Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm 9/7 bắt đầu chuyến công du ba quốc gia, với trọng tâm là hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva nhằm thể hiện tình đoàn kết với Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga trong khi vẫn chưa chấp nhận Kyiv là thành viên của liên minh.
Điểm dừng chân đầu tiên của ông Biden sẽ là ở London, nơi ông sẽ gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại số 10 Phố Downing vào ngày 10/7 và sau đó đến Lâu đài Windsor để gặp Vua Charles.
Các cuộc trao đổi với Vua Charles, dự kiến sẽ bao gồm các sáng kiến về khí hậu, sẽ giúp ông Biden hiểu rõ hơn về người kế vị thân mẫu của Vua Charles, Nữ hoàng Elizabeth, người đã qua đời vào tháng 9 năm ngoái.
Ông Biden đã dùng trà với nữ hoàng tại Windsor vào tháng 6 năm 2021 và họ đã thảo luận về nhiều vấn đề vẫn là ưu tiên hàng đầu hiện nay, chẳng hạn như Nga và Trung Quốc.
Ông Biden sẽ tới Vilnius, Litva, vào tối 10/7 và hội đàm với các nhà lãnh đạo NATO ở đó vào ngày 11/7 và 12/7. Ông Biden và các đồng minh nhắm mục tiêu thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy biết ông sẽ phải làm gì để Ukraine trở thành thành viên NATO vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
Trong một cuộc phỏng vấn của CNN giới thiệu trước chuyến đi của mình, ông Biden kêu gọi sự thận trọng trong nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine hiện nay, nói rằng liên minh này có thể bị lôi kéo vào cuộc chiến với Nga do hiệp ước phòng thủ chung của NATO.
“Tôi không nghĩ rằng có sự nhất trí trong NATO về việc có nên đưa Ukraine vào gia đình NATO hay không, vào thời điểm hiện giờ, giữa một cuộc chiến”, ông Biden nói.
Tâm điểm trong chuyến thăm của ông Biden tới Litva sẽ là bài phát biểu của ông tại Đại học Vilnius vào tối 12/7.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng bài phát biểu sẽ đề cập đến tầm nhìn của ông Biden về “một nước Mỹ mạnh mẽ, tự tin bênh cạnh các đồng minh và đối tác mạnh mẽ, tự tin đảm nhận những thách thức quan trọng của thời đại chúng ta, từ sự gây hấn của Nga ở Ukraine đến cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Một trong những mục tiêu của ông Biden trong chuyến đi là cho người Mỹ ở trong nước thấy tầm quan trọng của việc tiếp tục ủng hộ Ukraine trong khi ông tái tranh cử. Một số đối thủ thuộc đảng Cộng hòa của ông trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 năm 2024 đã lên tiếng nghi ngờ về chiến lược của ông.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos vào cuối tháng trước, phần lớn người Mỹ ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ trước Nga và tin rằng viện trợ như vậy thể hiện cho Trung Quốc và các đối thủ khác của Mỹ thấy ý chí bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh.
Điểm dừng chân cuối cùng của ông Biden sẽ là Helsinki để hội đàm với các nhà lãnh đạo của thành viên mới nhất của NATO, Phần Lan, và tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Âu (VOA).