Sunday, July 7, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnNước Mỹ: chia rẽ và dân chủ

Nước Mỹ: chia rẽ và dân chủ

Trần Doãn Nho

(Tiếp theo)

Gia đình “thường dân” đã thế, gia đình “quan chức” cũng chẳng kém. Kellyanne Conway là một trong những cố vấn thân cận của Trump, nhưng chồng, George và cô con gái Claudia thì ngược lại, chống Trump tối đa. Rudy Giuliani, nguyên thị trưởng New York, một trong những người ủng hộ Trump không mệt mỏi, nhưng cô con gái Caroline lại ủng hộ Biden. Một tháng trước bầu cử, cô viết trên tờ Vanity Fair một tiểu luận gay gắt chỉ trích thái độ phân biệt đối xử của Trump đối với dân thiểu số, phê phán cách đối phó với dịch bệnh. Susan Rice, nguyên cố vấn an ninh quốc gia của Obama, ủng hộ Biden, nhưng cậu con trai John, lại là chủ tịch của hội “Những Đảng Viên Cộng Hoà Đại Học Stanford” (Stanford College Republicans) nhiệt thành ủng hộ Trump.

Nhiều gia đình Mỹ gốc Việt tôi quen biết cũng lâm vào hoàn cảnh đó.

Tình trạng chia rẽ trong xã hội Mỹ trầm trọng đến nỗi, niềm tự hào được làm một người công dân Mỹ giảm sút đến một mức độ kỷ lục: 38%, theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup. Đây là mức thấp nhất kể từ khi viện thăm dò này bắt đầu tiến hành khảo sát từ năm 2001.

Sự chia rẽ, nói không ngoa, dường như nằm ngay trong bản chất của sự hình thành và phát triển của nước Mỹ. Có lẽ cũng ít người biết rằng, nguyên ủy của chế độ lưỡng đảng không phải là một lý thuyết, mà vốn xuất phát từ sự chia rẽ phát sinh trong hàng ngũ của những người khai sinh ra nước Mỹ ngay trong thời gian phê chuẩn Hiến Pháp liên bang (vào năm 1787) giữa một bên là những người theo chủ nghĩa liên bang (Federalists) do Bộ trưởng Ngân khố Alexander Hamilton cầm đầu và một bên là những người Chống- Chủ nghĩa Liên bang (Anti-Federalists) dưới sự chỉ đạo của ngoại trưởng Thomas Jefferson. Điều này đã khiến cho vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, George Washington, không khỏi buồn lòng. Trong bài diễn văn giã từ gửi đến nhân dân Mỹ vào ngày 19/9/1796, ông than phiền, “Bây giờ hãy để tôi có một cái nhìn toàn diện hơn và cảnh báo quý vị một cách nghiêm túc nhất chống lại những tác động tai hại của tinh thần đảng phái.”

Không ai nghe lời cảnh báo của George Washington. Càng lớn mạnh, càng phát triển, Mỹ lại càng chia rẽ.

Khẩu hiệu “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết” rất khó có chỗ đứng trong xã hội Mỹ. Nhìn từ đâu và từ khía cạnh nào, Mỹ không bao giờ là một khối, một thể thống nhất. Dân tộc Mỹ không hề là “đồng bào” (同胞 = cùng một bọc), nghĩa là cùng một gốc, hiểu theo huyền thoại lập quốc ở một số nước Á châu. Nó là từng mảng và từng mảng ráp vào nhau, cái thì khớp, cái thì so le, cái thì chẳng bám được vào cái gì. Vốn là “vô căn”, không truyền thống, không cội rễ, ngay từ căn bản, Mỹ đã là một nước được hình thành trên sự khác biệt; đúng hơn, trên sự chia rẽ; hay nói trắng ra, trên sự đối nghịch:

giữa người da trắng đi chiếm đất và thổ dân Mỹ

giữa người da trắng nước này và nước khác

giữa người Anh định cư ở Mỹ và người Anh ở chính quốc

Trong quá trình phát triển của nó, Mỹ lại càng chia rẽ:

giữa người da trắng làm chủ nô và người da đen nô lệ

giữa tín đồ Công Giáo và tín đồ Tin Lành; giữa tín đồ hai tôn giáo này và tín đồ các tôn giáo khác

giữa da trắng và da màu

giữa di dân mới và di dân cũ

vân vân.

Cái lạ là, Mỹ không hề tan rã; ngược lại, vẫn phát triển, vẫn lớn mạnh. Trong lúc nước Trung Hoa bị đảng Cộng Sản cô đúc thành một khối “vững như bàn thạch” vẫn phải đối phó với vô số khó khăn, thì ở Mỹ, sự đối nghịch, sự cọ xác nhau giữa các thành phần xã hội cũng như các quan điểm chính trị của họ dữ dội đến nỗi tưởng có lúc làm nó tan ra từng mảnh, thì dường như lại là điều kiện làm cho nó cứ ù lì…tiến tới. Thay vì ngậm miệng ăn tiền, im thin thít trước một quyền uy tuyệt đối thì người Mỹ được quyền phê phán, chỉ trích nhau và chỉ trích nhà cầm quyền một cách thả giàn. Chia rẽ và dân chủ dường như quấn quýt lấy nhau y như thế không có cái này thì sẽ không có cái kia.

*

Ngày Lễ Độc Lập trôi qua.

Đài Fox vẫn tiếp tục chỉ trích thậm tệ chính quyền Biden. Đài MSNBC vẫn tiếp tục tố cáo cựu tổng thống Trump. Các vụ giết người hàng loạt, các vụ bắt cóc, các tai nạn…vẫn xảy ra. Hàng triệu người Mỹ vẫn đi nghỉ hè vào dịp lễ. Chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho Ukraina. Di dân lậu vẫn tiếp tục tràn vào Mỹ. Các dân biểu Cộng Hòa Hạ Viện vẫn tiếp tục điều tra đứa con trai của Biden. Ông Biden, dù bị té lên té xuống và thỉnh thoảng nói hớ, vẫn điều hành công việc chính quyền hàng ngày như thường lệ. Ông Trump bị truy tố, kêu ra tòa thì ra tòa, rồi vẫn đi đây đi đó tiếp tục cuộc vận động bầu cử quy tụ hàng ngàn người nhiệt thành ủng hộ. Trong cộng đồng Việt Nam, hai phê bênh và chống Trump vẫn tiếp tục mạ lị nhau hàng ngày qua email và youtube. Các người già vẫn tiếp tục nhận medicare. Các người lợi tức thấp vẫn tiếp tục nhận trợ cấp. Luơng hưu của tôi vẫn được trả đầy đủ và đúng hạn. Các cơ quan công quyền, chợ búa, bệnh viện, trường học vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường. Các tòa án vẫn tiếp tục xử án trong tinh thần: không ai được đứng trên luật pháp.

Ai làm việc thì cứ làm việc. Ai chưởi ai thì cứ chưởi. Ai yêu ai thì vẫn cứ yêu.

Nước Mỹ vẫn cứ là nước Mỹ, mở toang cửa ra cho cả thế giới nhìn vào.

Chia rẽ thì vẫn cứ chia rẽ, mà dân chủ thì vẫn cứ dân chủ. Chẳng có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy nước Mỹ sẽ suy yếu hay sẽ sụp đổ hay sẽ biến mất trong một thời gian có thể thấy trước.  (Hết)

(Phân tích- Bình luận-Quan điểm)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments