Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnPhán quyết của phiên xử 'Chuyến bay giải cứu' có thuyết phục?

Phán quyết của phiên xử ‘Chuyến bay giải cứu’ có thuyết phục?

Dư luận vẫn còn những câu hỏi cần được giải đáp sau khi tòa tuyên án vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ ngày 28/7, trong đó có những bất bình về mức án dành cho các bị cáo, ý nghĩa của nguyên tắc ‘trọng chứng hơn trọng cung’ trong xét xử, cũng như chuyện liệu người bị hại có được bồi thường hay không.

Tòa ra phán quyết cho các bị cáo với các mức hình phạt có cả cao hơn, cũng có mức thấp hơn đề nghị của Viện Kiểm sát.

Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an là bị cáo duy nhất bị tuyên phạt mức án cao hơn mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị, cũng là mức cao nhất đối với tội danh mà bị cáo này bị truy tố và xét xử, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Án chung thân về tội nhận hối lộ được tuyên đối với các bị cáo Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan và Vũ Anh Tuấn, tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Các bị cáo còn lại, năm người bị mức từ 10 đến 20 năm tù, 12 người chịu mức từ 5 năm đến dưới 10 năm, và 33 người án dưới 5 năm tù, trong đó có cả án treo.

Trong số 48 bị cáo bị xử tội nhận, đưa hoặc môi giới hối lộ, có tới 40 người phạm tội với số tiền trên 1 tỷ đồng. Đây là các tội có khung hình phạt tối đa lần lượt là tử hình, 20 năm tù, và 15 năm tù; và tối thiểu là 20 năm, 12 năm và 8 năm tù.

‘Tội to như con voi, án nhỏ như con kiến’

“Nhìn vào mức án tòa vừa xử, tội thì to như con voi nhưng án thì nhỏ như con kiến,” Luật sư Nguyễn Duy Bình từ TP Hồ Chí Minh bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 30/7. “Đặc biệt, khi so sánh hành vi phạm tội với mức án của giới quan chức và dân thường thì có sự bất bình đẳng quá lớn.”

“Cụ thể, một người nhận môi giới hối lộ cả chục tỷ đồng như cựu Phó giám đốc công an thành phố Hà Nội chỉ bị xử 5 năm tù, nhưng một hiệu trưởng [Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên, Nghệ An] để thất thoát mấy chục triệu thì bị xử 5 năm tù, một cán bộ nhỏ [phó phòng tư pháp huyện Minh Hoá, Quảng Bình] nhận hối lộ 9 triệu đồng thì bị xử ba năm tù giam.”

“Vì vậy, tôi nhận thấy tính bình đẳng của Bộ luật Hình sự nhiều lúc chỉ mang tính hình thức. Bộ luật Hình sự hiện có rất nhiều quy định bất hợp lý về mức hình phạt đối với các tội danh và khung hình phạt trong mỗi tội. Chính vì những bất hợp lý đó nên tòa có thể áp dụng tùy tiện để quyết định mức án theo ý chí của mình,” Luật sư Nguyễn Duy Bình cho biết.

Cùng nhận xét trên, từ Ba Lan, nhà văn Trần Quốc Quân nói phán quyết của tòa chưa đủ nghiêm khắc.

“Đây là vụ án tham nhũng nghiêm trọng nhất, có quy mô và số người tham gia lớn nhất, gây căm phẫn trong dư luận xã hội nhất từ trước tới nay. Thế nhưng mức án đối với nhiều bị cáo chưa nghiêm khắc, chưa bám sát các điều khoản qui định của bộ luật,” nhà văn Trần Quốc Quân nói. “Việc định án còn tùy hứng, không bám theo theo chuẩn mực chung, mang nặng cảm tính của hội đồng xét xử, của cơ quan công tố và cá nhân các công tố viên. Hình phạt thiếu tính răn đe khiến quan tham không sợ bị trừng phạt, kích thích tình trạng tham nhũng ngày càng phát triển.”

Việc các bị cáo nộp tiền được cho là tình tiết giảm nhẹ để được giảm án sâu như trong phiên tòa này cũng là điều gây phản ứng trong dư luận. “Tham nhũng ở Việt Nam xảy ra từ trên xuống dưới. Nộp tiền tham nhũng để được giảm án cũng thật tréo ngoe,” từ Sài Gòn, ông Lê Thân, cựu tù binh Côn Đảo, bình luận với BBC News Tiếng Việt.

