VinFast vận chuyển xe hơi tới Mỹ qua đường biển trong khi chờ xây nhà máy ở North Carolina.
Người đứng đầu tổ chức vận động hành lang lớn về kinh doanh giữa Mỹ và Đông Nam Á nói rằng Mỹ nên cho phép Việt Nam cũng được hưởng khoản ưu đãi hoàn thuế một phần dành cho xe hơi điện (EV), nếu Mỹ muốn khuyến khích đầu tư mang tính bước ngoặt từ Việt Nam vào hoạt động sản xuất ở Mỹ.
Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA) có các quy định nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng pin EV của Trung Quốc. Theo các quy định này, hiện nay, chỉ những quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Washington mới được hưởng các ưu đãi. Việt Nam không nằm trong danh sách đó.
Hãng sản xuất ô tô Việt Nam VinFast hồi tuần trước đã khởi công xây dựng một nhà máy trị giá 4 tỷ đô la để sản xuất xe hơi điện ở North Carolina cho thị trường Hoa Kỳ, nhưng hãng có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh nếu không được giảm thuế, ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, hiện đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nói. Hội đồng này là một tổ chức vận động hành lang.
VinFast đã đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden về sản xuất xe điện ở Hoa Kỳ, ông Osius nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm 3/8. “Giờ đây, họ sẽ có một số yêu cầu. Họ sẽ muốn trở thành một phần trong chuỗi cung ứng xe điện và họ không muốn bị phân biệt đối xử trong khi các nhà sản xuất EV khác lại được ưu đãi”, vẫn lời ông Osius.
Hiện “không thấy rõ một con đường cụ thể nào” để Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế, nhưng thực tế là VinFast đang tiến hành xây dựng nhà máy cho thấy “có niềm tin nhất định rằng việc này sẽ được giải quyết – và tôi có chung niềm tin đó”, ông Osius nói.
Liệu chính quyền của ông Biden có thể đưa ra giải pháp cho nhà sản xuất ô tô Việt Nam hay không có thể là phép thử để xem các ưu đãi của đạo luật IRA có thể được cấp rộng rãi đến đâu.
IRA cho phép hoàn thuế một phần lên đến 7.500 đô la cho xe điện được mua ở Mỹ, với điều kiện là các khoáng chất quan trọng dùng để sản xuất pin phải đạt một tỷ lệ phần trăm nhất định về nguồn gốc Mỹ hoặc có nguồn gốc từ một đối tác thương mại tự do của Mỹ.
Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận hồi tháng 3 với Nhật Bản về các khoáng sản quan trọng, theo đó đảm bảo ô tô Nhật Bản sẽ được hưởng ưu đãi về tín dụng thuế. Giờ đây, cả EU và Anh cũng đều tìm cách để được hưởng ưu đãi tương tự.
Tổng thống Mỹ Biden hồi tuần trước cho hay ông có thể gặp nhà lãnh đạo của Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi vào tháng 9. Có dự báo là ở đó, hai nhà lãnh đạo sẽ đồng ý về các bước nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ đã phát triển trong những năm gần đây trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng.
Ông Osius cho rằng Washington nên mở rộng diện được hưởng ưu đãi thuế cho cả các bên ký kết Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), một diễn đàn thương mại gồm 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam và nước láng giềng Indonesia, quốc gia có trữ lượng khoáng sản lớn thường dùng để làm pin.
Chính quyền của ông Biden đã khởi động IPEF như là một phần trong nỗ lực tăng cường can dự kinh tế với châu Á sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, nhưng IPEF còn thiếu các điều khoản về tiếp cận thị trường mà các quốc gia ASEAN muốn có. (Theo VOA).