Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeUncategorizedThấy gì từ vụ mất chức của Tần Cương?

Thấy gì từ vụ mất chức của Tần Cương?

Hiếu Chân

Bộ trưởng ngoại giao TQ Tần Cương (trái) bị nữ Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock “lên lớp” về Ukraine trong cuộc họp báo chung ở Berlin hôm 9 tháng Năm 2023. Ảnh Michele Tantussi/Getty Images

Trung Quốc đã đưa Vương Nghị (Wang Yi) trở lại chức Bộ trưởng ngoại giao thay cho Tần Cương (Qin Gang), kẻ đã sớm leo lên vị trí chóp bu trong guồng máy đối ngoại Hoa Lục để rồi bị ngã ngựa cũng sớm như vậy.

Tính ra, Tần Cương ngồi ghế ngoại trưởng chưa đầy bảy tháng, nhiệm kỳ ngắn nhất của một bộ trưởng Trung Quốc kể từ khi nhà nước cộng sản được thành lập Tháng Mười năm 1949. Vụ lên voi xuống chó trong chớp mắt của Tần nói lên rất nhiều điều về bản chất của nền chính trị Trung Quốc.

Sớm lên voi, nhanh xuống chó!

Tần Cương được coi là đệ tử ruột của Chủ tịch kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) Tập Cận Bình. Truyền thông Trung Quốc nói mối giao tình giữa vợ của Tần và đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viên đã đưa Tần vào đội ngũ thân cận của Tập và sự nghiệp của anh ta thăng tiến nhanh như diều gặp gió. Năm 2018, ở tuổi 52, Tần đã là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, sau đó là Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ trong một năm rưỡi rồi trở về Bắc Kinh đảm nhiệm chức ngoại trưởng ở tuổi 56. Tần cũng là ủy viên Quốc vụ viện, tức nội các chính phủ, một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Trung Nam Hải.

Từng là người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Tần là mặt mũi, là tiếng nói ra thế giới của đảng CSTQ. Tần thể hiện khá sinh động chủ trương “ngoại giao chiến binh sói” của Tập, sẵn sàng đấu khẩu với giới chính trị và truyền thông phương Tây. Tần ví von chế độ toàn trị của Tập Cận Bình ngang với chính thể dân chủ “của dân, do dân và vì dân” của Tổng thống Abraham Lincoln; Tần gọi vụ diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) ở Tân Cương là “bịa đặt, dối trá và xuyên tạc”, gọi chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi Tháng Tám năm ngoái là “trò hề”, là “vụ gây hấn chính trị toàn diện”…

Nhưng rồi Tần ngã ngựa cũng nhanh chóng như vậy. Sau cuộc gặp bộ trưởng ngoại giao Việt Nam ngày 25 Tháng Sáu 2023, Tần đột ngột biến mất khỏi các sự kiện quốc tế liên quan tới Trung Quốc. Đúng một tháng sau, hôm thứ Ba 25 Tháng Bảy, Bắc Kinh chính thức thông báo Tần đã bị mất chức ngoại trưởng và Vương Nghị thay thế.

Bắc Kinh lúng túng, quanh co

Vụ thay ngựa giữa dòng đột ngột, cùng một tháng vắng mặt của Tần đã làm dấy lên nhiều lời đồn đoán, nhiều giả thuyết trong dư luận và truyền thông cả trong và ngoài nước Trung Quốc. Lúc đầu, Bắc Kinh nói Tần không tham dự hội nghị ASEAN ở Jakarta hôm 14 Tháng Bảy “vì lý do sức khỏe”; một quan chức ngoại giao cao cấp của Mỹ còn đoán Tần bị nhiễm COVID. Nhưng rồi, lý do đó không đúng, nhất là sau khi Tần bị bãi chức.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua thứ Tư ở Bắc Kinh, hàng chục câu hỏi của báo chí quốc tế về số phận của Tần đều không có lời đáp. Phóng viên đã đặt câu hỏi lý do tại sao Tần bị cách chức, ông ta hiện đang ở đâu, ông ta có còn là ủy viên Quốc vụ viện hay không, có phải ông Tần bị cách chức là lý do khiến nhiều chuyến thăm của quan chức cao cấp nước ngoài bị Bắc Kinh hủy bỏ hoặc đình hoãn, việc tái bổ nhiệm ông Vương làm ngoại trưởng phải chăng chỉ là tạm thời, có phải ông Tần đang bị điều tra về tham nhũng hối lộ hoặc sức khỏe của ông ta có vấn đề v.v…

