Cựu Trung Úy Phạm Minh Huyên kể lại những chuyện chiến trường năm xưa, mà ông là người có nhiệm vụ ghi nhận và báo cáo lên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn những diễn tiến khốc liệt, nhất là trận đánh An Lộc mà Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã trực tiếp chiến đấu, tử thủ trong 94 ngày đêm với hai vị tướng đã đi vào lịch sử, đó là Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng và Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ.
Cựu Trung Úy Phạm Minh Huyên kể lại chuyện Đại Tá Lê Nguyên Vỹ dùng M72 bắn cháy xe tăng T54 trong mặt trận An Lộc 1972. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Cựu Trung Úy Phạm Minh Huyên là cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Khóa 3/70, sau khi ra trường về phục vụ Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 8, thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Sau thời gian tăng phái cho Trung Đoàn 9/5, hành quân vùng Snoul (Cambodia), đầu Tháng Giêng, 1972, ông được điều về Phòng 3 Sư Đoàn, trực thuộc Trung Tâm Hành Quân, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
Hồi Tháng Tư vừa qua, ông là thành viên ban tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực VNCH (1953-2023), một đại đơn vị được Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đặt cho danh hiệu “Sư Đoàn Bình Long, Anh Dũng,” tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster.
Chiến đấu kiên cường vì An Lộc
An Lộc của tỉnh Bình Long – tỉnh được thành lập do Sắc Lệnh số 143/NV ngày 22 Tháng Mười, 1956, của chính phủ VNCH – cách Sài Gòn 98 cây số và cách Biên Hòa 82 cây số đường chim bay.
Tại mặt trận Bình Long năm 1972, quân Cộng Sản Bắc Việt vây hãm khắp nơi, suốt từ trên An Lộc kéo dài đến dưới Chơn Thành nhằm lấy cho bằng được An Lộc. “Các mặt trận đều khá gay go, hai nơi này gần như bị tấn công cùng lúc,” ông Huyên kể.
Đến ngày 7 Tháng Tư, 1972, độ 3 giờ chiều, Lộc Ninh hoàn toàn thất thủ, phần lớn quân số của Chiến Đoàn 9 thiệt hại nặng, số còn lại bị bắt. Các đơn vị khác trong chi khu phải báo cáo tan hàng.
Đêm 11 rạng sáng 12 Tháng Tư, 1972, Việt Cộng pháo kích dữ dội vào An Lộc, với khoảng trên chục ngàn quả đại bác đủ loại rót vào, thành phố rung chuyển dữ dội liên tục như trong cơn địa chấn.
“Lúc ấy tôi ngồi trong Bộ Tư Lệnh Tiền Phương An Lộc để theo dõi những hoạt động của các đơn vị báo về tình trạng nguy ngập khi các đơn vị tan hàng báo cáo dồn dập, tôi phải ghi nhận để làm báo cáo lên tư lệnh, tình hình bấy giờ không cứu vãn được nữa, nhất là Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh đã không còn liên lạc được, Chiến Đoàn 52 đóng ở căn cứ Hùng Tâm ở phía Đông Nam Lộc Ninh cũng bị pháo kích nặng, họ được lệnh rút về để phòng thủ An Lộc, bị lọt vào vòng phục kích, chạm địch nặng khi ra gần tới Quốc Lộ 13, gần giáp với cầu Cần Lê, và bị tổn thất nặng khi về đến An Lộc,” ông Huyên nhớ lại.
Khởi đầu cuộc chiến, Cộng Sản Bắc Việt luôn luôn dùng pháo và chiến xa để tấn công vào An Lộc dọc theo Quốc Lộ 13, là con đường huyết mạch kéo dài từ Bình Long, An Lộc, Lộc Ninh, Chơn Thành, dẫn về đến Sài Gòn.
“Về Không Quân yểm trợ, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 phân chia trách nhiệm, lấy Quốc Lộ 13 làm chuẩn, Không Quân Việt Nam đảm trách từ 5 cây số Bắc Chơn Thành kéo dài về tới căn cứ Lai Khê ở hướng Nam, trong khi Không Quân Mỹ đảm trách từ lằn ranh 5 cây số Bắc Chơn Thành kéo lên qua khỏi An Lộc. Ngoài ra tiếp tế, quân số bổ sung, tải thương thì vẫn do Không Quân Việt Nam đảm nhiệm, lấy Quốc Lộ 13 làm bãi đáp đổ quân và tiếp nhận thương bệnh binh,” ông Huyên kể tiếp.
