Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về Khí hậu, John Kerry, bắt tay với người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua trước cuộc gặp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 17 tháng 7 năm 2023.
Nhiệt độ toàn cầu tăng vọt lên mức cao lịch sử khi hai quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ và Trung Quốc, tìm cách nối lại các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu hôm thứ Hai 17/7.
Trong khi các nhà khoa học nói rằng mục tiêu giữ cho nhiệt độ nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đang vượt quá tầm với, bằng chứng về cuộc khủng hoảng đã có ở khắp mọi nơi.
Một thị trấn xa xôi ở miền tây bắc khô cằn của Trung Quốc, Sanbao, đã ghi nhận kỷ lục quốc gia là 52,2 độ C (126 độ F).
Cháy rừng ở châu Âu hoành hành trước đợt nắng nóng thứ hai trong hai tuần đã ghi nhận nhiệt độ cao tới 48 độ C.
Và gần một phần tư dân số Hoa Kỳ rơi vào tình trạng nóng bức, một phần là do một vòm nhiệt đã bao phủ các bang miền tây.
“Ở nhiều nơi trên thế giới, hôm nay được dự báo là ngày nóng nhất từng được ghi nhận”, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới viết trên Twitter.
“#Khủng hoảng khí hậu không phải là một lời cảnh báo. Nó đang xảy ra. Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới HÀNH ĐỘNG ngay bây giờ”.
Trước cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua tại Bắc Kinh, đặc phái viên về khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry kêu gọi Trung Quốc hợp tác với Hoa Kỳ để cắt giảm khí thải mê-tan và năng lượng đốt than.
Nhiệt độ cao kéo dài ở Trung Quốc đang đe dọa lưới điện và mùa màng, đồng thời làm dấy lên lo ngại về khả năng lặp lại đợt hạn hán năm ngoái, được xem là nghiêm trọng nhất trong 60 năm qua.
Bão Talim đang mạnh lên và dự kiến sẽ đổ bộ vào ban đêm dọc theo bờ biển miền nam của Trung Quốc, buộc các chuyến bay và tàu hỏa ở các khu vực Quảng Đông và Hải Nam phải hủy bỏ.
Tại Hàn Quốc, mưa xối xả khiến 40 người thiệt mạng do đê sông bị sập gây lũ quét. Trận mưa xảy ra sau trận mưa lớn nhất được ghi nhận ở thủ đô Seoul vào năm ngoái.
Theo cơ quan dự báo thời tiết của Lực lượng Không quân Ý, một cơn bão có tên Charon – nhân vật trong thần thoại Hy Lạp là người lái đò đưa người chết – có thể khiến châu Âu phá kỷ lục nhiệt độ cao nhất được ghi nhận là 48,8 độ C, có thể là trên đảo Sardinia của Ý (VOA).