Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomeUncategorizedĐẠI HỌC MÁU

ĐẠI HỌC MÁU

Hà Thúc Sinh

TRẠI AN DƯỠNG

                                                                  7/76 – 8/77

(Tiếp theo)

BA MƯƠI

Việc mất cơm để dành, mất khoai… đáng lý rơi vào quên lãng nếu không có một vụ đánh cắp trầm trọng hơn đã xảy ra sau đợt gửi quà vào đầu tháng 9 năm 76. Cả nhà ai cũng có quà gia đình gửi vào kèm 20 đồng, kẻ có nhiều hơn nhờ gia đình giấu tiền trong lọ mắm ruốc hoặc trong lọ tương chao… Đợt quà ấy người có nhiều tiền nhất có lẽ là tay Đào của tổ 3. Trong gói quà 3 kgs Đào “thu hoạch” được 5 tờ 20 đồng mới toanh của gia đình nhét dấu một cách tài tình trong một cục xà phòng chữa ghẻ màu nâu xậm của Mỹ trước kia.

Buổi chiều hôm lãnh quà, Đào tẩn mẩn ngồi dò chơi những con số trên mặt đồng bạc. Hai ba tay khác cũng xúm lại so sánh những đồng bạc mới với nhau. Sáng hôm sau cái sắc đầu giường của Đào biến mất. Tệ hại hơn trong sắc đó ngoài cái ví đựng 100 đồng của Đào kèm ít giấy tờ quan trọng, còn một cặp kính cận dày cộm và đủ thứ hình ảnh gia đình mà nó nhận được từ những kỳ quà vừa qua! Khi phát hiện ra mình mất đồ, Đào thất kinh la ầm ỹ. Nó muốn khóc lúc ngồi yên ở một góc phòng vì không có cặp kính cho đôi mắt cận nặng. Lúc ấy giờ đi lao động đã đến, Bính cho Đào ở nhà và dặn Đào đừng làm ầm vụ này, để hắn tính khi đi lao động về.

Giờ cuốc đất sáng hôm ấy không ai vui vẻ. Bính đã theo dõi và đã tình nghi một người, đồng thời cũng có nhiều người khác đoán chắc kẻ đánh cắp là ai. Buổi trưa về tới trại, trả cuốc trả xẻng xong, Bính ra lệnh tất cả mọi người không được vào phòng. Hắn nhất định kêu các tổ trưởng vào cùng mở một cuộc lục soát hành trang của tất cả mọi người. Dĩ nhiên có người phản đối, nhưng hầu hết đều muốn Bính làm ngay để kẻ gian không có thì giờ tẩu tán đồ ăn cắp. Quản giáo có lên án tùy tiện không báo cáo trước thì cả tập thể B2 sẽ lãnh trách nhiệm. Bính được hậu thuẫn, hắn lôi ngay cái túi của mình xuống trước mắt mọi người và yêu cầu các tổ trưởng lục soát trước nhất. Kế đó Bính tiếp tục yêu cầu lục thêm sắc của vài người nữa. Vĩnh đứng bên ngoài quan sát thấy rõ mọi người chỉ lục cho có lệ. Và cái sắc đáng lục nhất, theo sự dự đoán của mọi người, đã tới. Đó là cái sắc đồ sộ vào bậc nhất của nhà B2 mà người sỡ hữu là Phạm An Toàn, một tay đã bị nhiều anh em nghi ngờ có máu bất lương từ L4T3 khối 3.

Cái sắc dĩ nhiên được lục tung ra. Thôi thì đủ mọi thứ linh tinh. Thốt nhiên một người đứng bên ngoài kêu lên.

– Ê mấy ông! Mấy ông xem giùm xem cái đồng hồ mấy ông đang cầm đó có phải hiệu Boulevard, mặt đồng hồ có số La Mã không?

Bên trong nghe lời đề nghị, các tổ trưởng xúm lại cùng quan sát cái đồng hồ. Y chang như lời báo động của người đứng ngoài. Ngay sau khi được Bính xác nhận cái đồng hồ có hiệu Boulevard và có những con số La Mã, vài tay thuộc các nhà khác đứng bên ngoài đồng la lớn.

– Đúng là cái đồng hồ của thằng Phước ở khối 3 rồi! Chạy qua C2 báo cho thằng Phước biết đã tìm ra đồng hồ của nó. Thằng Toàn ăn cắp! Thằng Toàn ăn cắp!

Chỉ hai phút sau đó người được gọi là chủ cái đồng hồ bị mất cắp từ Trảng Lớn đã có mặt. Tuy nhiên, Bính yêu cầu mọi người yên lặng và chiếc đồng hồ chưa thể hoàn trả lúc này. Cuộc khám xét tiếp tục. Lê Văn Tần, anh chàng thiếu úy kịch sỹ hiện thuộc tổ 3 nhà B2, nhưng lại có công tác đặc biệt cho tiểu đoàn là làm trưởng toán một nhóm chuyên môn đi mắc dây điện, bỗng nhiên la lớn.

– Ối trời đất ơi, cái ví của tôi đây rồi.

Ba ngày trước đây Tần than thở mất một cái bóp phơi, không có tiền nhưng chỉ có cái hình cô bạn gái của anh ta. Cái bóp phơi giờ này còn nằm nguyên vẹn trong đáy sắc của Phạm An Toàn.

Một tiếng than thở đượm vẻ khôi hài khẽ vang lên trong đám người đứng bên ngoài.

– Tội nghiệp, kẻ gian mắc nạn!

Riêng Phạm An Toàn đã được triệu vào ngồi chứng kiến cuộc lục soát mớ đồ đạc của hắn. Thoạt đầu hắn còn cứng giọng, đòi hỏi phải có quản giáo trực tiếp kiểm tra, đòi hỏi phải có sỹ quan an ninh trại chứng kiến… Nhưng bây giờ hắn đã im lìm như một hòn đá, mắt hốt hoảng và sợ bạc mặt bạc mày.

Những món đồ kế tiếp bị lôi ra. Thỉnh thoảng lại có một tiếng kêu vang lên của một người nào đó nhận diện được món đồ mình đã mất. Một cái quần jean rách, một cái chemise, một bộ Domino, thậm chí có cả một vài cái bao cát mới toanh cũng bị nhận diện. Sau cùng thì đám kiểm soát tìm thấy một gói giấy gói thật kỹ. Mở gói giấy ra, một cái kính cận dầy cộm rơi ngay xuống đống quần áo trên nền nhà.

– Trúng mỏ rồi!

Một tiếng thét lớn từ ngoài vọng vào.

– Đánh bỏ mẹ nó đi!

– Con sâu làm rầu nồi canh!

– Mất mặt chỉ vì thằng ăn cắp!

Nhiều tiếng la hét vang lên tiếp đó lúc Bính lôi ra trong gói giấy một xấp tiền còn mới toanh. Bính chưa biết tính sao với đống tiền cầm trên tay, thì ngoài dự đoán của mọi người, Toàn hầm hầm đứng dậy. Hắn cất cái giọng nửa đực nửa cái. – Tôi yêu cầu anh Bính không được lạm quyền. Anh không thể cả quyết tiền này là tiền của anh Đào được…

Những tiếng la cất lên.

– Ngoan cố! Thế những tang vật kia là cái gì?

Toàn quay phắt lại đám đông liều lĩnh nói.

– Những cái đó tao lượm được, còn tiền này là tiền của tao.

Đến lúc này Đào mới lên tiếng sau khi nó đã xin lại được cặp kính cài lên mắt.

– Xin các anh bình tĩnh. Tôi chưa xem những đồng bạc đó nhưng tôi nhớ số, không, nhớ series những đồng bạc của tôi. Hình như anh Bùi Vịnh cũng nhớ vì hôm qua anh có đọ những đồng bạc của anh với của tôi.

Bùi Vịnh là tổ trưởng, đang tham gia vụ xét đồ, anh không muốn mang tiếng thiên vị nên phủ nhận ngay.

– Hôm qua tôi có nhìn chơi mấy đồng bạc mới của anh Đào, nhưng quả thật tôi không nhớ số…

Đào tiếp.

– Vậy cũng không sao. Nó ngẫm nghĩ một chút. Bây giờ có tập thể ở đây làm chứng, nếu tôi đọc đúng series những đồng bạc của tôi, anh Toàn sẽ tính sao?

