Hàng vạn khán giả đến xem nhóm Blackpink lần đầu trình diễn tại Hà Nội đêm 29/7
Ý kiến nói để có những nhóm nhạc như Blackpink, xã hội, chính trị, giáo dục của xứ Nam Hàn phải được xây dựng trên tinh thần thiết thực, văn minh, khai phóng, chứ không phải quanh năm chạy theo thành tích giả để báo cáo cho nhau nghe rồi ngồi vỗ tay trong tiếng rao xao xác của những gánh hàng rong giữa trưa hè nhễ nhại.
Năm 2021, Blackpink thu nhập từ YouTube lên đến 11.6 triệu USD, dù nhóm này chưa phải đã là đầu bảng trong danh sách kiếm tiền từ kênh nghe nhạc trực tuyến nói trên. Khủng như vậy, nhưng đây chỉ là một nguồn thu phụ của các nhóm nhạc K-Pop xứ Hàn.
Hai thập kỷ qua, sự tăng trưởng liên tục của kinh tế Hàn Quốc có sự đóng góp đáng kể của ngành công nghiệp giải trí. Làn sóng văn hóa Hàn Quốc trên toàn thế giới, nhất là âm nhạc, đã vực dậy hình ảnh và kinh tế nước này, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Các nhóm K-Pop kiếm tiền như nước. Mỗi lần ra một album, nhóm nhạc và công ty có thể bỏ túi hàng trăm tỷ đồng, nhưng đó vẫn chưa phải nguồn thu chính. Việc quảng cáo cho một nhãn hàng có thể mang về cho mỗi nhóm số tiền hàng trăm thậm chí đến cả ngàn tỉ đồng/năm. Mà họ thì không chỉ quảng cáo cho một thương hiệu!
Đóng phim, làm MC, tham gia chương trình thực tế… cũng thu về số tiền khổng lồ. Các nền tảng nhắn tin, trò chuyện trực tiếp với các idol cũng được sinh ra và khiến tiền chảy về như thác lũ. Tính đến tháng 9/2019 số lượng người dùng Weverse đã vượt 150 triệu người và thu về gần 590 tỷ VND. Sau đó tăng vọt lên hơn 2.100 tỷ VND chỉ trong nửa đầu năm 2020.
Ngay cả trong đại dịch, vì không thể lưu diễn, tháng 1/2021 Blackpink đã tổ chức một đêm nhạc trực tuyến và kiếm được hơn 10.5 triệu USD.
Và bây giờ thì họ đến Việt Nam.
Việc kiếm tiền không nên hiểu thô sơ rằng chỉ là tiền mặt thu về từ những hoạt động trực tiếp như vừa điểm qua. Độ phủ sóng của ngành công nghiệp K-Pop không chỉ ở các lĩnh vực thời trang, công nghệ, ẩm thực, du lịch, làm đẹp mà ngày nay còn ở cả văn hóa, chính trị, thể thao. Nó kích thích sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều ngành nghề, thúc đẩy các mặt hàng Hàn Quốc chiếm sóng trên thế giới.
Trong lúc giới trẻ Việt đang sung sướng đến ngất xỉu khi được nhìn thấy thần tượng của mình trên đất thủ đô “ngàn năm văn hiến” và những người già thì đang càm ràm về đủ mọi chuyện trịnh trọng, thì tiền vẫn không ngừng chảy vào túi Blackpink giữa lúc dòng người An nam vẫn ùn ùn kéo qua Hàn làm osin.
Lại nhớ câu của bà Hiền trong “Một người Hà Nội”: “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải lo mà làm ăn chứ”.
Không giàu thì làm sao mà mạnh.
Nhìn vào giới trẻ Hàn Quốc với những Blackpink, ta thấy tài năng, sức sống, óc thực tiễn và một tinh thần dân tộc không nhiều lời.
Tất nhiên, để có những lớp người như thế, xã hội, chính trị, giáo dục của xứ Nam Hàn phải được xây dựng trên tinh thần thiết thực, văn minh, khai phóng, chứ không phải quanh năm chạy theo thành tích giả để báo cáo cho nhau nghe rồi ngồi vỗ tay trong tiếng rao xao xác của những gánh hàng rong giữa trưa hè nhễ nhại. Theo ĐV).