Thursday, July 4, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnPhó tướng bí ẩn được ví như cánh tay phải của trùm...

Phó tướng bí ẩn được ví như cánh tay phải của trùm Wagner

Thanh Danh

Dmitry Utkin, phó tướng bí ẩn đã cùng ông trùm Yevgeny Prigozhin thành lập Wagner, là chỉ huy thiện chiến góp phần giúp tập đoàn này trở nên nổi tiếng.

Khi giới chức Nga thông báo về danh sách hành khách tử nạn trên máy bay tư nhân rơi ở tỉnh Tver ngày 23/8, cùng với trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, một cái tên đáng chú ý khác là Dmitry Utkin, người đồng sáng lập và nâng tầm tập đoàn quân sự tư nhân này.

Thông tin trên đã khiến các cựu thành viên Wagner ngạc nhiên, bởi theo quy định về an ninh của tập đoàn, hai lãnh đạo cao nhất không bao giờ được phép đi cùng nhau trên một chuyến bay. Quy định này nhằm đề phòng trường hợp Wagner rơi vào tình thế “rắn mất đầu” nếu phi cơ gặp nạn, bởi Utkin là cánh tay phải về quân sự của ông trùm Prigozhin, giữ vai trò chỉ huy tác chiến và tham mưu chiến lược cho tổ chức.

Lý lịch của Utkin vẫn còn nhiều bí ẩn. Điều này một phần do chính phủ Nga hiếm khi công bố thông tin về công ty quân sự tư nhân Wagner, trong khi ông trùm Prigozhin đến năm 2022 mới chính thức thừa nhận mình là người đứng đầu tổ chức này sau nhiều năm ẩn mình trong bóng tối.

Wagner cũng giữ bí mật thông tin về hoạt động tác chiến lẫn cơ cấu nhân sự lãnh đạo trong nhiều năm qua và chỉ thật sự phô trương danh tiếng từ sau khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Gazeta.ru năm 2016, Elena Shcherbinina, vợ cũ của Utkin, cho hay ông này sinh năm 1970 và từng phục vụ trong quân đội Nga qua hai cuộc chiến ở Chechnya vào thập niên 1990 và 2000.

Theo Andras Racz, chuyên viên cấp cao thuộc tổ chức Hội đồng Đối ngoại Đức (DGAP) ở Berlin, với mật danh “Wagner”, Utkin là quân nhân thiện chiến và kỳ cựu trong hai cuộc xung đột. Utkin sau đó được điều về Tổng cục Tình báo trực thuộc Bộ Quốc phòng Nga (GRU), chỉ huy một đơn vị đặc nhiệm Spetsnaz, được thăng đến hàm trung tá nhưng quyết định xuất ngũ năm 2012.

Vợ cũ Shcherbinina cho hay Utkin đã quen với các hoạt động trên chiến trường và rất khó thích ứng với cuộc sống ở hậu phương. “Không được chiến đấu khiến ông ấy cảm thấy tẻ nhạt. Ông ấy muốn là một chiến binh trên chiến trường, không phải ngồi phòng lạnh tại một sở chỉ huy ở đâu đó”, bà nói.

Sau khi rời quân đội, ông gia nhập tổ chức an ninh tư nhân Moran Security có trụ sở tại Nga, rồi nhanh chóng chuyển sang đầu quân cho tổ chức quân sự tư nhân Slavonic Corps, đăng ký hoạt động ở Hong Kong.

Một nghiên cứu tại Na Uy cho rằng Slavonic Corps thực chất do Moran Security lập nên để hoạt động hiệu quả hơn trên chiến trường Syria, sau hơn một năm công ty này được chính phủ Syria thuê nhằm đối phó phiến quân và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Slavonic Corps cũng được cho là có trụ sở chính tại St. Petersburg.

Fontanka, tờ báo ở thành phố St. Petersburg, dẫn các tư liệu riêng cho biết Utkin cùng các tay súng Slavonic Corps năm 2013 đến Syria hỗ trợ quân đội chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Vào tháng 10/2013, đơn vị của Utkin bị phiến quân Syria bao vây ở Homs nhưng rút lui thành công. Đơn vị này sau đó trở về Nga, còn hai lãnh đạo Slavonic Corps là Vadim Gusev và Yevgeny Sidorov phải ngồi tù.

Gần như ngay sau khi trở về từ Syria, Utkin năm 2014 cùng với Prigozhin lập công ty quân sự riêng và tuyển mộ các chiến hữu trong Slavonic Corps. Hiện chưa rõ Utkin đã gặp Prigozhin thế nào và hai người đã thống nhất thành lập tập đoàn ra sao, nhưng công ty này đã được đặt tên theo mật danh Wagner của Utkin.

Giới quan sát cho rằng mật danh này được Utkin đặt theo tên nhà soạn nhạc Đức Richard Wagner, người rất được trùm phát xít Adolf Hitler hâm mộ.

Utkin cùng nhiều thành viên Wagner sau đó được triển khai đến miền đông Ukraine, hỗ trợ phe ly khai vùng Donbass chống lại quân đội chính phủ Ukraine.

Tình báo Ukraine trong giai đoạn 2014-2015 đã chặn thu được ba cuộc gọi giữa Utkin cùng đại tá Oleg Ivannikov thuộc GRU và thiếu tướng lục quân Evgeny Nikiforov, cho thấy chỉ huy này của Wagner vẫn giữ liên lạc với một số sĩ quan cấp cao trong quân đội Nga.

Utkin cùng các thành viên Wagner trở lại chiến trường Syria vào năm 2015, cùng năm Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở quốc gia Trung Đông để hỗ trợ Tổng thống Assad và chống phiến quân IS.

Utkin lần đầu xuất hiện công khai tại tiệc vinh danh các anh hùng nước Nga được tổ chức trong Điện Kremlin ngày 9/12/2016. Ông có mặt trong bản tin phát trên đài truyền hình quốc gia Nga Channel One.

Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, sau đó xác nhận Utkin được trao Huân chương Dũng cảm, song không tiết lộ ông này đã có đóng góp đặc biệt nào cho đất nước. Huân chương Dũng cảm là danh hiệu cao quý của nhà nước Nga dành cho công dân có đóng góp quan trọng về dân sự hoặc quân sự. Công dân ba lần nhận Huân chương Dũng cảm sẽ được đề cử trao danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga.

Nhân viên cứu hộ tại hiện trường vụ rơi máy bay ở tỉnh Tver ngày 24/8, được cho là chuyên cơ chở trùm Wagner Yevgeny Prigozhin và các cộng sự. Ảnh: Reuters

Năm 2021, Văn phòng Tổng công tố Ukraine mở cuộc điều tra về Utkin với cáo buộc ông tham gia những hoạt động “xâm hại toàn vẹn lãnh thổ” nước này. Các điều tra viên cho rằng Utkin tham gia những hoạt động “thù địch” ở vùng Donbass từ tháng 7/2014 đến tháng 3/2015, trong đó nổi bật là trận đánh khốc liệt ở Debaltsevo thuộc vùng Donetsk vào hai tháng đầu năm 2015.

Sau khi Nga phát động chiến sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Wagner dưới sự chỉ huy của Utkin công khai hoạt động trên chiến trường Donbass, còn Prigozhin chính thức thừa nhận vai trò lãnh đạo tập đoàn.

Giới quan sát nhận định Utkin đã trực tiếp chỉ huy lực lượng Wagner tác chiến ở Ukraine và nâng tầm tập đoàn này, khi các tay súng dưới quyền đóng vai trò chủ lực trong chiến dịch tấn công thành phố Bakhmut.

Cùng với thành công của Wagner ở chiến trường Bakhmut, ông trùm Prigozhin đã gia tăng đáng kể ảnh hưởng chính trị của mình, thậm chí công khai lên tiếng chỉ trích các lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng họ “kém cỏi” và chỉ có lực lượng Wagner mới có khả năng tác chiến hiệu quả.

Danh tiếng của Wagner ngày càng lên cao trong dư luận Nga, khi Prigozhin liên tục xuất hiện trên truyền thông cùng với các bản tin về trận đánh Bakhmut. Ông trùm Wagner cũng đến các nhà tù Nga để tuyển mộ thành viên cho tập đoàn.

Trong khi đó, Utkin vẫn âm thầm giữ vai trò chỉ huy quân sự của Wagner và hầu như không xuất hiện trên truyền thông.

Đến cuối tháng 6, khi mâu thuẫn với các lãnh đạo quân đội Nga lên đến đỉnh điểm, Prigozhin phát động cuộc hành quân “đòi công lý” từ Donbass vào lãnh thổ Nga, kiểm soát thành phố Rostov-on-Don rồi tiến đến thủ đô, nhằm yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng Nga từ chức.

Reuters dẫn nguồn thạo tin ở Donetsk cho biết Utkin chính là người chỉ huy đội hình Wagner tiến về Moskva, trong khi ông trùm Prigozhin chỉ đạo từ tổng hành dinh Quân khu miền Nam Nga tại thành phố Rostov-on-Don.

Tuy nhiên, đoàn xe của Wagner dừng lại khi còn cách thủ đô khoảng 200 km, sau khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thuyết phục Prigozhin rút quân để tránh đổ máu.

Utkin xuất hiện một lần nữa cùng Prigozhin trong video lan truyền ngày 19/7, ghi lại bài phát biểu gửi đến thành viên Wagner chuyển về trại huấn luyện ở Belarus. Đây cũng là lần xuất hiện đầu tiên của Prigozhin trong gần một tháng sau khi cuộc nổi loạn bất thành. Ông trùm tuyên bố Wagner sẽ giúp quân đội Belarus trở thành “đạo quân hùng mạnh thứ hai thế giới” và sẵn sàng hỗ trợ Belarus nếu nước này đối mặt xung đột vũ trang.

Đó có thể là lần xuất hiện công khai cuối cùng của Utkin trước vụ rơi máy bay tại Tver ngày 23/8. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/8 gửi lời chia buồn đến gia đình các thành viên Wagner thiệt mạng trong vụ rơi máy bay, dù không nêu danh tính cụ thể từng người.

Các thành viên Wagner cũng đã lập nhiều địa điểm treo ảnh Prigozhin và Utkin để thắp nến, đặt hoa tưởng niệm. Các tài khoản Telegram có liên hệ với Wagner cho hay ông trùm Prigozhin và Utkin đều đã thiệt mạng.

Tuy nhiên, giới chức Nga đến nay chưa công bố kết quả khám nghiệm pháp y vụ rơi máy bay ở Tver. Các điều tra viên cho biết thi thể nạn nhân trên máy bay không còn nguyên vẹn do phi cơ bốc cháy khi rơi từ độ cao hơn 9.000 m, do đó cần thời gian xét nghiệm ADN để có kết luận cuối cùng về danh tính của họ.

(Theo CSIS, Guardian, Meduza, Gazeta.ru)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments