Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiTại sao châu Âu ngày càng nghèo hơn?

Tại sao châu Âu ngày càng nghèo hơn?

Người nghèo ở Bavaria, Munich xếp hàng nhận thực phẩm phát chẩn trong khuôn khổ chương trình Münchner Tafel (Bàn ăn Munich) – một chương trình từ thiện cung cấp thực phẩm cứu đói cho hơn 20,000 người mỗi tuần (ảnh: Sven Hoppe/picture alliance via Getty Images)

Người dân châu Âu đang phải đối mặt với một thực tế kinh tế đau đớn mà họ chưa từng trải qua trong nhiều thập niên: Nghèo dần so với trước đây!

Cuộc sống tại một lục địa từng được người bên ngoài nhìn vào với đôi mắt thèm khát vì bề dày “văn hoá và nghệ thuật” nay đang nhanh chóng mất đi vẻ rực rỡ. Người dân châu Âu chứng kiến sức mua của họ giảm dần vì không có tiền. Người Pháp đang ăn ít gan ngỗng và uống ít rượu vang đỏ hơn. Người Tây Ban Nha tiết kiệm dầu ô liu. Người Phần Lan được khuyến khích sử dụng phòng xông hơi khô vào những ngày nhiều gió vì đỡ tốn năng lượng hơn. Trên khắp nước Đức, mức tiêu thụ thịt và sữa giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập niên và thị trường thực phẩm hữu cơ từng bùng nổ bắt đầu lao dốc không phanh.

Tháng Năm qua, Bộ trưởng phát triển kinh tế Adolfo Urso của nước Ý đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp khi giá mì ống, mặt hàng chủ lực được yêu thích tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ lạm phát. Với chi tiêu tiêu dùng rơi tự do, châu Âu đã đi vào suy thoái từ đầu năm, làm trầm trọng thêm sự yếu kém kinh tế, chính trị và quân sự đã manh nha từ đầu thế kỷ 21.

Thật ra tình trạng khó khăn hiện nay của châu Âu không hề bất ngờ. Dân số già đi và xu hướng thích có thêm thời gian nghỉ ngơi hơn là làm việc đã đẩy châu Âu vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế ì ạch và năng suất mờ nhạt. Tiếp theo là cú đấm kép của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến của Nga ở Ukraine chưa biết bao giờ mới kết thúc. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt, cuộc khủng hoảng đã làm nặng thêm những căn bệnh đã hoành hành lục địa già trong nhiều thập niên.

Phản ứng tình thế của các chính phủ chỉ làm phức tạp thêm vấn đề. Để giữ vững việc làm, họ chuyển đa số khoản trợ cấp cho người sử dụng lao động để doanh nghiệp khỏi phá sản, khiến người tiêu dùng không có tiền mặt khi xảy ra cú sốc giá. Ngược lại, người Mỹ được hưởng lợi từ năng lượng rẻ và trợ cấp của chính phủ chủ yếu dành cho người dân để kích cầu.

Trong quá khứ, các ngành xuất khẩu mạnh của lục địa thường ra tay cứu nguy, nhưng lần này, sự phục hồi chậm chạp của Trung Quốc, một thị trường quan trọng đối với xuất khẩu từ châu Âu đã làm mất xung lực cứu nguy đó. Chi phí năng lượng cao và lạm phát ở mức chưa từng thấy kể từ thập niên 1970 đã làm giảm lợi thế về giá hàng hoá của châu Âu trên thị trường quốc tế và phá vỡ hoạt động sản xuất ổn định của châu lục.

Khi thương mại toàn cầu nguội dần, sự phụ thuộc nặng nề của châu Âu vào xuất khẩu (thường chiếm khoảng 50% GDP của khu vực đồng euro so với 10% của Mỹ) sẽ trở thành điểm yếu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development) gồm các quốc gia giàu có đặt trụ sở tại Paris, tiêu dùng cá nhân sau khi điều chỉnh theo lạm phát đã giảm khoảng 1% tại 20 quốc gia thuộc khu vực đồng euro kể từ cuối năm 2019. Ngược lại, tại Hoa Kỳ, các hộ gia đình được hưởng một thị trường lao động mạnh mẽ và thu nhập ngày càng tăng giúp đẩy tiêu dùng cá nhân lên gần 9%.

Liên minh châu Âu (EU) hiện chiếm khoảng 18% tổng chi tiêu tiêu dùng toàn cầu, so với 28% của Mỹ. 15 trước, EU và Hoa Kỳ đều chiếm một phần tư. Được điều chỉnh theo lạm phát và sức mua, tiền lương giảm khoảng 3% kể từ năm 2019 ở Đức, 3.5% ở Ý, Tây Ban Nha và 6% ở Hy Lạp, trong khi tiền lương thực tế ở Mỹ đã tăng khoảng 6% trong cùng thời kỳ.

Cứu đói như… thế giới thứ ba

Wall Street Journal cho biết, tại Brussels, một trong những thành phố giàu có nhất châu Âu, giáo viên và y tá đứng xếp hàng vào một buổi tối gần đây để nhận hàng tạp hóa chỉ còn nửa giá từ phía sau xe tải. Nhà cung cấp Happy Hours Market thu gom thực phẩm sắp hết hạn sử dụng từ các siêu thị và quảng cáo chúng bằng một ứng dụng. Khách hàng có thể đặt hàng vào đầu giờ chiều và nhận hàng giảm giá vào buổi tối.

“Một số khách hàng nói với tôi nhờ Happy mà họ có thể ăn thịt hai hoặc ba lần mỗi tuần” – Pierre van Hede, người đang phân phát các thùng hàng tạp hóa, nói. Các dịch vụ tương tự mọc lên khắp khu vực như một cách giảm lãng phí thực phẩm và tiết kiệm tiền cho người cần. Công ty TooGoodToGo thành lập tại Đan Mạch năm 2015 chuyên bán thức ăn thừa từ các nhà bán lẻ và nhà hàng hiện có 76 triệu người đăng ký trên khắp châu Âu, gần gấp ba lần cuối năm 2020.

Tại Đức, công ty khởi nghiệp Sirplus thành lập năm 2017 chuyên cung cấp các sản phẩm đã hết hạn sử dụng trên cửa hàng trực tuyến của mình. Motatos cũng vậy. Thành lập ở Thụy Điển vào năm 2014, hiện Motatos đã có chi nhánh tại Phần Lan, Đức, Đan Mạch và Vương quốc Anh. Nỗi đau không tha tầng lớp trung lưu. Chi tiêu cho các cửa hàng tạp hóa cao cấp đã giảm. Người Đức chỉ còn tiêu thụ 52 kg thịt mỗi người trong năm 2022, ít hơn khoảng 8% so với năm trước và thấp nhất kể từ khi có thống kê vào năm 1989.

Trong khi một số nêu nguyên nhân là xã hội chuyển sang ăn uống lành mạnh và bảo vệ động vật, các chuyên gia cho rằng xu hướng ăn ít thịt tăng tốc chủ yếu do giá thịt tăng tới 30% trong những tháng gần đây. Người Đức cũng đang đổi các loại thịt như thịt bò và thịt bê sang những loại rẻ hơn như thịt gia cầm. Thomas Wolff, một nhà cung cấp thực phẩm hữu cơ gần Frankfurt cho biết doanh số bán đã giảm tới 30% vào năm ngoái do lạm phát. Wolff đã thuê 33 người trong đại dịch để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ đối với thực phẩm sạch đắt tiền, nhưng nay tất cả đã bị sa thải.

Ronja Ebeling, một nhà tư vấn và nhà văn 26 tuổi ở Hamburg cho biết cô phải tiết kiệm khoảng 1/4 thu nhập của mình vì lo lắng không có đủ tiền để nghỉ hưu. Cô dành rất ít tiền cho quần áo, đồ trang điểm và đi chung xe với ba của người bạn đời. Chi tiêu yếu và bản đồ dân số già hoá khiến châu Âu kém hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp hàng tiêu dùng cao cấp, từ gã khổng lồ Procter & Gamble cho đến đế chế xa xỉ LVMH. Những công ty này hiện có tỷ trọng doanh số bán hàng tại Bắc Mỹ vượt xa châu Âu.

