Friday, November 22, 2024
No menu items!
spot_img
HomeKiến ThứcDu LịchLào Cai, Sapa, Bắc Hà, phố và thị trấn đáng nhớ. Thị...

Lào Cai, Sapa, Bắc Hà, phố và thị trấn đáng nhớ. Thị trấn Bắc Hà

CHU

Thị trấn Bắc Hà nằm cách thành phố Lào Cai 65 km theo đường rừng, đây là cung đường đẹp và khiến nao lòng nhất nhì Việt Nam. Đẹp bởi vẻ mềm mại, uốn lượn và huyền hoặc của nó, khiến nao lòng bởi hiếm có con đường nào chạy dọc biên giới, một bên là nhà của những tộc người thiểu số lưa thưa buồn vắng, một bên là sông Nậm Thi vắng vẻ uốn lượn, có lúc cạn như một con suối, có lúc sâu thăm thẳm nhưng hẹp như thể bên này sông có thể nhảy sang bên kia sông, ít ai có thể hình dung rằng đây là thượng nguồn sông Hồng, nơi hình thành một đồng bằng Bắc Bộ và nền văn minh Sông Hồng rực rỡ một thời.

Một dòng sông mà bờ bên kia là Trung Quốc, đứng bên này bờ có thể gọi vói sang bên kia bờ. Nhưng hình như cuộc trò chuyện thân thiện xóm giềng ấy không bao giờ diễn ra, bởi bên kia sông là những ngôi biệt thự đồ sộ với lồng đèn đỏ chói, là những ngôi nhà của giới quân sự Trung Quốc, còn bên này sông là nhà của người đồng bào thiểu số, vắng vẻ, tuềnh toàng, nghèo nàn và có gì đó hiu quạnh, khó nói… suốt cung đường mang mang cảm giác khó tả về thân phận và đời sống của các tộc người thiểu số vùng biên cương Tây Bắc, đây cũng là nơi có những rừng hoa anh túc nổi tiếng như Bát Xát, cái lò á phiện một thuở của Đông Nam Á…

Qua hết cung đường, bạn sẽ gặp một con đèo nhỏ dẫn vào thị trấn Bắc Hà, nghĩa là thị trấn nằm chơi vơi trên khoảng đất bằng lưng chừng đèo, hiểu theo một nghĩa nào đó. Một thị trấn nhỏ, nó giống như một Hội An thu nhỏ và nghèo bởi những người du mục H’Mong và những người Thái, Dao, Tày, Nùng, Mường… Nhưng dẫu sao, nơi đây cũng là thị trấn, nơi có dinh vua Mường Hoàng A Tưởng khá đồ sộ, một thời bỏ hoang, sau này người ta phát triển du lịch, mới trưng dụng và biến thành bảo tàng văn hóa du lịch.

Bắc Hà thu hút nhiều khách du lịch vào cuối tuần bởi chợ phiên. Trong tiểu thuyết Xá Lợi Đỏ của nhà văn Liêu Thái có đoạn tả về nơi này:

“Chợ phiên bắt đầu đông đúc vào lúc năm giờ sáng, thậm chí, lúc bốn giờ, những người đồng bào H’Mong trên núi cao đã lục đục kéo vào chợ, họ mang theo những con lợn sề, chó con, lan rừng, gà trống, gà mái, trâu, bánh phở, mèn mén, những chiếc gùi tre, chổi tre, mật ong rừng, rượu ngô, hồng, táo, mận, lê… có cả trăm mặt hàng từ trên núi mang xuống, từ đỉnh cao Hoàng Thu Phố hay Bản Phố đưa xuống đây, và có cả một góc chợ bán thắng cố ngựa, món ăn không phải lúc nào cũng có. Người H’Mong dường như chỉ kiếm sống và sống. Nghĩa là họ sống hết mình, trọn vẹn với đời sống, kiếm một thứ gì đó để tồn tại và chờ đợi, cho đến chợ phiên, họ lại sống đúng nghĩa với tâm trạng đầy chất lễ hội của mình.

 “Trời đã sang giữa tháng Giêng nhưng cái lạnh vẫn như cắt da cắt thịt, lúc này đang là mùa hoa mận hoa mơ. Mận và mơ cùng mùa, cây mơ ra hoa trắng muốt, người Hà Nội gọi hoa lê, chúng trông giống những cây mai chiếu thủy mọc xứ lạnh. Mùa xuân, cả một đồi trải dài hoa trắng, và những cây đào ra trái màu hồng phớt nhìn lạ mắt, mùa xuân cho hoa, rồi ra giêng cho trái, nhà giàu cắt nhánh vào chưng Tết, nhà nghèo cắt nhánh đi bán hoặc dưỡng hoa ngoài vườn mà thưởng thức, đợi chúng ra quả. Thời xưa, hoa không đẹp bằng thời đã có điện, nhưng quả lại nhiều hơn sau này, ở bất kì vườn nào. Bởi thời chưa có điện, người ta không đủ sức để gánh nước mà trèo lên cao, tưới từ ngọn cây cao vài mét xuống, người ta chỉ gánh nước đổ dưới gốc cây, hoa không được tưới, quen với sương gió nên sắc lại, có vẻ như khô đét và mùi hương cô đặc, còn thời bây giờ, người ta cầm vòi xịt nước lên tận ngọn cây, những cái hoa gặp nước phởn phơ, mơn mởn, hương hoa tan loãng vào nước thơm dìu dịu, rất dễ chịu, cứ mỗi sớm, người ta tưới hoa thì cả một khu vườn giống như vườn hương, tỏa đi mọi ngóc ngách. Nhưng bù vào đó, phấn bị trôi dạt, hoa chẳng kết trái là mấy.

“Ngày mai là chợ phiên, thời chiến tranh, mọi thứ co cụm, thế nhưng người H’Mong vẫn cứ họp chợ phiên, hình như với người H’Mong, chiến tranh là câu chuyện của ai đó, không phải của mình, và mình phải sống cho hết ngày, hết tháng, hết năm, đúng điệu sống của mình. Và hình như những người dân nơi ngã ba cao nguyên nhỏ này, giống như một cái thị trấn nhà cửa leo pheo, chông chênh, cả thị trấn có đúng cái dinh Hoàng A Tưởng là bề thế, giàu có. Nhưng nó đã bị bỏ hoang, hình như nó cũng chỉ mới bị bỏ hoang thôi. Điều làm Phi thích thú là mỗi sáng, sương mù dày đặc và cái lạnh cắt da cắt thịt, khoác áo gió vào đi lang thang, ngắm những ngọn pơ mu và ngọn thông cao vút, cây pơ mu trong vườn dinh cao nhất thị trấn, nó đứng trên một ngọn đồi và nhìn nó như một kẻ ngạo mạn, quen chỉ huy, người dẫn dắt cho đám cây trong thị trấn này.

“Vẻ hoang sơ, cũ kĩ và buồn tẻ vì không có người vào ra, kín cổng cao tường của khu dinh thự càng khiến cho buổi sáng trở nên lạnh lẽo và hoang vu. Thở phì, hà hơi lạnh, người ta quàng khăn cổ, trùm kín đầu và đi xuống chợ phiên. Nơi mua bán tấp nập các loại sản vật của rừng, nhưng có lẽ thú vị nhất vẫn là khu chợ trâu, chợ chó, chợ gà và khu ẩm thực, chợ trâu trên một ngọn đồi, đứng trên chợ trâu có thể nhìn sang dinh Hoàng A Tưởng rất rõ, chợ gà nằm dưới chân đồi, chợ chó nằm cạnh chợ gà. Những con chó của người H’Mong mặt mũi hiền từ, lông vện vàng hay vện xám, tướng mạo to lớn, chúng rất khôn và người ta nuôi để huấn luyện chúng thành loại chó săn chuyên nghiệp. Chúng rất giỏi đánh mùi, biết phân biệt chủ, khách, người quen, người lạ, người hiền, người dữ và đặc biệt, khi đã chiến đấu, chúng không biết dừng nếu như chưa có lệnh của chủ. Chính vì những đặc tính này mà chó của người H’Mong ở chợ phiên trở thành động vật quí để người dưới xuôi mỗi tuần tìm lên đây mua về, bán lại cho người thành phố.

 “Ngoài món thắng cố ngựa, người H’Mong còn có món lạc đỏ ủ men, một kiểu ủ rất đặc biệt, có vị giống với húng lìu của người Hà Nội nhưng lại để nguyên vỏ lạc và ủ với cát, cách làm như thế nào chẳng thể biết được vì đây là bí quyết của họ, có ba món người H’Mong không bao giờ trao bí quyết cho người khác, đó là thắng cố ngựa, rượu ngô và lạc ủ. Người bên ngoài, ăn, đoán vị, phân tích và cố gắng làm cho giống họ nhưng không đời nào giống được. Có nhiều người Việt tới đây, người H’Mong ít gọi người Kinh mà gọi người Việt, họ bảo rằng trong năm mươi tư tộc người anh em, gồm cả tộc Việt, thế nhưng sau này, một số thổ ti Mường lại gọi người Việt là người Kinh với ý kỳ thị và khinh thường, bởi các thổ ti (với người Mường, họ xem là vua, chức thổ ti là do các vua Việt áp đặt lên họ) gọi các quan lại dưới triều đình là người Kinh, vừa ngụ ý người ở kinh kỳ, vừa ám chỉ một loại người mà họ gặp thì phải kinh sợ, kinh tởm, rút kinh nghiệm để gặp lần sau. Bởi dù sao đi nữa, người Kinh vẫn là loại người đáng ngờ và người ta phải tạo ra cái vỏ bọc để đối đãi, đối phó nhiều nhất so với những anh em tộc người khác. Gặp người Việt, người ta phải gọi họ là người Kinh. Và chưa bao giờ người Việt thôi tìm cách này hay cách khác mang rừng núi của người Tày, người Nùng, người Mường, người H’Mong và những người anh em thiểu số khác về đồng bằng, thay vào đó, họ mang một ít đồ ở đồng bằng lên, và hình như xài rất mau hư mà trả giá cho nó không nhỏ chút nào”…

Có lẽ, Bắc Hà là thị trấn còn nguyên sơ, cổ độ và là nơi có những vườn lê, mận, đào, những gốc chè san tuyết ngàn năm tuổi, những cung đường rong ruổi như lạc vào mây khi lên tận đỉnh trời Hoàng Thu Phố mà bạn nên tìm đến một lần để trải nghiệm và… nhớ!

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments