Thông điệp từ Tổng thống Biden: Việt Nam muốn nâng tầm quan hệ với Mỹ tới đâu?
Việt Nam và Mỹ vào tháng trước kỷ niệm 10 năm thành lập quan hệ đối tác toàn diện nhưng không như nhiều dự đoán, hai quốc gia cựu thù đã không nâng cấp mối quan hệ của họ lên tầm cao mới sau một thập kỷ.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đưa ra đề nghị nâng cấp quan hệ khi tới thăm Hà Nội hồi tháng 8/2021 nhưng theo các nhà quan sát, Việt Nam do dự vì phải cẩn trọng trước những phản ứng của Trung Quốc trong mối quan hệ với Mỹ giữa bối cảnh hai cường quốc mạnh nhất thế giới đang cạnh tranh gay gắt.
“Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, Việt Nam trong những năm qua có vẻ lưỡng lự trong việc nâng cấp quan hệ với Mỹ do không muốn bị coi là chọn bên,” Bích Trần, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington, Mỹ, nói với VOA.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc càng thêm căng thẳng khi Tổng thống Joe Biden hôm 9/8 đưa ra lệnh cấm một số loại hình đầu tư công nghệ của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.
Còn theo Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc thuộc Đại học New South Wales, sở dĩ “Mỹ và Việt Nam chưa nâng cấp mối quan hệ lên tầm chiến lược là vì Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa gặp mặt nhau.”
Tổng thống Biden và Tổng bí thư Trọng mới chỉ gặp nhau qua điện thoại khi họ hội đàm với nhau hồi cuối tháng 3, trong đó Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden “củng cố cam kết của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, kiên cường và độc lập.” Những quan ngại về sức khỏe của ông Trọng được cho là các yếu tố khiến người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam không thể du hành đến Washington cho một cuộc gặp tại Nhà Trắng với ông Biden trong thời gian qua.
Tổng thống Biden hôm 8/8 nói rằng ông sẽ “sớm” đến thăm Việt Nam bởi vì quốc gia Đông Nam Á muốn nâng cấp mối quan hệ với Mỹ và trở thành một đối tác chính.
“Tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Biden tạo tiền đề cho việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ,” GS Thayer, chuyên nghiên cứu về an ninh quốc phòng trong khu vực và Việt Nam, nhận định với VOA qua email.
Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam vào năm 2013 khi ông Sang đến thăm Washington.
“Nhiều khả năng thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược sẽ được công bố tại Hà Nội hoặc Washington nhân chuyến thăm của một nhà lãnh đạo cao cấp,” GS Thayer nói và cho biết quan hệ đối tác chiến lược thường là thỏa thuận giữa hai nhà nước. “Vì quan hệ đối tác toàn diện (Mỹ-Việt) được công bố tại Washington, có vẻ như Việt Nam sẽ muốn việc công bố quan hệ đối tác chiến lược tại Hà Nội.”
Tổng thống Biden không đưa ra thông tin về thời gian cụ thể cho chuyến thăm của ông tới Hà Nội. Khi được hỏi về việc này hôm 9/10, ông John Kirby, điều phối viên truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Hòa Kỳ, nói rằng ông không có gì để cung cấp thêm tại buổi họp với báo chí, nhưng nói rằng Mỹ “đang có mối quan hệ rất tốt với Việt Nam” và “sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để cải thiện mối quan hệ” mà ông Kirby gọi là “quan trọng và ở một khu vực quan trọng trên thế giới.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của VOA về thông báo “sớm” thăm Việt Nam của Tổng thống Biden cũng như khả năng nâng cấp mối quan hệ với Mỹ. Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 3/8, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng, khi đề cập tới quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, nói rằng “Lãnh đạo cao cấp hai nước đã nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác” và “hướng tới tầm mức quan hệ mới khi điều kiện phù hợp.”
‘Ngang tầm Trung Quốc’
Trước khi tuyên bố sẽ đi thăm Việt Nam tại một buổi gặp mặt các nhà tài trợ ở New Mexico hôm 8/8, Tổng thống Biden, cũng trong một buổi gặp gỡ khác với các nhà tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống Mỹ của ông ở Maine hôm 3/8, nói rằng lãnh đạo Việt Nam muốn “nâng tầm chúng tôi thành một đối tác lớn, ngang hàng với Nga và Trung Quốc.”
Trong buổi gặp mặt những người ủng hộ ông hôm 3/8 ở Freeport, Tổng thống Biden đưa ra thông tin về việc Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ khi đề cập đến các vấn đề quốc tế, trong đó ông nói rằng “có ai nghĩ rằng thời kỳ hậu chiến vẫn tồn tại”. Cuối phần nói về Việt Nam, Tổng thống Biden nói: “Tôi sẽ không đưa các bạn đi khắp thế giới, nhưng vấn đề là: Thế giới đang thay đổi.”
“Ông Biden muốn nói rằng Việt Nam từng là kẻ thù (của Mỹ) và hiện đang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ,” GS Thayer nhận định. “Hơn nữa, Việt Nam muốn đặt Mỹ ngang hàng với các đối tác thân cận nhất, là Trung Quốc và Nga.”
Còn nhà nghiên cứu Bích Trần thì cho rằng “có thể ông Biden muốn nói rằng Mỹ sẵn sàng đưa mối quan hệ với Việt Nam lên mức đối tác chiến lược toàn diện nếu Việt Nam muốn vậy.”
Mỹ đã luôn tìm cách nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam, một quốc gia có vị trí chiến lược ở khu vực, trong lúc tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác ở châu Á để đối trọng lại một Trung Quốc ngày càng lấn át. Trong khi Nga và Trung Quốc là các đối tác chiến lược toàn diện, mức quan hệ ngoại giao cao nhất với Việt Nam, thì Mỹ là đối tác ở mức thấp nhất của quốc gia Đông Nam Á, bên dưới mức thứ 2 là đối tác chiến lược.
Tuy nhiên, trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời năm 2021, chính quyền Tổng thống Biden đã đề cập đến Việt Nam cùng với Singapore, một đồng minh trên thực tế của Mỹ ở Đông Nam Á, và tuyên bố rằng cả hai nước sẽ “thúc đẩy các mục tiêu chung” ở khu vực. Trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2022 của chính quyền Biden, Việt Nam cũng nằm trong danh sách “các đối tác hàng đầu trong khu vực”, ngang hàng Ấn Độ, New Zealand, Đài Loan và các quốc gia quan trọng khác của Mỹ.
Cả Việt Nam và Mỹ đều muốn ngăn chặn Trung Quốc thống trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đều có lợi ích mạnh mẽ trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Tuy nhiên, Việt Nam luôn thận trọng trong mối quan hệ với hai siêu cường.
Đại sứ Ted Osius từng nói với cộng đồng người Việt ở California trong một buổi giao lưu cách đây vài năm rằng Việt Nam luôn phải dè chừng Trung Quốc khi có bất cứ hành động gì thắt chặt mối quan hệ với Mỹ.
Vài giờ trước khi Phó Tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam hồi tháng 8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội và cam kết “không liên kết với một nước này để chống lại nước kia.” Cùng thời gian tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng hồi cuối tháng 6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tới Bắc Kinh và hội đàm với 4 nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, gồm Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý Cường.
Các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam thường thực hiện chuyến công du tới Bắc Kinh trước khi đi thăm Mỹ. Tổng bí thư Trọng đã tới gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trước khi tới Washington gặp Tổng thống Obama vào năm 2015.
Trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam thì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á. Kể từ khi Tổng thống Donald Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng phát triển. Việt Nam cũng trở thành mắt xích quan trọng khi Mỹ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng hàng hóa và công nghệ cũng như kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Theo nhà nghiên cứu Bích Trần, Trung Quốc, quốc gia Đảng Cộng sản cùng ý thức hệ và cũng là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam, không phải là yếu tố chính mà Việt Nam phải cân nhắc khi quan hệ với Mỹ.
“Việt Nam muốn duy trì sự trung lập,” bà Bích cho biết. “Việt Nam muốn khẳng định đường lối ngoại giao độc lập của mình nên sẽ nâng cấp quan hệ với Mỹ nếu thấy việc đó phục vụ cho lợi ích quốc gia. Các lãnh đạo của Việt Nam đang phải cân nhắc giữa hai yếu tố này.”
GS Thayer cho rằng Việt Nam sẽ nâng cấp mối quan hệ với Mỹ khi Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam.
“Chính quyền Biden đã thúc ép Việt Nam nâng cấp quan hệ. Việt Nam ban đầu khá dè dặt, nhưng với việc Nga xâm lược Ukraine và sự hình thành ‘mối quan hệ đối tác không giới hạn’ giữa Trung Quốc và Nga, Việt Nam có lợi ích trong việc phát triển đòn bẩy để tránh những áp lực không mong muốn từ Trung Quốc,” GS Thayer nói.
Cổ Tiểu Hùng, viện trưởng Viện nghiên cứu ASEAN của Học viện Hải dương Nhiệt đới Hải Nam, nhận định với Hoàn cầu Thời báo (Global Times), tờ báo tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, rằng Tổng thống Biden “dường như sẽ cố gắng sử dụng Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc” thông qua chuyến thăm khả dĩ tới Hà Nội.
Tuy nhiên, trích dẫn nhận định của các nhà quan sát, tờ báo ngôn luận của Trung Quốc lại cho rằng “bất chấp những nỗ lực của Washington nhằm kéo Hà Nội về phía mình để đối đầu và bao vây Bắc Kinh, có vẻ như Hà Nội sẽ tiếp tục cố gắng đạt được sự cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington.”
Việt Nam đưa ra chính sách đối ngoại “Bốn Không” trong Sách trắng Quốc phòng 2019, trong đó nói rằng Việt Nam không liên kết với nước này để chống nước kia. Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 2/8 khẳng định Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách này và “đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa.”
Mặc dù nhiều chính khách Việt Nam, trong đó có cả Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, cho rằng không quan trọng khi tên gọi của mối quan hệ Việt-Mỹ là gì khi thực chất đã là “chiến lược”, nhưng cả GS Thayer và nhà nghiên cứu Bích Trần đều cho rằng việc nâng cấp là cần thiết.
Dù chưa rõ mối quan hệ gần gũi hơn có thể bao gồm những gì nhưng theo các chuyên gia, Mỹ có thể có tăng cường hợp tác quân sự và vũ khí cho Việt Nam, hiện đang phụ thuộc nhiều vào thiết bị quân sự của Nga trong khi phải đối mặt với những xung đột của Trung Quốc trên Biển Đông.
(Theo VOA).