Nhìn sang Hoa Kỳ

Graeme Pitkethly, Giám đốc tài chính của công ty Unilever, nhận xét: “Người tiêu dùng Hoa Kỳ kiên cường hơn người châu Âu”. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế khu vực đồng euro tăng trưởng khoảng 6% trong 15 năm qua, tính bằng đôla, quá thấp so với 82% của Hoa Kỳ. Báo cáo trong tháng này của Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu (European Centre for International Political Economy), một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Brussels cho thấy tăng trưởng yếu đã khiến bình quân đầu người của một quốc gia EU thấp hơn nhiều so với các tiểu bang Mỹ, trừ Idaho và Mississippi.

Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2035, khoảng cách giữa GDP bình quân đầu người ở Hoa Kỳ và EU sẽ lớn bằng khoảng cách giữa Nhật Bản và Ecuador hiện nay! Bà Maria Frontera, Chủ tịch Ủy ban du lịch của Phòng Thương mại Mallorca cho biết, các doanh nghiệp trên đảo Mallorca ở Địa Trung Hải đang vận động để có thêm nhiều chuyến bay đưa khách du lịch Hoa Kỳ đến đây để họ… chi tiêu! Người Mỹ chi trung bình khoảng €260 ($292) mỗi ngày cho các khách sạn so với dưới €180 ($202) của người châu Âu.

Tăng trưởng yếu và lãi suất tăng đang tạo áp lực cho các quốc gia có chế độ phúc lợi xã hội hào phóng ở châu Âu với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lương hưu hậu hĩnh. Các chính phủ châu Âu nhận thấy các công thức phục hồi kinh tế cũ nay không còn khả thi hoặc không thể vận dụng. 750 ngàn tỷ euro trợ cấp, giảm thuế và các hình thức cứu trợ khác được chuyển đến tay người tiêu dùng và doanh nghiệp để bù đắp chi phí năng lượng cao hơn chỉ làm tăng thêm lạm phát và phá vỡ mục đích của trợ cấp.

Việc cắt giảm chi tiêu công sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng khiến các hệ thống chăm sóc sức khỏe do nhà nước tài trợ của châu Âu bị cạn kiệt, đặc biệt là Dịch vụ Y tế Quốc gia (National Health Service) của Vương quốc Anh.

Hàng triệu người Anh có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hóa đơn năng lượng tăng 54% vào năm 2022 (ảnh: Guy Smallman/Getty Images)

Vivek Trivedi, một bác sĩ gây mê 31 tuổi sống ở Manchester, Anh, kiếm được khoảng 51,000 bảng Anh ($67,000) mỗi năm cho một tuần làm việc 48 giờ nay chỉ dám mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ giảm giá và đi ăn nhà hàng ít hơn. “Một số đồng nghiệp của tôi còn tắt hoàn toàn hệ thống sưởi ấm trong những tháng gần đây”. Noa Cohen, một chuyên gia quan hệ công chúng 28 tuổi ở London cho biết bạn bè cô đang… đông lạnh trứng của họ vì họ không thể sớm có con.

Với việc các chính phủ châu Âu cần tăng chi tiêu quốc phòng và do chi phí vay nợ tăng, các nhà kinh tế tin rằng thuế sẽ tăng, gây thêm áp lực cho người tiêu dùng. Thuế ở châu Âu đã cao so với thuế ở các nước giàu có khác, khoảng 40-45% GDP so với 27% ở Hoa Kỳ. Người lao động Hoa Kỳ mang về nhà gần 3/4 tiền lương họ nhận sau khi trừ thuế thu nhập và An sinh xã hội, trong khi công nhân Pháp và Đức chỉ mang về một nửa.

Sự bần cùng hóa của châu Âu đã giúp hồi sinh các liên đoàn lao động, đảo ngược đà suy giảm kéo dài hàng thập niên. Tâm lý thường thấy ở người châu Âu là nghèo hơn nhưng vẫn muốn nghỉ ngơi nhiều hơn bất chấp đất nước cần kỹ năng và lao động để phát triển

(Phân tích- Bình luận-Quan điểm)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments