Ảnh Binh nhì Mỹ Travis King vượt biên giới sang Triều Tiên được đưa lên truyền hình Hàn Quốc ngày 22/7/2023.
Triều Tiên đưa ra hồi đáp rất ngắn gọn với Bộ Tư lệnh Liên hiệp quốc về số phận của một binh sĩ Mỹ vượt qua biên giới liên Triều hôm 18/7 và bị bắt giữ ngay lập tức, Ngũ Giác Đài cho biết hôm 1/8.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Patrick Ryder, nói Triều Tiên chỉ đáp ứng yêu cầu của Bộ Tư lệnh Liên hiệp quốc về thông tin của Binh nhì Quân đội Hoa Kỳ Travis King mà không cung cấp thông tin chi tiết về ông ấy.
Khi bị hỏi dồn, ông Ryder nói thông điệp của Triều Tiên gửi cho Bộ Tư lệnh Liên hiệp Quốc chỉ là “sự thừa nhận”.
Ông King chạy qua Triều Tiên hôm 18/7 khi đang đi tham quan Khu phi quân sự ở biên giới, khiến Hoa Kỳ rơi vào tình thế khó khăn ngoại giao mới với Triều Tiên có trang bị vũ khí hạt nhân.
Ông King, người gia nhập Quân đội Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 2021, đã từng phục vụ với tư cách là thám báo kỵ binh của Lực lượng luân phiên Hàn Quốc, một phần trong cam kết an ninh kéo dài hàng thập niên của Hoa Kỳ đối với Hàn Quốc.
Nhưng trong thời gian đồn trú tại Hàn Quốc ông King đã vướng vào nhiều vụ rắc rối pháp lý.
Ông đối mặt với hai cáo buộc tấn công ở Hàn Quốc, và cuối cùng đã nhận tội trong một vụ tấn công và phá hoại tài sản công vì đã làm hư hỏng một chiếc xe cảnh sát trong một cuộc tấn công thô bạo chống lại người Hàn Quốc, theo tài liệu của tòa án.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, từ ngày 24/5 đến ngày 10/7, ông đã chấp hành án lao động công ích tại cơ sở cải huấn Cheonan thay vì nộp phạt.
Yonhap cho biết sau khi được thả khỏi nhà tù dành cho quân nhân Mỹ và những người nước ngoài khác, ông King đã ở lại một căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc trong một tuần.
Một quan chức nhà tù Cheonan xác nhận ông King đã thụ án lao động nặng nhọc, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin với lý do quan ngại về quyền riêng tư.
Các quan chức Hoa Kỳ, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết ông King sắp lên đường về Mỹ để đối mặt với hành động kỷ luật quân sự khi trở về nhà ở Fort Bliss, Texas, thì vụ vượt biên giới xảy ra.
Các quan chức Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về số phận của ông King ở Triều Tiên. Quân đội đã ghi nhận trường hợp của ông Otto Warmbier, một sinh viên đại học Hoa Kỳ bị giam cầm ở Triều Tiên trong 17 tháng và chết ngay sau khi trở về Hoa Kỳ trong tình trạng hôn mê vào năm 2017.
Một thông tin khác cũng liên quan tới Triều Tiên: Bình Nhưỡng tố cáo tân đặc phái viên của Hoa Kỳ về các vấn đề nhân quyền Triều Tiên, bà Julie Turner, là một người “độc ác” đã dùng đến “sự sỉ nhục” trong khi can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác.
Bà Turner, cựu giám đốc Văn phòng Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao thuộc Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, đã được Tổng thống Joe Biden đề cử vào chức vụ này vào tháng 1 năm nay và được Thượng viện chuẩn nhận vào tuần trước.
Một phát ngôn viên giấu tên của tổ chức mà truyền thông nhà nước Triều Tiên gọi là Hiệp hội Nghiên cứu Nhân quyền nói bà Turner “khét tiếng” về “sỉ nhục” trong các vấn đề nhân quyền và “đưa ra những lời công kích thô bạo” chống lại Triều Tiên.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên nói việc bổ nhiệm “một người phụ nữ độc ác như vậy” làm nổi bật chính sách thù địch của Washington đối với Bình Nhưỡng và cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ có “hành động trả đũa vì công lý”. (Theo VOA)