Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm 21/5/2018 bổ nhiệm Tổng Giám mục người Ba Lan Marek Zalewski làm tân Sứ thần Tòa thánh tại Singapore, kiêm Đại diện không thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.
Vatican và Việt Nam nhất trí có một Đại diện của Đức Giáo hoàng thường trú tại Hà Nội, đôi bên loan báo hôm 27/7, một bước tiến trong nhiều năm để có thể dẫn đến quan hệ ngoại giao đầy đủ với quốc gia do cộng sản điều hành và làm mẫu cho quan hệ với Trung Quốc.
Động thái này được công bố ngay sau khi Dức Giáo hoàng Phanxicô tiếp Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng. Đây là thành quả của một nhóm làm việc chung bắt đầu từ năm 2009.
Một tuyên bố chung nói hai bên mong muốn “tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương.”
Theo một quan chức cấp cao của Đức Thánh Cha, Vatican đã chính thức nhưng riêng tư yêu cầu Trung Quốc cho phép một đại diện của Đức Giáo hoàng thường trú tại Bắc Kinh.
Các quan chức Vatican hy vọng rằng sự chấp nhận của Việt Nam có thể giúp thuyết phục Bắc Kinh làm điều tương tự, các nhà ngoại giao nói với Reuters.
Mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc trở nên khó khăn sau một thỏa thuận vào năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục mà Vatican nói rằng Trung Quốc đã vi phạm nhiều lần. Vatican nói một văn phòng với một đại diện ở Bắc Kinh có thể tránh được những vấn đề trong tương lai.
Việt Nam đã cắt đứt quan hệ với Vatican sau khi cộng sản tiếp quản đất nước thống nhất vào cuối Chiến tranh Việt Nam năm 1975. Chính quyền khi đó coi Giáo hội Công giáo ở Việt Nam có lịch sử quá gần gũi với cựu thực dân Pháp.
Các phần của tuyên bố chung phản ánh những lập luận mà Vatican đã sử dụng để cố gắng thuyết phục Trung Quốc tiến tới các mối quan hệ, chẳng hạn như năng lực của người Việt Nam để trở thành “người Công giáo tốt và công dân tốt”, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Việt Nam là nơi có gần 7 triệu người Công giáo, chiếm khoảng 6,6% dân số 95 triệu người.
Hiến pháp của Việt Nam cho phép tự do tôn giáo và truyền thông nhà nước luôn bác bỏ những lời chỉ trích từ các tổ chức như Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, một cơ quan giám sát của quốc hội Mỹ đã xếp Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì tự do tôn giáo
UCA, một hãng tin Công giáo độc lập chuyên về châu Á, cho biết chính phủ Việt Nam hạn chế các hoạt động của Công giáo. Ví dụ, Việt Nam giới hạn số lượng giáo xứ.
Đại diện hiện tại của Đức Giáo hoàng về vấn đề Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, có trụ sở tại Singapore, nơi ông là Vatican nuncio (sứ thần Tòa Thánh). Ông được phép thỉnh thoảng thực hiện các chuyến thăm làm việc tới Việt Nam với sự chấp thuận của chính phủ.
Không rõ ai sẽ là đại diện mới ở Hà Nội.
Vatican, một quốc gia có chủ quyền được bao quanh bởi Rome, có quan hệ ngoại giao với khoảng 180 quốc gia trên thế giới. (Theo VOA).