Hai giờ sáng ngày 12 Tháng Tư, 1972, Cộng Sản bắt đầu pháo kích vào An Lộc với chiến thuật tập trung hỏa lực, tất cả nòng súng đều nã đạn cùng một lúc, bắn cho đến khoảng 5 giờ sáng, tiếp tục pháo lẻ tẻ tới sáng hẳn mới chấm dứt, khiến cả thị xã rung chuyển liên tục như động đất.
Khi chiếm được Lộc Ninh, Cộng Sản tràn xuống An Lộc luôn nhưng chưa tiến tới được. Tất cả các lực lượng của ta đều kéo về bên kia sông Cần Lê ở hướng Bắc An Lộc, Sư Đoàn 5 cố thủ ở đó để chận địch từ hướng Nam cầu Cần Lê, kéo dài về phía An Lộc để nếu địch tấn công xuống thì lực lượng của Trung Đoàn 7/5 và Chiến Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 đã án ngữ tại chỗ sẵn sàng chống lại.
“Có thể nói, phải mất tới gần một tuần thì địch mới tấn công được vào Bình Long. Cụ thể, ngày 7 Tháng Tư, 1972, là ngày địch chiếm được Lộc Ninh, có thể do địch phải ổn định vị trí chiến đấu, bổ sung quân số và khí cụ bị tổn thất nặng, phải đến ngày 13 Tháng Tư địch mới tấn công vào An Lộc,” ông Huyên kể tiếp.
Phá trận địa pháo của Cộng Sản
Lúc đó lực lượng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở An Lộc chỉ có Trung Đoàn 7/5, một Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân được trực thăng vận đổ xuống gần giữa An Lộc và Quản Lợi, đã thiệt hại khá nặng khi địch pháo vào ngay nơi thả quân.
Trận Bình Long, Cộng Sản Bắc Việt có khoảng sáu sư đoàn tác chiến. “Pháo binh các loại của Cộng Sản dùng để pháo vào An Lộc, được tăng cường thêm nhiều khẩu pháo chiếm được của ta, chưa kể những kho đạn của Chiến Đoàn 9 và những nơi khác. Do vậy nguồn pháo của Cộng Sản rất dồi dào trong khi ở An Lộc không có lấy một khẩu pháo. Nếu xảy ra trận đánh An Lộc, chỉ có mấy khẩu được kéo từ Quản Lợi về, cùng với hàng trăm trái đạn chống biển người, không đủ sức chống trả địch quân. Lúc ấy tôi cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao sau khi chiếm được Lộc Ninh, phải mấy ngày sau địch mới tấn công An Lộc,” ông Huyên nhớ lại.
Sau ngày 8 Tháng Tư, 1972, các đơn vị của Sư Đoàn 5 Bộ Binh từ hướng Nam và các nơi tăng cường lên An Lộc.
Trước khi xảy ra trận An Lộc, Cộng Sản đã tấn công Lộc Ninh từ hướng Bắc. Tỉnh Bình Long chỉ có ba quận, ở hướng Nam là Quận Chơn Thành, ở giữa là thị xã An Lộc (Quận Châu Thành), ở hướng Bắc là Quận Lộc Ninh. Trung Đoàn 9/5 và các đơn vị khác tăng phái đều ở Lộc Ninh, cách An Lộc khoảng 30 cây số.
Cộng Sản với ý định lấy Lộc Ninh làm thủ đô của cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, thực chất là do Cộng Sản Bắc Việt chỉ huy. Từ đêm 4 Tháng Tư cho đến chiều 7 Tháng Tư, 1972, địch quân đã chiếm trọn Lộc Ninh, phần lớn những quân dân cán chính sống sót đều bị bắt làm tù binh, bị lùa sang nhốt ở vùng Mimot, Cambodia. Đến khoảng Tháng Sáu, 1973, được thả về trong đợt trao trả tù binh hai bên. (Còn tiếp)
Văn Lan/Người Việt
(Lịch sử- Sự kiện)