‘Khai thác chung’ với Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam cần cảnh giác!
Việt Nam cần hết sức cảnh giác trước ‘một cạm bẫy’ hay quan điểm như cách Trung Quốc gợi ý với các nước ‘khai thác chung’ ở những vùng mà Trung Quốc gọi là có ‘tranh chấp’ chủ quyền biển đảo, nhất là trong tình hình trên Biển Đông hiện nay, nơi mà thực chất Trung Quốc thường xuyên tự biến đổi nguyên trạng và gây thành ‘tranh chấp’, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của mình với RFA Tiếng Việt.
Ông Đinh Kim Phúc đồng thời cho rằng Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc kiên quyết từ chối đề nghị dạng này của Trung Quốc qua kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền ở các đảo tại Senkaku.
Nhà nghiên cứu lịch sử Biển Đông từ Sài Gòn cũng lên tiếng cảnh báo về việc đã có ý kiến trong người Việt Nam ở nước ngoài, qua kênh ‘hội nghị, hội thảo’ công chúng, do một số hội người Việt Nam ở nước ngoài được cho là có liên quan mật thiết với các tòa Đại sứ CHXHCN Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt ở châu Âu điều phối, tổ chức, đưa ra gợi ý rằng Việt Nam nên chịu ‘khai thác chung’ với một bên tranh chấp, ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông, vì lý do kinh tế, và nhà nghiên cứu cho rằng đây là một quan điểm có tính nguy hiểm tiềm năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho toàn vẹn chủ quyền, cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, mà chiếu theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982, Việt Nam hoàn toàn có quyền lợi hợp pháp để làm chủ và khai thác, trong khi một yêu sách chủ quyền bằng bản đồ đường chín đoạn của một bên ‘tranh chấp’ (vốn đòi chiếm gần như toàn bộ Biển Đông) đã bị một tòa án trọng tài quốc tế (PCA) thẳng thừng bác bỏ.
Đừng quên ‘thâm ý’ của Đặng Tiểu Bình
Từ Sài Gòn, hôm 10/8/2023, nhà nghiên cứu Biển Đông, ông Đinh Kim Phúc nói rằng ý kiến của ông đưa ra nhằm phản biện quan điểm của một vị Tiến sĩ kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Văn hóa Việt Nam tại Trường Đại học Almamer Warszawa, Ba Lan, tại một hội thảo tại Paris, Pháp được một cơ quan truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt đăng tải, ông Phúc nói:
“Trước hết, tôi muốn phản biện ý kiến của Tiến sĩ Lã Đức Trung ở Ba Lan tại hội thảo về chủ quyền Việt Nam tổ chức tại Paris, Pháp, bởi vì ở lời mở đầu ông Lã Đức Trung nói ông đã đọc rất nhiều nguồn tài liệu, tham khảo nhiều nguồn vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, sau đó ông mới đưa ra một ý kiến, nhưng tôi nghĩ rằng khi ông đã nói ông đã tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, rất nhiều ý kiến khác nhau từ trước tới giờ, nhưng ông đã quên rằng vấn đề ‘gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác’ ấy, ông lại quên vế đầu. Đây là câu của Đặng Tiểu Bình mở đầu khi giải quyết với Nhật Bản vấn đề tranh chấp Biển Hoa Đông. Và quan điểm nhất quán của Trung Quốc không phải là ‘gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác’, mà là ‘chủ quyền thuộc ngã’ tức ‘cái này là của tôi’ nhưng bây giờ tôi tạm gác lại sự tranh chấp để cùng với anh khai thác. Ông Lã Đức Trung lại không nhớ được quan điểm của Đặng Tiểu Bình là ‘chủ quyền thuộc ngã’.
Và chính vì như vậy, tại sao anh không đầu tư vào trong đất nước của tôi, bằng luật đầu tư nước ngoài, bằng tất cả những quy định của nhà nước sở tại để khai thác, để tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định, cùng nhau phát triển, mà anh cứ khăng khăng rằng đây là chủ quyền của anh. Mà chúng ta biết rằng Trung Quốc hiện nay không bao giờ rút lui yêu sách ‘đường lưỡi bò’ và nhất là tuyên bố ‘chủ quyền’ của họ ở cái gọi là ‘tam sa’, rồi ‘tứ sa’, và quan điểm đó Trung Quốc ‘bất di bất dịch’ mà họ gọi là ‘bất khả kiến nghì’, vậy mà ông Lã Đức Trung lại không nhớ được điều đó.”
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, một số báo chí, truyền thông đã sử dụng cụm từ ‘tranh chấp’ đối với những khu vực trên Biển Đông và khu vực mà Trung Quốc vốn chưa bao giờ có chủ quyền từ trước là một sự ‘nhầm lẫn’ không thích hợp, thậm chí là ‘sai trái’, ông nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do vẫn trên quan điểm riêng:
“Không có lý gì khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực ở Biển Đông thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam mà Trung Quốc là bên đi xâm lược, tôi không dùng chữ ‘tranh chấp’, một số tờ báo ở trong và ngoài nước, hoặc các phóng viên ở hải ngoại hay nhầm lẫn khái niệm này, cứ nói đây là vùng ‘tranh chấp’, Việt Nam có ‘tranh chấp’; câu đó hoàn toàn sai, mà Trung Quốc là kẻ đi xâm lược và tham vọng của họ bắt đầu từ năm 1909 khi họ đi thám sát đảo Hoàng Sa của Việt Nam và họ bắt đầu tuyên bố ‘chủ quyền’. Rồi bắt đầu đến thập niên 1930, họ bắt đầu lấn xuống Trường Sa, như là ngày nay chúng ta đã biết tình hình rất rõ. Và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo phụ lục của UNCLOS 1982 đã phán quyết trong vụ kiện của Philippines rằng (yêu sách chủ quyền) ‘đường lưỡi bò’ không được công nhận bởi công pháp quốc tế và Trung Quốc không có chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Xin nhắc lại rằng Trung Quốc không có chủ quyền gì ở khu vực Biển Đông và lãnh thổ của Trung Quốc trong tất cả các bộ chính sử, 24 bộ chính sử của Trung Quốc, rồi các thư tịch, bản đồ của Trung Quốc đã thể hiện, biên giới của họ chỉ kéo đến đảo Hải Nam.
Chính vì vậy, nếu chúng ta quên cội nguồn lịch sử của ý chí xâm lược của Trung Quốc, tham vọng của Trung Quốc tiến về phương Nam để mở rộng bờ cõi, mở rộng an ninh của họ, để tiến ra khu vực Ấn Độ Dương, tiến về cả châu Phi, thì chúng ta đã vướng vào một trận thế mà Trung Quốc bày ra để chúng ta sập bẫy vào ý đồ đó. Tôi phê phán ý kiến của ông Lã Đức Trung ở chỗ đó, rằng ông đã quên vế đầu của Đặng Tiểu Bình là ‘chủ quyền thuộc ngã’. Bao giờ Trung Quốc rút lui yêu sách ‘đường lưỡi bò’, bao giờ Trung Quốc rút lui yêu sách ‘Tam Sa’, ‘Tứ Sa’, thì mới nói đến vấn đề cùng khai thác. Nhưng không phải là khai thác (chung) ở khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam, cũng không ở khu vực thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, mà chuyện đó là khai thác (chung) ở ngoài khu vực biển cả, thì mới có thể nói là cùng khai thác. Còn tất cả ai muốn vào Việt Nam khai thác, phải chấp nhận luật pháp Việt Nam, theo luật đầu tư của Việt Nam, theo các quy định, chủ trương của Việt Nam về vấn đề khai thác kinh tế biển.”
Nhật Bản ứng phó chiêu ‘khai thác chung’ thế nào?
Khi được hỏi sau khi nhận được lời ‘đề nghị, gợi ý’ từ phía Trung Quốc về việc ‘khai thác chung’ ở khu vực ‘tranh chấp’ trên Biển Hoa Đông, mà được cho là ở khu vực đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản (Trung Quốc gọi là Đảo Điếu Ngư), thì chính phủ Nhật Bản đã phản ứng ra sao và liệu có bài học gì từ đó mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói:
“Nhật Bản kiên quyết bác bỏ, không có chuyện ‘gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác’ khi mà vế đầu Đặng Tiểu Bình đưa ra với thủ tướng Nhật Bản là ‘chủ quyền thuộc ngã’, và cho tới ngày nay chưa hề có một kế hoạch hành động, chưa hề có một hợp tác nào khai thác vùng biển ‘tranh chấp’ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Và tôi nói rằng thái độ kiên quyết của chính phủ Nhật Bản cũng là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam…
Tôi thấy rằng chính phủ Nhật Bản rất cứng rắn trong vấn đề chủ quyền và họ không nhân nhượng, Nhật Bản không bao giờ nhân nhượng chủ quyền cho Trung Quốc, họ biết rằng nếu nhân nhượng một phần, thì Trung Quốc sẽ lấn tới. Do đó, vấn đề Senkaku là vấn đề sống còn của Nhật Bản. Và hiện nay, chúng ta thấy rõ việc đấu tranh giữa Nhật Bản với Trung Quốc xung quanh vấn đề Senkaku vẫn còn tiếp tục, nhưng nóng lạnh thế nào là do mối quan hệ Nhật – Trung.
Và chúng ta cũng thấy rất rõ trong việc đấu tranh chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản, có một đảo mà một lần người Trung Hoa lục địa, người Hong Kong, người Ma Cao, người Đài Loan, đều ngồi chung trên một chiếc thuyền tiến ra quần đảo Senkaku, để đấu tranh chủ quyền đối với Nhật Bản, qua đó chúng ta thấy rằng giữa người Trung Quốc lục địa, người Hong Kong, người Ma Cao, người Đài Loan có thể khác nhau về ý thức hệ, có thể khác nhau về hoàn cảnh kinh tế, có thể khác nhau về quan điểm môi trường, an ninh của thế giới, nhưng họ có chung một ý kiến là họ đứng về phía dân tộc của họ và họ đấu tranh chủ quyền cho dù quốc gia, hay cộng sản.”
Nhân dịp này, vẫn trên quan điểm riêng, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đặt ra một số câu hỏi về hiện tượng trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, thông qua truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Việt và qua một số ‘hội thảo’ công chúng tại nước ngoài, lại xuất hiện quan điểm gợi ý chính quyền Việt Nam ‘gác tranh chấp, khai thác chung’ với ‘bên tranh chấp’ ở Biển Đông như ông đã đề cập, ông nói:
“Tôi không cho rằng đây là ý kiến riêng của TS. Lã Đức Trung, mà tôi thấy toàn bộ phát biểu của ông ta tại Hội nghị tại Paris, rồi trả lời đài BBC, tôi có thể nói thật rằng nó ‘có mùi’, tức là ông ‘nói thay’ cho ai đó, hay nói thẳng ra ông ‘nói thay cho Trung Quốc’. Và Trung Quốc có từ chỗ không có gì ở Biển Đông trước năm 1909 mà bây giờ, nếu như Việt Nam hoặc một số nước Đông Nam Á chấp nhận ‘gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác’ với Trung Quốc, thì Trung Quốc không mất gì cả, mà họ chỉ được. Và nên nhớ rằng, trong lịch sử mấy ngàn năm của Trung Quốc, họ không bao giờ dừng lại tham vọng của họ, và họ sẽ tiến tới, được đằng chân, họ sẽ lân đằng đầu, và chúng ta biết rằng trong lịch sử phát triển ra các vùng ngoại vi của Trung Quốc, phương Nam là hướng xâm lược, hướng bành trướng thường xuyên của Trung Quốc… và nếu họ đạt được mục đích mà Việt Nam và một số nước ĐNA chấp nhận công thức của Đặng Tiểu Bình ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ là sập bẫy âm mưu thôn tính của Trung Quốc và họ có đầy đủ sức mạnh để lấn tới”.
Việt Nam không bao giờ (được) chấp nhận một phương án cho dù bất cứ một ai, cho dù bất cứ một thế lực nào tác động, để Việt Nam chấp nhận công thức của Đặng Tiểu Bình vì như thế, vẫn theo phân tích của ông Đinh Kim Phúc: “ Việt Nam sẽ mất tất cả, chẳng những đã ‘mất chủ quyền’ ở Hoàng Sa rồi, mà sẽ mất luôn chủ quyền ở Trường Sa, và sắp tới sẽ không còn biển để cho dân tộc Việt nhìn ra thế giới, nhìn ra tương lai để có sinh kế, tồn tại, và nếu họ nuốt trọn Biển Đông, họ sẽ không dừng lại ở khu vực đó, mà lãnh thổ Việt Nam trong nước cũng sẽ bị đe dọa bởi một quốc gia láng giềng khổng lồ nằm sát bên cạnh với đầy đủ tham vọng và âm mưu bá vương.”
Đừng quên ba điều kiện Trung Quốc đặt ra ở Biển Đông
Liên hệ với điều được cho là ‘chính sách tuyên truyền’ và lập trường mới được đưa ra gần đây của Trung Quốc liên quan đàm phán về Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa nước này với các quốc gia trong khối ASEAN với ba ‘điều kiện’ được cho là cứng rắn của Bắc Kinh, mà cụ thể theo ông Đinh Kim Phúc, là thứ nhất các bên phải chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông như họ đã tuyên bố, thứ hai không được cùng nhau khai thác với các nước ngoài khu vực mà không có ý kiến của Trung Quốc, và thứ ba nữa không được tập trận và không được liên minh với bất cứ nước nào ở ngoài khu vực Đông Nam Á, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc lưu ý thêm, vẫn trên quan điểm cá nhân:
“Tôi có thể dùng từ này (có thể) Bắc Kinh dùng một số Việt kiều ở hải ngoại ‘thiếu hiểu biết’ về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông trước hết là để ‘ru ngủ’ nhà nước Việt Nam, để ‘ru ngủ’ giới nghiên cứu Việt Nam và để làm ‘mờ mắt’ giới nghiên cứu quốc tế”.
Về việc có một số cơ quan truyền thông quốc tế có sử dụng tiếng Anh gần đây được cho là có thể đã đưa ra nhiều quan điểm ‘gây tranh cãi’ có khả năng ít nhiều gây phương hại tới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cùng các lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông, chiểu theo luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982), ông Đinh Kim Phúc bình luận thêm vẫn trên quan điểm riêng của ông với RFA Tiếng Việt:
“Ở đây tôi nói là (có thể) có ý đồ cá nhân phục vụ cho ai đó, với tính cách cá nhân mà mượn danh nghĩa (của cơ quan truyền thông quốc tế) để làm mất uy tín (của cơ quan đó), và mới đây hiện tượng quan điểm của Lã Đức Trung như thế tôi thấy rằng trong cơ quan truyền thông đó, (có thể) vấn đề chống phá Việt Nam, nói sai lịch sử Việt Nam, vấn đề làm lợi cho Trung Quốc là ‘có hệ thống, có chủ đích’, có ‘mục đích rất rõ ràng’, chứ không phải ‘vô tình’ về mặt truyền thông, ‘vô tình’ về mặt thông tin, lý luận hiện nay ở một xứ được cho là tự do ngôn luận, không bị ràng buộc bất cứ vấn đề nào khác. Và nếu cơ quan truyền thông quốc tế sử dụng tiếng Việt đó tỏ ra mình một cách trung thực, khách quan, đưa một dữ kiện, quan điểm của một ai đó, thì phải mở rộng lĩnh vực ra, để cho các nhà khoa học, các học giả phản biện bằng tiếng nói của mình, để phản biện lại các quan điểm đang còn thảo luận, đang còn chưa nhất trí, chứ không phải sử dụng tiếng nói của một cơ quan truyền thông ‘có uy tín’ trên thế giới để áp đặt quan điểm một chiều, làm lợi cho nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay.
Và chúng ta biết rằng hiện nay, không phải cách đây 100 năm thời Việt Nam còn non yếu, thời Việt Nam còn bị xâm lược, là thuộc địa của cường quốc phương Tây, dù Việt Nam hiện nay vẫn còn là một nước nhỏ, một nước nghèo, nhưng Việt Nam vẫn có một đội ngũ nghiên cứu có chất lượng, có chất xám, để mà sẵn sàng tranh luận lại với các luận điểm đi ngược lại quyền lợi của Việt Nam, dù là quốc gia hay cộng sản mang ý thức hệ nào đó, tôi nghĩ rằng tất cả những ai mang dòng máu Việt Nam, đều bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam hiện nay trước âm mưu thôn tính của nhà cầm quyền Trung Quốc,” từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu lịch sử Biển Đông, cựu giảng viên sử học ở nhiều trường Đại học tại Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng, hôm 10/8/2023.
(Theo RFA)