Nguồn hình ảnh, Getty Images
Ít nhất 19 mỏ khí đốt mới, có trữ lượng ước tính khoảng trên 540 tỷ mét khối khí, trong đó gồm hai ‘siêu mỏ’ của Việt Nam, đang được coi là đe dọa phá vỡ thỏa thuận khí hậu Paris – cam kết sự nóng lên toàn cầu dừng dưới mức 1,5 độ C.
Mười chín mỏ này đã đạt hoặc dự kiến sẽ đạt quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 2025 ở Đông Nam Á, theo thông tin mới nhất mà Global Energy Monitor’s Global Oil và Gas Extraction Tracker (GOGET) cung cấp cho BBC News Tiếng Việt.
Hơn 75% các mỏ đang phát triển này được đặt tại Malaysia và Việt Nam.
Không chỉ các mỏ thăm dò khí đốt mới này đi ngược lại sự đồng thuận về mặt khoa học rằng không thể khai thác thêm mỏ dầu khí mới nào trong khi vẫn muốn đảm bảo giữ mức ấm nóng toàn cầu dưới 1,5°C, mà tuổi thọ tiềm năng của một số mỏ vượt ra ngoài khung thời gian cam kết net-zero (phát thải bằng 0) mà nhiều quốc gia đặt ra.
Theo đó, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia có mục tiêu đạt net zero vào 2050, với Indonesia là năm 2060.
Trong khi đó, nhiều dự án khí đốt dự tính khai thác tới sau 2060. Với lượng khí thải tương thích phát ra từ mỗi dự án, việc tiếp tục sản xuất sẽ khiến việc đạt được net zero khó khăn hơn.
Hai ‘siêu dự án’ khí đốt của Việt Nam
Hai siêu dự án của Việt Nam trên Biển Đông là Block B và Cá Voi Xanh chiếm 37% trữ lượng từ các dự án mới trong khu vực, trong khi ba dự án lớn nhất của Malaysia chiếm 38% khác.
Dự án Block B gồm Kim Long, Ác Quỷ, Cá Voi. Các mỏ này được phát hiện vào năm 2002 bởi Unocal nhưng hiện nay thuộc sở hữu của công ty dầu khí quốc gia PetroVietnam (66%), PTTEP của Thái Lan (26%) và Tập đoàn Mitsui (8,5%).
Các mỏ này nằm cách Phú Quốc khoảng 200 km về phía nam. Dự án này được công bố năm 2016, phê duyệt năm 2017 nhưng sau đó bị tạm ngừng vào năm 2018. Tháng 10/2022, Petrovietnam thông báo đấu thầu lại dự án này. Các đối tác dự kiến đạt được FID trong năm nay và sau đó bắt đầu sản xuất trong 2025. Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã nghi ngờ về khả năng phát triển của dự án.
Nếu dự án đi vào hoạt động, nó sẽ cung cấp khí đốt cho tổ hợp điện khí Ô Môn. Theo Energy Tracker Asia, dự án này “làm tăng rủi ro cho tất cả các bên liên quan — từ các nhà phát triển và nhà đầu tư cho đến chính phủ Việt Nam”.
Cá Voi Xanh là dự án khí đốt lớn thứ hai của Việt Nam trong báo cáo mới nhất của GOGET với FID tiềm năng từ năm 2022 – 2025, với 88,1 tỷ mét khối trữ lượng khí đốt.
Được phát hiện năm 2011, giống như Block B, Cá Voi Xanh đã phải đối mặt với nhiều sự chậm trễ, do “các vấn đề như quy trình phê duyệt theo quy định và các thỏa thuận bán khí đốt”, theo Energy Voice.
Các công ty tham gia vào dự án đã nhắm mục tiêu FID vào năm 2020, nhưng đã không đi đến kết quả. Kể từ năm 2023, các bên liên quan đã làm việc để đạt được FID trong năm nay. Nếu dự án tiến triển, khí đốt sẽ chảy qua một đường ống dài 80 km và được xử lý bên ngoài thành phố Đà Nẵng trước khi trở thành nguyên liệu cho các nhà máy điện khí. Các nhà phân tích dự đoán dự án sẽ bắt đầu đi vào sản xuất “không sớm hơn năm 2030.”
Mỏ Kèn Bầu chứa ước tính 226 tỷ mét khối khí. Được phát hiện vào năm 2019, dự kiến sẽ bắt đầu đi vào sản xuất năm 2028, mỏ này gần như đã nằm trong phạm vi của báo cáo này. Tuy nhiên, không có năm FID dự kiến được tìm thấy, vì vậy nó không được đưa vào phân tích mới nhất này của GOGET.
Mối nguy cho Thỏa thuận Khí hậu Paris
Năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã công bố lộ trình Net Zero vào năm 2050, trong đó nêu rõ “ngoài các dự án đã được cam kết đến năm 2021, không có mỏ dầu khí mới nào được phê duyệt để phát triển trong lộ trình của chúng ta.”
Trong một báo cáo năm 2022, Viện quốc tế về Phát triển Bền vững đã phân tích nhiều con đường để hạn chế trái đất nóng lên 1,5°C và nhận thấy “không những không cần thiết phải có các dự án mới, mà quan trọng hơn là không có chỗ để phát triển các dự án mới nếu chúng ta hạn chế trái đất nóng lên 1,5°C.”
Như vậy, việc phát triển các dự án mới này làm tăng khả năng vượt mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Phân tích của IEA cho thấy sản lượng khí đốt của khu vực Đông Nam Á dự kiến tăng lên từ năm 2030 – 2050 đến một mức độ cao hơn hẳn mức trong Kịch bản Phát triển bền vững.
Theo phân tích của GOGET, không thể phủ nhận rằng nhu cầu năng lượng đang gia tăng trên khắp Đông Nam Á khi dân số tăng, nhưng khu vực này phải tìm các nguồn bền vững để đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ.
Khi các mỏ hiện có đang dần cạn kiệt, các tác giả của báo cáo mà GOGET mới công bố cho rằng các quốc gia Đông Nam Á nên sử dụng cơ hội này để giúp đạt được các mục tiêu khí hậu bằng cách chuyển hướng đầu tư của họ từ khai thác và sản xuất các nguồn nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Giải pháp nào
Trao đổi với BBC, ông Scott Zimmerman, Quản lý Dự án của GOGET và đồng tác giả của báo cáo nói trên cho hay:
“Có một “sự nhất trí lớn” rằng việc phát triển bất kỳ mỏ dầu khí mới nào đều không tương thích với lộ trình hạn chế trái đất nóng lên ở mức 1,5°C. Việc này đúng với tất cả các nước. Các mỏ khí đốt mới ở Việt Nam và ở các nước khác trên thế giới cần phải tạm dừng để đảm bảo sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 1,5 độ C.”
Điều đáng bàn là Việt Nam đã được các nước giàu có trong khối G7 hứa tài trợ 15,5 tỷ USD thông qua Thỏa thuận Đối Tác Chuyển đổi Năng lượng (JETP) ký năm 2022.
Các nước đã hứa tài trợ cho Việt Nam có trách nhiệm gì trong việc đảm bảo Việt Nam sử dụng khoản tiền này hiệu quả không?
Ông Scott Zimmerman cho rằng các quốc gia tài trợ nên có lập trường để đảm bảo rằng quỹ này không tài trợ cho bất kỳ dự án nhiên liệu hóa thạch mới nào.
“Nghiên cứu gần đây của Viện Rocky Mountain và các tổ chức khác cho thấy rằng toàn bộ vòng đời phát thải của khí đốt cũng tệ như hoặc tệ hơn vòng đời phát thải của than đá. Do đó, không có lý do chính đáng nào để coi khí đốt là nhiên liệu chuyển tiếp sang năng lượng sạch. Thật không may, điều này không phải lúc nào cũng được các thỏa thuận của JETP công nhận.
“Ví dụ, gần đây có thông tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ vai trò của khí đốt trong thỏa thuận JETP của Senegal, ông nói: “… trong trường hợp của Senegal, chúng tôi sẽ cho phép nước này phát triển các dự án khí đốt… vì khí đốt là một năng lượng chuyển tiếp, và chúng ta biết rằng hành tinh này sẽ vẫn cần nó…”
Cũng theo ông Scott Zimmerman, các mỏ đang hoạt động và đang được xây dựng chứa nhiều nhiên liệu hóa thạch hơn mức mà thế giới có thể đủ khả năng khai thác và đốt cháy theo Thỏa thuận Paris. Nếu các mỏ này được phát triển, các mỏ ở nơi khác sẽ cần phải ngừng hoạt động.
Ông Zimmerman cũng nhắc tới một báo cáo của Viện phát triển bền vững quốc tế đăng trên trang Carbon Brief cho hay: “Việc đóng cửa sớm các mỏ đã khai thác rồi là cực kỳ hiếm và chúng tôi không thấy điều đó xảy ra trừ khi kinh tế trở nên bất lợi đối với các mỏ có chi phí khai thác cao. Theo đó, vì các mỏ đang hầu như không bao giờ đóng cửa trước khi kết thúc vòng đời kinh tế của chúng, chúng tôi ủng hộ việc ngăn chặn bất kỳ mỏ mới nào mở ra để tránh tài sản bị mắc kẹt hoặc nguy cơ phá vỡ lộ trình giới hạn sự nóng lên của trái đất dưới 1,5 độ C.”
Trong khi đó, bà Warda Ajaz, Quản lý Dự án Asia Gas Tracker Project Manager khẳng định với BBC rằng các nước sẽ không thể hoàn thành mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng bền vững và công bằng thông qua JETP nếu họ chỉ chuyển đổi từ than đá sang khí đốt.
“Do đó, việc phát triển các mỏ khí mới dường như phản tác dụng theo nghĩa này.
“Kịch bản phát triển bền vững của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vạch ra cách để các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu (Việt Nam không phát thải ròng vào năm 2050).
“Trong kịch bản đó, các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả khí đốt, được loại bỏ dần, và việc triển khai công nghệ năng lượng sạch được thúc đẩy.
“Các nỗ lực quốc tế như Liên minh ngoài dầu khí và Hiệp ước không phổ biến nhiên liệu hóa thạch nên được coi là ưu tiên hợp tác quốc tế,” bà Warda Ajaz nói với BBC. (Theo BBC)