Nhà văn Trần Quốc Quân cho rằng điều này sẽ mở ra tiền lệ rất xấu cho hoạt động tố tụng ở Việt Nam, đó là việc ‘dùng tiền chạy án’ được công khai chấp nhận.

“Nếu khắc phục hậu quả được giảm án sâu như Hội đồng xét xử đã tuyên đối với nhiều bị cáo nhận hối lộ trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’, điều đó sẽ tạo ra tiền lệ dùng tiền để chạy án, khiến ‘bệnh nhờn thuốc’.

“Truy thu tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật. Khắc phục hậu quả là nghĩa vụ của kẻ phạm tội. Tình tiết được giảm nhẹ tội chỉ được xem xét khi bị cáo tự nguyện khắc phục hậu quả trước khi luận tội.”

Nhà văn Trần Quốc Quân đưa ra so sánh mức án của vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ với mức án của vụ án xử ông Trần Hùng, cựu phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, diễn ra trong cùng khoảng thời gian, trong vụ án ‘Sản xuất 27.000 quyển sách giáo khoa giả’.

“Ông Trần Hùng bị buộc tội ‘nhận hối lộ 300 triệu đồng’, lĩnh án chín năm tù, nặng hơn rất nhiều lần so với các quan tham trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’. Tại sao ông Trần Hùng không được nộp tiền khắc phục hậu quả để được giảm án như các bị cáo trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’? Nếu ông Trần Hùng được khắc phục hậu quả cả 300 triệu đồng ‘nhận hối lộ’, thậm chí khắc phục hậu quả gấp nhiều lần số đó thì Trần Hùng được giảm án đến đâu?”

“Trong cùng một quốc gia, cùng một nền pháp luật, cùng gây hậu quả với mức độ như nhau nhưng mức án phạt rất khác nhau giữa quan và dân, giữa quan và quan và giữa dân và dân, không theo một chuẩn mực qui định pháp luật nào. Công lý ở đâu?” nhà văn Trần Quốc Quân bình luận.

Án chung thân gây tranh cãi

Nếu như đa số các bị cáo đều được toà ra mức án ‘nương tay’ so với tội danh, mà nhiều người cho là chưa đủ mức nghiêm khắc để răn đe, thì án chung thân tòa dành cho bị cáo Hoàng Văn Hưng được cho là quá nặng và không đủ sức thuyết phục.

Cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, trước giờ tuyên án bị Viện Kiểm sát đề nghị mức 19-20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hội đồng xét xử tuyên án cao hơn, ở mức kịch khung đối với tội danh bị xét xử, với lý do đưa ra là bị cáo “không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và khắc phục hậu quả do mình gây ra.”

Bình luận về mức án của bị cáo Hoàng Văn Hưng, luật sư Trần Đình Dũng viết trên Facebook cá nhân:

“Khi không làm sáng tỏ được trong vali có 450 ngàn USD hay chỉ có 04 chai rượu vang, thì buộc phải suy đoán bên trong có 04 chai rượu vang. Bởi suy đoán bên trong có 450 ngàn USD là suy đoán có tội, trái với qui định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.”

“Cựu Trung tá Hoàng Văn Hưng lãnh án chung thân, thực ra cũng không ai thương tiếc gì, nhưng những người làm công tác liên quan đến tố tụng hình sự cảm thấy như bị dội một gáo nước lạnh vào bộ mặt tố tụng hình sự nước nhà.”

“Nền tố tụng hình sự như bị ‘đóng đinh’ thêm một tiền lệ là ‘Tiền lệ suy đoán có tội’. ‘Tiền lệ xử án suy đoán có tội’ sẽ gây băng hoại đối với hoạt động tố tụng hình sự ở nước nhà,” ông viết.

‘Đồng lòng phạm tội’

Một câu hỏi quan trọng mà dư luận đặt ra trong vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ đó là tại sao lại có cơ chế năm bộ cấp phép cho các chuyến bay giải cứu và bay combo, từ đó tạo một cơ chế xin cho và tạo nên đường dây quan chức làm tiền doanh nghiệp.

Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, khoảng hơn 1.000 chuyến bay đã được cấp phép, đưa hơn 200.000 công dân về nước.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

“Từ đâu mà cả tập thể các quan chức của nhiều bộ, nhiều cơ quan đồng lòng phạm tội nhận hối lộ, môi giới nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tiền, và đặc biệt là cùng nhau trấn lột tiền của các nạn nhân được giải cứu?” nhà văn Trần Quốc Quân đặt câu hỏi.

“Câu trả lời là: Từ nền tảng đạo đức băng hoại, từ môi trường xã hội tha hóa, từ pháp luật không công minh, từ biện pháp trừng phạt không đủ răn đe…,” ông viết. “Tất cả các nguyên nhân này đều do thể chế sinh ra.”

“Với tình trạng tham nhũng ở đất nước ta hiện nay, điều nguy hại nhất là quan chức nhận thức về nhận hối lộ như là mặc nhiên, ai cũng làm thế, chẳng hề nghiêm trọng, ‘đen thôi đỏ thì quên đi’. Thế nên trong môi trường đó, quan nào có điều kiện hầu như cũng tham nhũng.”

“Các câu trả lời ngây ngô, ngoan cố, và dối trá của các bị cáo trong phiên tòa ‘Chuyến bay giải cứu’ là minh chứng thuyết phục.”

Luật sư Nguyễn Duy Bình thì cho rằng những gì diễn ra trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ cho thấy tình trạng băng hoại đạo đức nghiêm trọng trong hàng ngũ cán bộ:

“Trường hợp này, tham nhũng lại hoành hành giữa lúc đại dịch đang diễn ra, đất nước và nhân dân đang ngày đêm gồng mình chống dịch nhưng hàng loạt cán bộ từ thấp đến cao lại chỉ lo lợi dụng dịch bệnh để vơ vét. Giữa lúc đất nước gặp nạn, dân tình khốn đốn vì dịch bệnh, đau thương, tang tóc bao trùm mà bọn chúng còn ra sức vơ vét thì không còn từ nào để tả và có thể đánh giá tình trạng đạo đức, lương tâm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đã biến chất, xuống cấp nghiêm trọng.”

Quyền lợi của người bị hại không được bảo vệ

Trên Facebook của BBC News Tiếng Việt, nhiều độc giả đã đặt câu hỏi như “Tiền của người bị hại sẽ trôi về đâu”, “Tiền thu được phải trả lại cho người dân đã bị chi phí trong chuyến bay đó, chứ lại sao bỏ vào công quỹ?”

Có nhiều ý kiến cho rằng, số tiền thu hồi do phạm tội mà có trong vụ án giải cứu này phải trả cho các nạn nhân là hàng trăm ngàn công dân được giải cứu chứ không phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Nhà văn Trần Quốc Quân đánh giá rằng mong muốn này “rất khó thực hiện”.

“Bởi số tiền thu hồi quá nhỏ so với tổng số tiền mà các nạn nhân thực chi cho nhiều tầng lớp quan chức và doanh nghiệp từ dịch vụ môi giới, dịch vụ bán vé, dịch vụ lãnh sự, dịch vụ xét duyệt danh sách giải cứu, dịch vụ cách ly… Qua bao nhiêu tầng lớp trấn lột, moi túi hàng trăm nghìn nạn nhân mà không hề có biên lai, rất khó thu được bằng chứng. Ai được bồi thường, ai không? Làm sao rành mạch, bạch hóa chi tiết được các khoản tiền thu bất chính đó?” Ông nói. “Theo tôi, tiền ngân sách nhà nước thực ra cũng là tiền dân nếu không bị tham nhũng trong chi tiêu.”

Tuy nhiên, ông Lê Thân cho rằng, “Tiền lấy của dân phải trả dân, chứ lại sao trả nhà nước để được giảm án?”

“Tôi thấy lời phát biểu ngu ngơ của các quan chức đã cho thấy họ tỏ ra chả xem phiên tòa này ra gì,” ông nói với BBC. “Tôi thấy tham nhũng dường như đã trở nên quá quen thuộc, như cơm ăn, nước uống hằng ngày, cho nên như bị cáo Trần Văn Dự, cựu Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an mới nói thôi coi như ‘số tôi đen’, trả lại. Tham nhũng dường như giờ đây đã đã trở thành văn hóa trong giới cầm quyền rồi.”

Phán quyết của tòa không đề cập tới việc bồi thường cho những người phải trả những khoản tiền lớn để được trở về trên những chuyến bay giải cứu. (Theo BBC)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments