Saturday, September 28, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiĐảo chính ở Niger, các nước khẩn trương di tản công dân

Đảo chính ở Niger, các nước khẩn trương di tản công dân

Tướng Abdourahmane Tiani (phải) được các lãnh tụ đảo chánh bầu làm nguyên thủ quốc gia Niger đến gặp các bộ trưởng tại Niamey, Niger, ngày 28/7/2023.

Một máy bay vận tải quân sự Pháp đưa công dân châu Âu rời khỏi Niger hôm 1/8 trong chuyến bay sơ tán đầu tiên kể từ khi binh lính nổi loạn lật đổ tổng thống dân cử của nước này gần một tuần trước và đóng cửa biên giới.

Pháp, Ý và Tây Ban Nha đều tuyên bố sơ tán công dân của họ và các công dân châu Âu khác ra khỏi Niger, lo ngại họ bị mắc kẹt bởi cuộc đảo chính mà ba quốc gia Tây Phi khác đã lên tiếng ủng hộ hôm 1/8. Ba nước đó cũng được cai trị bởi những người lính nổi loạn.

Bộ Ngoại giao Pháp viện dẫn bạo lực gần đây nhắm vào tòa đại sứ của họ ở thủ đô Niamey, là một trong những lý do khiến nước này quyết định cung cấp các chuyến bay sơ tán cho hàng trăm công dân của mình và những người châu Âu khác. Bộ cho biết việc đóng cửa không phận của Niger “khiến đồng bào của chúng tôi không thể rời khỏi đất nước bằng phương tiện của chính họ.”

Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha tuyên bố chuẩn bị sơ tán hơn 70 công dân và Ý cũng cho biết đang sắp xếp một chuyến bay. Văn phòng đối ngoại của Đức kêu gọi công dân của họ ở Niger nên “tận dụng cơ hội tiếp theo để rời đi” nếu không cần thiết ở lại.

Các cuộc sơ tán diễn ra trong lúc cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng xuất phát từ cuộc đảo chính vào tuần trước chống lại Tổng thống dân cử của Niger, Mohamed Bazoum. Việc lật đổ ông rõ ràng là một đòn giáng mạnh đối với các quốc gia phương Tây đang hợp tác với Niger chống lại những kẻ cực đoan Tây Phi.

Tại các khách sạn ở Niamey, người châu Âu và người từ các nước khác, bao gồm cả một số người Mỹ, đóng gói hành lý. Tại sân bay, hàng trăm người xếp hàng nhiều giờ chờ lên những chuyến bay di tản của Pháp.

Một cựu quan chức quân đội Pháp từng huấn luyện quân đội Niger với tư cách là một thường dân nói với hãng tin AP rằng ông sẽ rời đi mặc dù “công việc của ông chưa kết thúc”. Phát biểu với điều kiện giấu tên vì lý do an ninh, ông cho biết việc quân đội chiếm quyền đã khiến nhiều người bất ngờ.

Tổ chức khu vực Tây Phi được gọi là Cộng đồng Kinh tế Tây Phi ECOWAS đã công bố các chế tài kinh tế và du lịch đối với Niger vào ngày 30/7 và cho biết họ có thể sử dụng vũ lực nếu thủ lĩnh cuộc đảo chính không phục hồi ông Bazoum trong vòng một tuần.

Nhưng chính quyền quân nhân mới đã nhận được sự ủng hộ từ các chính phủ quân sự của Mali, Burkina Faso và Guinea.

Mali và Burkina Faso nói “bất kỳ sự can thiệp quân sự nào chống lại Niger sẽ được coi là lời tuyên chiến chống lại Burkina Faso và Mali.” Hai nước này cũng tố cáo các biện pháp trừng phạt kinh tế của ECOWAS là “bất hợp pháp, không chính đáng và vô nhân đạo”, đồng thời từ chối áp dụng chúng.

ECOWAS đã đình chỉ tất cả các giao dịch thương mại và tài chính giữa các quốc gia thành viên với Niger, cũng như đóng băng các tài sản của Niger được giữ tại các ngân hàng trung ương khu vực. Niger phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài và các biện pháp trừng phạt có thể khiến hơn 25 triệu người dân của nước này trở nên nghèo khó hơn.

Mali và Burkina Faso từng trải qua hai cuộc đảo chính kể từ năm 2020, khi binh lính lật đổ các chính phủ tuyên bố rằng họ có thể làm tốt hơn trong việc chống lại bạo lực thánh chiến ngày càng gia tăng có liên quan đến al-Qaida và nhóm Nhà nước Hồi giáo. ECOWAS đã trừng phạt cả hai quốc gia này và đình chỉ họ khỏi khối, nhưng chưa bao giờ đe dọa sử dụng vũ lực.

Guinea, một quốc gia khác nằm dưới sự cai trị của quân đội kể từ năm 2021, cũng đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ chính quyền của Niger và thúc giục ECOWAS “hãy tỉnh táo lại”.

Các cuộc sơ tán diễn ra sau vụ bạo lực hôm 30/7 nhắm vào Tòa đại sứ Pháp khi người biểu tình đốt cửa và đập vỡ cửa sổ trước khi bị quân đội Niger giải tán. Hàng ngàn người ủng hộ chính quyền đã xuống đường ở Niamey. Một số vẫy cờ Nga cùng với khẩu hiệu “Đả đảo Pháp” và ủng hộ Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tránh xa.

Không có lời giải thích rõ ràng về việc đề cập đến Nga, nhưng một số người biểu tình coi đó là biểu tượng của cảm xúc chống phương Tây của họ. Một số người cũng phản ánh sự ủng hộ đối với danh tiếng của nhóm lính đánh thuê Nga Wagner trong việc đàn áp tàn nhẫn các phần tử hiếu chiến.

Các nhà phân tích cho rằng Niger có thể đang đi theo bước chân giống như Mali và Burkina Faso, cả hai nước đều chứng kiến những người biểu tình vẫy cờ Nga sau cuộc đảo chính của họ.

Một số người nói rằng cuộc đảo chính của Niger cũng có thể khuyến khích bạo lực thánh chiến.

Ông Boubacar Moussa, cựu thành viên của một nhóm có liên hệ với al-Qaida được gọi là JNIM, cho biết quân đội lật đổ chính là điều mà các chiến binh thánh chiến mong muốn vì nó sẽ làm quân đội mất tập trung và suy yếu. Ông nói: “Các chiến binh thánh chiến rất ủng hộ cuộc đảo chính xảy ra ở Niger, bởi vì nó sẽ cho phép họ trở nên rất mạnh.”

Ông Moussa, người đã nói chuyện với AP ở Niamey, thuộc chương trình toàn quốc nhằm đưa các chiến binh thánh chiến trở lại, tái hòa nhập họ vào xã hội và sử dụng sự giúp đỡ của họ trong các nỗ lực chống khủng bố. Chương trình này được khởi xướng bởi ông Bazoum khi ông còn là bộ trưởng nội vụ và được coi là một giải pháp thay thế cho giải pháp quân sự nhằm ngăn chặn bạo lực trên khắp đất nước.

Các nhà phân tích Niger cho biết nếu ECOWAS sử dụng vũ lực, việc này cũng có thể gây ra bạo lực giữa những thường dân ủng hộ cuộc đảo chính và những người chống lại.

Thủ tướng Niger, người được bổ nhiệm bởi Tổng thống Bazoum và đã ra khỏi đất nước khi cuộc đảo chính diễn ra, kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đẩy lùi cuộc đảo chính để bảo vệ nền dân chủ ở Tây Phi.

“Đối với các quốc gia ECOWAS, đó là một vấn đề sống còn. Đối với cộng đồng quốc tế cũng vậy, đó là một vấn đề về độ tin cậy. Niger phải tiếp tục là một quốc gia dân chủ,” Thủ tướng Ouhoumoudou Mahamadou nói trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP ở Pháp.

Ông nói: “Niger là một quốc gia quan trọng về mặt an ninh đối với phần còn lại của châu Phi cũng như phần còn lại của thế giới.”

Các nhà quan sát tin rằng ông Bazoum đang bị giam giữ tại nhà riêng ở Niamey. Những bức ảnh đầu tiên của ông kể từ cuộc đảo chính xuất hiện vào tối 30/7, ngồi trên chiếc ghế dài mỉm cười bên cạnh Tổng thống Chad Mahamat Deby, người đã bay đến để làm trung gian hòa giải giữa chính phủ và chính quyền quân nhân.

Cả Hoa Kỳ và Pháp đã gửi quân đội và hàng trăm triệu đô la viện trợ nhân đạo và quân sự trong những năm gần đây tới Niger, vốn là thuộc địa của Pháp cho đến năm 1960. Tại thủ đô, nhiều người sống trong những nơi trú ẩn tạm bợ và tranh giành nhau hàng ngày để kiếm tiền nuôi con cái. Niger được coi là đối tác cuối cùng hợp tác với phương Tây chống chủ nghĩa cực đoan ở khu vực nói tiếng Pháp, nơi tâm lý chống Pháp đã mở đường cho tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 31/7 nói rằng Hoa Kỳ sẽ xem xét cắt viện trợ nếu cuộc đảo chính thành công. Ông Matt Miller, phát ngôn viên của Bộ, cho biết viện trợ “phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của các hành động trong nước.” “Viện trợ Mỹ xoay quanh việc tiếp tục quản trị dân chủ ở Niger,” ông nhấn mạnh. (Theo VOA).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments