Tàu hải cảnh Trung Quốc
Cho đến nay, Việt Nam vẫn giữ im lặng đối với sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8. Tuy nhiên, Việt Nam không thể mãi im lặng trước sự kiện này. Mặc dù, Việt Nam và Philippines cùng yêu sách Bãi Cỏ Mây.
Trung Quốc lại tiếp tục “quậy phá” tại Biển Đông. Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) và Cảnh sát biển Philippines (PCG) ngày 6/8 đã đồng thời ra tuyên bố lên án việc tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu tuần duyên và tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 5/8.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết:
“Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc và các tàu dân quân biển Trung Quốc đã ngăn chặn và thực hiện các hành động gây hấn, bao gồm cả việc sử dụng vòi rồng, chống lại các tàu tiếp tế và tàu Cảnh sát biển của Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế luân phiên đến con tàu cũ BRP Sierra Madre vào ngày 5/8, trong khu vực cách bãi Cỏ Mây khoảng 2,9 hải lý.
Nhiệm vụ luân chuyển, tiếp tế và bảo trì con tàu cũ BRP Sierra Madre là các hoạt động hợp pháp của Chính phủ Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước chúng tôi, tất cả đều phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Tàu BRP Sierra Madre mắc cạn tại Bãi Cỏ May
Là một thực thể lúc chìm lúc nổi, bãi Cỏ Mây không thể là đối tượng của yêu sách chủ quyền cũng như không có khả năng chiếm đoạt theo luật pháp quốc tế – một thực tế đã được Phán quyết trọng tài năm 2016 khẳng định. Do đó, Trung Quốc không thể thực thi chủ quyền hợp pháp đối với thực thể này.
Việc Trung Quốc thực thi trái phép các quyền thực thi pháp luật trên biển; can thiệp vào một nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế hợp pháp của Philippines, bao gồm cả việc nước này sử dụng vòi rồng một cách hung hăng đối với các tàu của chúng tôi; và bất kỳ hoạt động nào khác xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng tôi đối với Bãi Cỏ Mây đều là vi phạm luật pháp quốc tế.”
Lực lượng Vũ trang Philippines nói rõ thêm: “Những chiếc tàu này đang vận chuyển thực phẩm, nước, nhiên liệu và các nguồn cung cấp khác cho quân đội của chúng tôi đóng quân trên tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây.
Những hành động như vậy của Hải cảnh Trung Quốc) không chỉ coi thường sự an toàn của thủy thủ đoàn Cảnh sát biển Philippines và các tàu tiếp tế mà còn vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Công ước năm 1972 về các quy định quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGS) và Phán quyết Trọng tài năm 2016.”
Chỉ 2 tiếng đồng hồ sau khi phía Philippines ra tuyên bố về sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc. Tuyên bố cũng nhấn mạnh “một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các tàu công vụ, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines – bao gồm cả tàu Hải cảnh của nước này ở Biển Đông – sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Hoa Kỳ theo Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines năm 1951.”
Năm 2012, Trung Quốc đã sử dụng “chiến thuật cải bắp” để chiếm đoạt Bãi Scarborough từ tay của quân đội Philippines. “Chiến thuật cải bắp” được một viên tướng Trung Quốc mô tả là “Khi có tranh chấp biển, đầu tiên Trung Quốc đưa tàu cá đến khu vực, tiếp theo là tàu hải giám và cuối cùng là tàu chiến. Mỗi lúc thích hợp lại sử dụng một lớp, xiết chặt dần hơn để khẳng định yêu sách của Bắc Kinh”.
Trong lần này, Trung Quốc đã áp dụng “chiến thuật cải bắp” thông qua việc triển khai ba lớp, gồm tàu hải cảnh, tàu dân binh và tàu hải quân ở vòng ngoài trong hoạt động gây hấn này. Tuy nhiên, họ vẫn giữ cho hoạt động của họ nằm ở ngưỡng “vùng xám”, tức là chưa đến mức “một cuộc tấn công vũ trang” để có thể kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines.
Việc Trung Quốc lần này triển khai sáu tàu hải cảnh, ba tàu hải quân và các tàu dân quân biển, cho thấy đây là một chiến dịch được lên kế hoạch và chuẩn bị trước của Trung Quốc. Điều này phù hợp với tuyên bố của Hải cảnh Trung Quốc rằng họ đã nắm được thông tin về kế hoạch tiếp tế của Philippines.
Ngược lại, phía Philippines, thông qua các lần phản đối của Trung Quốc, nhiều khả năng cũng đã lường trước sự phản ứng hung hăng trên thực địa của tàu Trung Quốc. Phía Philippines cũng có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt trận truyền thông, khi liên tiếp cung cấp thông tin, hình ảnh và tổ chức họp báo để lên án hành vi hung hăng của Trung Quốc, thông qua đó thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế.
Sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8 diễn ra chỉ cách bốn ngày khi một cuộc biểu tình do khoảng 50 người Philippines tụ tập phản đối Việt Nam ngay trước cửa sứ quán của Hà Nội tại Manila vào ngày 1/8. Ngày đó cũng là ngay Ngoại trưởng Philippines thăm Việt Nam, tiền trạm cho chuyến thăm Việt Nam đầu năm tới của Tổng thống Marcos.
Cuộc biểu tình này theo nhiều chuyên gia Philippines, là một sự dàn dựng vụng về của Bắc Kinh, nhằm tìm cách cô lập Philippines, chia rẽ ASEAN khi Philippines càng ngày càng ngả theo Mỹ để tránh một Trung Quốc hung hăng, hiếu chiến.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn giữ im lặng đối với sự kiện Bãi Cỏ Mây ngày 5/8. Tuy nhiên, Việt Nam không thể mãi im lặng trước sự kiện này. Mặc dù, Việt Nam và Philippines cùng yêu sách Bãi Cỏ Mây, vì thế, một mặt Việt Nam cần lên tiếng để bảo vệ chủ quyền của mình, nhưng quan trọng hơn, Việt Nam cần phải thể hiện quan điểm của mình trước một hành vi hung hăng, hiếu chiến, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Việt Nam phản đối hành động này của Trung Quốc đối với Philippines cũng có nghĩa là bảo vệ chính mình, vì Trung Quốc đã sử dụng hành động tương tự với Việt Nam nhiều lần, và có thể sẽ tiếp tục lặp lại các hành động này với Việt Nam trong tương lai. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phải tỏ rõ tinh thần đoàn kết đối với Philippines.
Nên nhớ, Philippines là quốc gia luôn ủng hộ các lập trường, quan điểm của Việt Nam chống lại Trung Quốc trên Biển Đông. Giữ được sự đoàn kết của các quốc gia ASEAN tại Biển Đông là một điều kiện quan trọng để chống lại tham vọng của Trung Quốc.
Ngoài ra, việc Philippines lần này rất mạnh mẽ và hiệu quả trong việc sử dụng truyền thông và dư luận quốc tế lên án Trung Quốc cũng là một bài học tốt cho Việt Nam tham khảo.
Lê Đông Hải (Theo ĐV).