Bà Mao Ninh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từ chối trả lời những câu hỏi đó, chỉ trả lời các phóng viên Trung Quốc không liên quan tới sự vụ. Hạ Phong (Xie Feng), Đại sứ Trung Quốc tại Washington, cũng từ chối bình luận về vụ ông Tần, đẩy câu hỏi về phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Nhưng Tần không chỉ bị cách chức. Tất cả những thông tin về ông trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói riêng và trên mạng Internet nói chung, đều bị xóa sạch, cứ như ông ta chưa bao giờ tồn tại, chưa từng là quan chức hàng đầu của bộ này. Những văn bản, hình ảnh, chính sách liên quan đến Tần, như biên bản các cuộc họp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Bắc Kinh mới đây, thường đăng trang trọng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng đã không còn nữa.

Trên các mạng xã hội Trung Quốc như Weibo, WeChat, các yêu cầu tìm kiếm có chữ Tần (Qin) đều không hiển thị kết quả; thậm chí một bộ phim truyền hình Trung Quốc về thời đại Tần Thủy Hoàng cũng bị “chặn”; chữ “Tần” vô hình chung đã thành một từ cấm kỵ trong ngôn ngữ Hoa Lục. Một quan chức bị ngã ngựa, thậm chí bị truy tố tội hối lộ, cũng chưa bao giờ bị trừng phạt nặng tới mức bị xóa sạch nhân thân như vậy. Có điều, ông Tần mắc tội gì thì đảng CSTQ đến nay vẫn chưa công bố cho thiên hạ rõ.

Thấp cơ thua trí đàn bà?

Cách hành xử giấu giấu giếm giếm của chính quyền Bắc Kinh là mảnh đất màu mỡ cho các thuyết âm mưu và tin đồn trên mạng. Thuyết được phổ biến rộng rãi nhất, được nhiều người tin nhất, là trong thời gian làm đại sứ ở thủ đô Washington, Tần Cương đã dan díu và có một con trai ngoài giá thú với phóng viên, người dẫn chương trình nổi tiếng xinh đẹp của kênh truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix) – một cơ quan truyền thông của đảng CSTQ đặt trụ sở tại Hong Kong.

Phóng viên Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian) cũng là một nhân vật đình đám ở Trung Quốc, xuất thân từ một gia tộc “cách mạng”, và đại gia trong giới quyền chức ở Bắc Kinh, bà Phó từng du học ở Đại học Cambridge, Anh Quốc, được đặt tên cho một vườn hoa nhỏ trong khuôn viên đại học cổ kính này vì gia đình bà đã đóng góp một khoản tài trợ lớn cho nhà trường.

Trong quá trình hành nghề báo chí, bà Phó đã được tạo điều kiện tiếp xúc và phỏng vấn nhiều nguyên thủ quốc gia như cố Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản và lúc nào bà cũng mạnh miệng cổ xúy cho các quan điểm đối ngoại của Trung Quốc. Có lẽ điều đó đã kết nối hai nhân vật “chiến binh sói” trong giới ngoại giao và truyền thông của đảng CSTQ và dẫn tới mối tình oan nghiệt Tần-Phó. Sự kiện bà Phó cũng biệt vô âm tín gần như cùng lúc với Tần Cương càng làm cho giả thuyết ngôn tình này thêm phần hấp dẫn.

Giả thuyết khó tin nhất là Tần và Phó làm gián điệp cho CIA Mỹ, bị tình báo Nga phát hiện và mật báo cho Bắc Kinh. Giả thuyết này giải thích sự kiện Tần bị xóa hết nhân thân trong các tài liệu chính thức của đảng CSTQ như cách đối xử với một kẻ phản quốc và thái độ lúng túng của Bắc Kinh nhưng không giải thích được vì lẽ gì Tần và Phó – hai kẻ giàu có và quyền cao chức trọng trong giới chóp bu- lại có một lựa chọn phi lý như thế.

Một vài quan chức tình báo Mỹ nói với báo Washington Post rằng họ nghĩ Tần ngã ngựa vì tình ái là đáng tin nhưng họ không khẳng định. Một vài người khác nói có thể ông ta bị loại vì cuộc tranh giành quyền lực trong giới chóp bu chính trị của đảng CSTQ vốn diễn ra rất bí mật nhưng hết sức khốc liệt, không thiếu máu chảy đầu rơi, từ Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, Bành Đức Hoài… thời Mao Trạch Đông đến Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu, Chu Vĩnh Khang, Mạch Kiến Trụ… thời Tập. 

“Tần có rất nhiều kẻ thù trong đảng. Ông ta tài năng thì hạn chế nhưng trèo cao chỉ nhờ Tập đẩy lên,” một quan chức Mỹ nhận xét. Theo quan chức này, đối thủ nặng ký nhất của Tần không ai khác hơn là Vương Nghị, kẻ đã phải nhường ghế ngoại trưởng cho Tần để đảm nhiệm chức Giám đốc văn phòng đối ngoại trung ương đảng CSTQ – một chức vụ trong đảng, vai vế cao hơn bộ trưởng, cố vấn về chính sách đối ngoại cho Tập nhưng chủ yếu làm việc trong hậu trường, không có nhiều cơ hội xuất hiện trên sân khấu chính trị thế giới.

Thấy gì từ số phận của Tần Cương?

Cho dù lý do thật sự khiến Tần Cương bị thất sủng là gì thì sự kiện này cũng làm sứt mẻ không ít uy tín của Tập Cận Bình. Nó là một thông điệp cho quan chức và dân chúng Trung Quốc rằng, nhà lãnh đạo “hạt nhân” tối cao của đảng và nhà nước Hoa Lục không phải lúc nào cũng đúng; “tư tưởng Tập Cận Bình” mà cán bộ đảng viên phải đọc như kinh nhật tụng, cũng có thể sai. Rồi khi xảy ra sự việc bất như ý, Tập đã dùng quyền lực để che đậy sai lầm, bưng bít thông tin hầu né tránh trách nhiệm, thiếu hẳn sự công khai minh bạch và cầu thị cần có ở một nguyên thủ quốc gia.

Số phận của Tần Cương cũng phơi bày cho các chính phủ nước ngoài, các nhà đầu tư làm ăn tại Trung Quốc thấy bản chất bí mật, mù mờ và tùy tiện trong điều hành quốc gia, trong hoạch định chính sách của Bắc Kinh, không theo luật lệ và không thể đoán trước. Trong cái hộp đen chính trị này, mọi quyết định lớn nhỏ dường như đều tùy thuộc vào tâm trạng vui buồn, thương ghét của một người ở địa vị tối cao, tùy thuộc vào tương quan thế lực giữa các phe nhóm, và do vậy có thể thay đổi, đảo ngược nhanh chóng, sáng đúng chiều sai sáng mai lại đúng!

Người bên ngoài hộp – cho dù là người dân Trung Quốc, là chính phủ hay nhà kinh doanh nước ngoài, đều không biết được chuyện gì đang được bàn tán, được quyết định trong những phòng họp kín ở Trung Nam Hải, ở Bắc Đới Hà, nhiều khi rất trái ngược với những gì công bố công khai trên báo chí, hội nghị hội thảo.

Do không phán đoán được ý đồ của giới chóp bu Trung Quốc, các chính phủ bên ngoài không biết được đâu là cách đối xử thích hợp nhất, phù hợp nhất với lợi ích của họ và của chính Trung Quốc. Đối với giới doanh thương, điều căn bản là phải dựa vào sự ổn định của chính sách để hoạch định chiến lược, tránh thất thoát, thua lỗ – yêu cầu đó khó mà thực hiện được ở Trung Quốc.

Nền tảng của mối quan hệ giữa nhà nước với công dân, giữa các quốc gia trên trường quốc tế là niềm tin; mất niềm tin thì dễ dẫn tới mâu thuẫn và xung đột. Vụ Tần Cương, một lần nữa cho thấy, Trung Quốc là đối tác không tin cậy được chừng nào đảng CSTQ vẫn cai trị đất nước bằng một cung cách bí ẩn và tùy tiện như vậy.

(Pháp luật- Vấn dề hôm nay)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments