Tuesday, December 3, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnĐôi chân đất sét sụm của người khổng lồ

Đôi chân đất sét sụm của người khổng lồ

Kết thúc 40 năm bùng nổ của Trung Quốc

Lê Tây Sơn

(Tiếp theo)

Tuy nhiên, theo thời gian, hậu quả của xây dựng quá mức ngày càng bộc lộ và kéo theo nó là gánh nặng nợ nần. Năm 2018, theo một nghiên cứu của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam Trung Quốc, khoảng 130 triệu căn hộ (chiếm 1/5 số căn hộ ở đô thị) không có người ở. Một nhà ga đường sắt cao tốc ở thành phố Đam Châu (Danzhou) thuộc tỉnh Hải Nam phía Nam TQ, tiêu tốn $5.5 triệu tiền xây dựng nhưng vẫn chưa hoạt động vì số hành khách quá ít. Chính quyền Hải Nam cho biết việc đưa vào vận hành sẽ gây “tổn thất lớn”.

Quý Châu (Guizhou), một trong những tỉnh nghèo nhất nước với GDP bình quân đầu người dưới $7,200 vào năm ngoái, tự hào có hơn 1,700 cây cầu và 11 sân bay, nhiều hơn tổng số sân bay ở bốn thành phố hàng đầu của TQ! Tỉnh này có khoản nợ tồn đọng ước tính $388 tỷ vào cuối năm 2022 và đến Tháng Tư 2023 phải xin chính quyền trung ương chi viện trợ để ổn định tài chính.

Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, nhận xét: “Sự đi lên về kinh tế của TQ giống như những gì nhiều nền kinh tế châu Á khác từng trải qua trong thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng và những gì các nước châu Âu như Đức đã trải qua sau Đại chiến Thế giới lần II, khi các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng”.

Hàng thập niên xây dựng quá mức ở TQ làm nhớ lại cơn sốt xây dựng cơ sở hạ tầng vượt ngoài tầm kiểm soát ở Nhật Bản vào cuối thập niên 1980 và 1990. Hiệu quả đầu tư không cao do đồng tiền phải chia năm xẻ bảy nên các nhà kinh tế ước tính TQ hiện phải đầu tư khoảng US$9 đôla để tạo ra mỗi đôla tăng trưởng GDP, tăng từ dưới $5 một thập niên trước và hơn $3 một chút vào thập niên 1990.

Theo Bert Hofman, Viện trưởng Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, lợi nhuận trên tài sản (returns on assets) của các công ty tư nhân cũng giảm xuống 3.9% từ mức 9.3% cách đây năm năm. Lợi nhuận của các công ty nhà nước đã giảm xuống 2.8% từ 4.3%. Trong khi đó, lực lượng lao động của TQ đang ít dần và tăng trưởng năng suất cũng chậm lại. Phân tích của Hofman cho thấy, từ thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000, tăng năng suất đóng góp khoảng 1/3 tăng trưởng GDP của TQ. Tỷ lệ đó giảm xuống còn dưới 1/6 trong thập niên qua.

Nợ nần chồng chất

Giải pháp duy trì phát triển cho nhiều địa phương TQ vẫn là… tiếp tục vay mượn và xây dựng. Theo dữ liệu của Bank for International Settlements, năm 2022, tổng nợ của TQ, gồm cả nợ của các cấp chính quyền và công ty nhà nước, đã tăng lên gần 300% GDP so với dưới 200% của năm 2012 và vượt qua mức của Hoa Kỳ.

Phần lớn khoản nợ phát sinh là của các thành phố. Theo IMF, vì bị Bắc Kinh hạn chế khả năng vay trực tiếp để tài trợ cho các dự án, các địa phương đã chuyển sang vay các tổ chức tài chính đắt đỏ hơn với tổng khoản nợ dự kiến lên tới hơn $9 ngàn tỷ trong năm nay. Công ty nghiên cứu kinh tế Rhodium Group có trụ sở tại New York ước tính chỉ có khoảng 20% các định chế tài chính được chính quyền địa phương vay tài trợ cho các dự án là có đủ dự trữ tiền mặt thanh toán các khoản nợ ngắn hạn đến hạn, gồm cả trái phiếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tại Vân Nam, chính việc “chi tiêu khủng” cho cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều năm. Hàng trăm tỷ đôla bỏ ra để xây cây cầu treo cao nhất châu Á, hơn 6,000 dặm đường cao tốc, nhiều sân bay và những thứ khác. Từ năm 2015 đến 2020, Vân Nam là một trong những tỉnh phát triển nhanh nhất ở TQ nhưng tăng trưởng đã yếu đi trong vài năm qua. Thị trường bất động sản sụt giảm ảnh hưởng nặng nề đến tài chính địa phương, khi doanh thu từ việc bán đất cạn kiệt. Tỷ lệ nợ trên doanh thu của Vân Nam đã tăng lên 151% trong năm 2021, quá mức 150% được IMF xem là “đáng báo động” và tăng từ 108% của năm 2019 (theo Lianhe Ratings – 聯合國際, Liên Hợp Quốc Tế, một cơ quan xếp hạng TQ).

Đầu năm nay, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho biết các công ty tài chính được tỉnh sử dụng để tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ẩn chứa đầy rủi ro do quy mô các khoản vay của họ và tình hình tài chính căng thẳng của chính phủ. Tuy nhiên, do không còn chọn lựa nào khác, Vân Nam vẫn tiếp tục ấp ủ những kế hoạch lớn. Năm 2020, chính quyền có kế hoạch chi gần $500 tỷ cho hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng, mà nổi bật là dự án trị giá hơn $15 tỷ để chuyển nước từ sông Dương Tử đến điểm nóng khô hạn của tỉnh.

Giải pháp

Tại các hành lang quyền lực ở Bắc Kinh, các quan chức cấp cao nhận thức được mô hình tăng trưởng trong bốn thập niên qua đã đạt đến giới hạn. Năm 2022, trong một bài phát biểu thẳng thắn trước thế hệ lãnh đạo mới của đảng, ông Tập đã lưu ý các quan chức chỉ biết dựa vào vay mượn xây dựng để mở rộng các hoạt động kinh tế.

Các nhà kinh tế cho rằng giải pháp khả thi nhất hiện nay là TQ phải chuyển sang thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và các ngành dịch vụ để giúp nền kinh tế cân bằng hơn, giống Mỹ và Tây Âu. Theo WB, tiêu dùng hộ gia đình ở TQ hiện chỉ chiếm khoảng 38% GDP, hầu như giậm chân tại chỗ những năm gần đây, so với khoảng 68% ở Mỹ. Nhưng muốn thay đổi, chính phủ TQ phải thực hiện các biện pháp khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn, trong đó có mở rộng mạng lưới an sinh xã hội còn yếu với các khoản trợ cấp thất nghiệp và y tế lớn hơn để kích cầu.

Nhưng Tập Cận Bình và một số phụ tá của ông vẫn nghi ngờ về bài toán tiêu dùng kiểu Mỹ mà họ cho là lãng phí vào thời điểm TQ nên tập trung vào việc củng cố năng lực công nghiệp và chuẩn bị cho xung đột tiềm ẩn với phương Tây. Giới lãnh đạo TQ cũng lo lắng rằng việc trao cho các cá nhân quyền đưa ra nhiều quyết định hơn về cách chi tiêu sẽ làm suy yếu quyền lực nhà nước nhưng vẫn không tạo ra mức tăng trưởng mà Bắc Kinh mong muốn.

Một kế hoạch kích cầu được công bố vào cuối Tháng Bảy 2023 đã bị các nhà kinh tế cả trong và ngoài TQ chỉ trích vì không rõ ràng. Nó đề xuất thúc đẩy các sự kiện thể thao và văn hóa, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng nhiều cửa hàng tiện lợi hơn ở các vùng nông thôn. Thay cho kế hoạch chết yểu này, để tăng cường kiểm soát chính trị, ban lãnh đạo TQ quyết định tăng gấp đôi sự can thiệp của nhà nước để biến TQ thành một cường quốc công nghiệp lớn hơn, mạnh hơn nữa trong các ngành được chính phủ xem là ưu tiên như chip, xe hơi điện và trí tuệ nhân tạo.

Dù các chuyên gia nước ngoài không nghi ngờ về việc TQ có thể đạt được những bước tiến trong các lĩnh vực này, nhưng chỉ riêng chừng đó thôi thì không đủ. Chính phủ TQ cũng cam kết tạo đủ việc làm cho hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia lực lượng lao động nhưng “lực bất tòng tâm”. Bắc Kinh đã chi hàng tỷ đôla để cố gắng xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn của đất nước và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây. Nhưng mục tiêu chính là mở rộng sản xuất các loại chip ít phức tạp hơn chứ không phải là chip tiên tiến được sản xuất bởi các công ty như tại Đài Loan. Tuần trước, ngay khi Bắc Kinh công bố một loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng, tạp chí hàng đầu của đảng, Qiushi (求是 – Cầu Thị), đã đăng lại bài phát biểu của ông Tập trước các quan chức cấp cao, trong đó ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “tập trung vào các mục tiêu dài hạn thay vì theo đuổi của cải vật chất ngắn hạn kiểu phương Tây”. Ông Tập nhấn mạnh: “Chúng ta phải duy trì sự kiên nhẫn và nhất quyết đạt được tiến bộ ổn định, không nóng vội mà từng bước một chắc chắn”.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments