Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm thứ Năm 31/8 đề nghị cấp ngân sách ở mức kỷ lục 7,7 nghìn tỷ yen (52,67 tỷ USD) cho năm tài chính 2024, bước đi mới nhất trong kế hoạch của Thủ tướng Fumio Kishida nhằm tăng chi tiêu quân sự thêm 43 nghìn tỷ yen trong 5 năm.
Được thông báo vào năm ngoái, kế hoạch này muốn tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2027 khi Nhật đang phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng lấn át và một Triều Tiên khó lường.
Yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc đang xấu đi nghiêm trọng. Nhật Bản tuần trước đã bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima bị phá hủy xuống biển. Trung Quốc lên án động thái này và cấm nhập khẩu toàn bộ hải sản của Nhật.
Yêu cầu tài khóa 2024, được đệ trình lên Bộ Tài chính, bổ sung gần một nghìn tỷ yen vào ngân sách năm trước là 6,8 nghìn tỷ yen, tăng khoảng 13%. Nếu được thông qua, ngân sách sẽ tăng chi tiêu khoảng 1 nghìn tỷ yen so với năm trước trong hai năm liên tiếp, là mứcchưa từng có.
Theo yêu cầu ngân sách, Bộ Quốc phòng có kế hoạch dành hơn 900 tỷ yen cho đạn dược và vũ khí, bao gồm cả tên lửa phòng không mới phóng từ tàu.
Khoảng 600 tỷ yen sẽ được sử dụng để tăng cường khả năng hậu cần nhằm triển khai vũ khí và nguồn lực tới các chuỗi đảo phía tây nam trong trường hợp khẩn cấp.
Ngân sách này bao gồm tiền để mua 3 tàu đổ bộ mới với tổng trị giá 17 tỷ yen, hơn 300 tỷ yen cho 17 trực thăng vận tải và một đội vận tải chuyên dụng mới để cải thiện khả năng triển khai, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong yêu cầu về ngân sách.
Nhật Bản cũng sẽ dành 75 tỷ yen để cùng phát triển tên lửa đánh chặn với Mỹ nhằm chống đầu đạn siêu thanh và 64 tỷ yen để chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Anh và Ý.
Mức chi tiêu quốc phòng kỷ lục của đồng minh trung thành của Mỹ được đưa ra sau nhiều thập kỷ thực hiện các chính sách hòa bình. Hoa Kỳ vào năm 1947 đã áp đặt vào hiến pháp Nhật Bản một điều khoản nói rằng nước này phản đối chiến tranh.
Tuy nhiên những lo ngại về tham vọng hàng hải và sự quyết đoán quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là đối với Đài Loan, và một Triều Tiên hiếu chiến, ngày càng được trang bị vũ khí tốt, cũng như việc Nga xâm lược Ukraine đã làm thay đổi suy nghĩ của các lãnh đạo Nhật Bản.
Cuộc xâm lược của Nhật Bản trước và trong Thế chiến thứ hai vẫn là nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ với một số nước ở châu Á. Nhật Bản đã đưa ra lời đảm bảo rằng sức mạnh quân sự ngày càng tăng của họ sẽ không được sử dụng để đe dọa nước khác.
Nhật Bản cho biết họ vẫn sẽ ưu tiên các nỗ lực ngoại giao và đối thoại để tránh hiểu lầm.(Theo VOA)