Toàn thấy mình đã gần đường cùng đành liều kiểu nhất chín nhì bù. Hắn hơi thấp giọng.

– Nếu vậy yêu cầu anh đọc số đi!

Bính cầm trên tay những đồng bạc mới và ra lệnh cho Đào đọc trước mọi người. Đào lớn giọng.

– Tôi không thể nhớ hết bảy tám con số, nhưng tôi có thể khẳng định tiền tôi có series L và khởi đầu bằng những con số 327. Nó lại ngẫm nghĩ một chút nữa. Đúng rồi, nó reo lên. 3279! Đó là 4 con số đầu của những hàng số gồm 9 con số. Có đúng không?

Các tổ trưởng xúm lại xem mấy đồng bạc cùng với Bính. Họ dò từng đồng bạc và khi thấy 5 tờ đều có cùng những con số đầu như vậy, Huỳnh Công Cẩn mới tuyên bố.

– Những lời xác nhận của anh Đào đều đúng!

Toàn vừa tính lên tiếng thì Đào đã lên tiếng trước.

– Tôi cũng xin thưa với anh em, tôi nhớ tôi có viết một chữ rất nhỏ trên một góc đồng bạc.

Nói tới đây Đào ngừng lại với vẻ ngần ngại. Bính hỏi ngay. – Anh viết gì?

Trước đám đông Đào có vẻ ngượng, nhưng nó nghĩ rằng lời khai sau cùng này mới là quan trọng, và nếu như trên đồng bạc có đúng hàng chữ đó, Phạm An Toàn chỉ có chạy lên trời! Đào đằng hắng tí chút, rồi khai.

– Tôi có viết một câu rất nhỏ nơi góc một đồng bạc, đó là hàng chữ “Tôi yêu em”!

Bính tìm ra hàng chữ đó không quá lâu. Nó đem đồng bạc có hàng chữ “Tôi yêu em” trình cho mọi người cùng xem.

Màn khám xét coi như chấm dứt. Thiên hạ lục đục kéo nhau về. Riêng B2 buổi trưa vội vã chia cơm vì giờ ăn đã quá muộn. Dĩ nhiên Phạm An Toàn giờ này có sơn hào hải vị cũng không thể nuốt vô.

Các ông trưởng phó bàn nhau một lúc, và giải pháp sau cùng là đi báo cáo! Cơm nước xong, theo lời khai của Toàn, Đào bước về phía một hầm cầu nằm bên kia con lộ với hai ba người bạn khác. Bằng một cái cây, nó đã khều lên cái túi của nó, trong đó có một bộ quần áo cũ và mớ hình ảnh thân yêu bị phân lẫn dòi bọ bám đầy.

Lúc mọi người sửa soạn đi lao động, Đào vẫn ngồi ôm mớ ảnh đã bị rửa nước ướt mèm và tấm tức khóc. Chẳng ai buồn chia xẻ nỗi hậm hực của nó. Mà chia xẻ được gì bây giờ. Khi số tiền của nó đã vượt quá nội quy bị khung tịch thu. Còn chuyện thằng khốn nạn Phạm An Toàn vứt những hình ảnh thân yêu của nó xuống hầm cầu, có đấm vỡ mặt thằng ấy cũng chưa hả giận, nói chi đến chuyện nó lại được khung cho về nhà đi lao động như thường sau khi làm sơ sài một bản tự kiểm. Điều ấy đã một phần xác nhận câu rỉ tai trước đây của cựu thiếu úy quân y Phạm An Toàn trong anh em: Tao có ông anh làm trung tá Cách mạng ở Mỹ Tho. Ông ấy đã vào thăm tao mấy lần, nhưng phải có anh tổng quản giáo ngồi bên cạnh!

——————————–

1          Trong một dịp ghé thăm tác giả vào tháng 3 năm 84, anh Lý Tống, một cựu sỹ quan KQVN nổi tiếng thế giới vì đã vượt qua 4 quốc gia bằng đường bộ để tìm tự do, đã cho tác giả biết Trần Trọng Minh là bạn của anh thời còn phục vụ trong KQVN và sau này Minh đã bị bọn cai tù đánh đến chết! … (Còn tiếp)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments