong cuộc vận động tranh cử ở Pennylvania tuần vừa qua.
“Mỗi khi những người theo Đảng Dân chủ cánh tả cực đoan, những người theo chủ nghĩa Marx, những người cộng sản và những kẻ phát xít buộc tội tôi, tôi thực sự coi đó là một vinh dự lớn lao… Bởi vì tôi đang bị truy tố thay cho các bạn.”
Người xưa gọi đó là “Khổ nhục kế.” Trump có thừa sự mưu mô của một tay tài phiệt sành sõi để tận dụng triệt để mọi góc cạnh của mưu kế này cho kế hoạch “thâu tóm đồng minh.”
Nói về tài chính, chắc chắn sẽ thêm rất khoản chi trả cho tiền pháp lý vốn đang chất thành núi cao. Chỉ riêng trong năm nay, ủy ban hành động chính trị của Trump đã chi $40 triệu cho các khoản phí pháp lý, giữa lúc chiến dịch tranh cử của Trump tiếp tục hao tốn ở khắp các tiểu bang.
Nếu Trump bị tuyên ‘CÓ TỘI’?
Nếu luật pháp Mỹ tuyên án Trump “CÓ TỘI” trước ngày bầu cử, thì cái tên Donald J. Trump vẫn là một trong các ứng cử viên tranh cử tổng thống 2024.
Hiến pháp Hoa Kỳ đặt ra rất ít giới hạn về điều kiện để một người trở thành tổng thống: ít nhất 35 tuổi, phải là công dân sinh ra ở Mỹ và sống ở Mỹ ít nhất 14 năm. Hiến pháp cũng không giới hạn ứng cử viên dựa trên tính cách hoặc hồ sơ tội phạm. Chỉ có một số tiểu bang cấm người phạm trọng tội tranh cử các chức vụ tiểu bang và địa phương, và những luật này lại không áp dụng cho liên bang (theo Tu Chính Án thứ 14.)
Do đó, cho dù Trump “nói dối như cuội”; từng ra toà vì hành vi khiêu dâm; từng trốn thuế; đang đối diện ba cáo trạng trọng tội của liên bang; nhưng tất cả những điều này không cấm Trump trở thành tổng thống Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cũng theo các điều khoản trong Tu Chính Án 14 có nói, một người đã tuyên thệ trước quốc gia (như Trump đã làm khi nhậm chức năm 2016) nhưng đã tham gia vào cuộc nổi dậy hoặc bạo loạn chống lại đất nước thì không thể giữ chức vụ trong chính phủ. Theo The Guardian, những vụ kiện dân sự ở một số toà tiểu bang đang là rào cản đối với Trump. Hiện tại, một số nhà hoạt động ở Georgia, Colorado, Oregon, Nevada và California đã bắt đầu thúc đẩy chiến dịch loại bỏ Trump.
Richard Hasen, chuyên gia luật bầu cử tại Đại học California, Los Angeles, trả lời The Guardian trong một email về vấn đề này: “Các cáo buộc mới chống lại Trump, và đặc biệt là với một tuyên bố có tội, sẽ đẩy mạnh việc Trump nên bị truất quyền theo tu chính án thứ 14. Nhưng có nhiều điều không chắc chắn ở đây, và tôi dự đoán những nỗ lực truất quyền Trump sẽ tiếp tục dù bất kể điều gì xảy ra với các cáo buộc mới này.”
Tuy nhiên, theo luật tiểu bang Florida, Trump có thể sẽ không thể bỏ phiếu (vote) trong cuộc đua 2024. Trump là cử tri ghi danh ở Florida, nơi cấm những người bị kết án trọng tội bỏ phiếu trong lúc đang thụ án. Để được bỏ phiếu, những người này phải hoàn thành bản án của mình, bao gồm mọi khoản tiền phạt và thời gian quản chế, đồng thời trả hết mọi chi phí liên quan đến vụ án của họ.
Nếu phiên toà diễn ra giữa cuộc bầu cử tổng thống?
Theo The Guardian, một phiên tòa diễn ra giữa cuộc bầu cử sơ bộ sẽ là một khoảnh khắc bom tấn trong chính trị Mỹ. Nó sẽ soi rọi, đưa ra trước ánh mặt trời một phán xét rõ ràng nhất về những cách mà Trump, hơn ai hết, biết rõ là dối trá, nhưng vẫn dùng để phá vỡ kết quả bầu cử 2020. Cùng với Trump sẽ là các đồng minh, sáu người tòng phạm có tên trong bản cáo trạng thứ ba.
Richard Hasen có hẳn một bài viết trên Slate, “Nước Mỹ vs Trump sẽ là phiên toà quan trọng nhất trong lịch sử của quốc gia”. Trong đó, ông khẳng định “Nào, chúng ta hãy quên đi tội dùng tiền bịt miệng tội khiêu dâm, tội tàng trữ tài liệu mật, tội ra lệnh xoá băng ghi hình bằng chứng phạm tội. Vì nó “không là gì cả so với bản cáo trạng thứ ba.”
“Phiên toà là cơ hội tốt nhất để giáo dục công chúng Mỹ, như phiên điều trần của Ủy ban Hạ viện 6 Tháng Giêng đã làm ở một mức độ nào đó, về những hành động mà Trump bị cáo buộc đã làm nhằm phá hoại nền dân chủ và pháp quyền của Mỹ. Việc công khai liên tục (tin) từ phiên tòa sẽ giúp người dân Mỹ đang trong mùa bầu cử có cái nhìn rõ hơn về những hành động mà Trump đã thực hiện vì lợi ích cá nhân của ông ta trong khi đặt sinh mạng của nhiều người và đất nước vào sự nguy hiểm.”
Nếu Trump chiến thắng vào Tháng Mười Một 2024?
Quả bom thật sự của nước Mỹ là lúc này đây. Nếu Trump bước vào Toà Bạch Ốc trong khi ba bản cáo trạng buộc tội đang diễn ra, rất nhiều khả năng Trump sẽ huỷ bỏ các cáo buộc. Với những tính cách và các quyết định mà Trump đã trình diễn cho nước Mỹ trong bốn năm tại chức, và cả trong hai năm đại dịch, cho thấy Trump sẽ bổ nhiệm một tổng chưởng lý, và sa thải Jack Smith. NYTimes cũng đưa ra nhận định như thế.
Không ai muốn điều này xảy ra! Noah Bookbinder, Chủ tịch, Giám đốc điều hành của nhóm Citizens for Responsibility and Ethics in Washington (Crew), người đã lên kế hoạch đệ trình các vụ kiện dân sự để loại Trump theo tu chính án thứ 14, nói với The Guardian: “Nước Mỹ sẽ rất hỗn loạn nếu điều đó xảy ra. Nó sẽ gây rất nhiều căng thẳng cho hệ thống dân chủ của chúng ta.”
Đây chính là “một lãnh địa chưa được khám phá” mà The Guardian đã nhắc đến. Một quy chế được vạch ra trong một bản ghi nhớ năm 1973, dưới thời Tổng Thống Nixon, rằng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không truy tố các tổng thống đương nhiệm. Và từ đó đến nay, nước Mỹ chưa bao giờ có cơ hội để xem xét, nhìn lại và phát triển một chính sách về việc cần làm đối với một người sắp trở thành tổng thống và đang bị truy tố.
Dù là “thời khắc lịch sử” hay “những phiên toà lịch sử” hay “quả bom tấn của nước Mỹ” thì tất cả vẫn còn phía trước. Không ai có thể khẳng định Jack Smith là người có thể cứu nước Mỹ thoát khỏi cơn địa chấn dẫn đến sụp đổ nền dân chủ. Thế giới đang nhìn vào nước Mỹ, không phải chỉ để xem số phận của Trump như thế nào, mà chính là để chứng kiến Hiến Pháp của Hoa Kỳ sẽ đối phó thế nào với trường hợp của Donald Trump.
Không phải ngẫu nhiên mà câu nói một trong các ứng cử viên Đảng Cộng hoà, Mike Pence hôm qua được chú ý:
“Bản cáo trạng (thứ ba) là một lời nhắc nhở quan trọng: bất kỳ ai đặt bản thân anh ta lên trên cả Hiến pháp thì không thể trở thành tổng thống của Hoa Kỳ.”
(Pháp luật- Vấn dề hôm nay)