Myanmar và Bangladesh đang thực hiện những nỗ lực hồi hương cho người tị nạn Rohingya trở về quê nhà của họ.
Đó là một chương trình gây tranh cãi khi những người tị nạn đang sống ở Bangladesh được đề nghị một khoản 2.000 USD mỗi gia đình để quay về nước.
Gần 800.000 người tị nạn Rohingya chủ yếu theo đạo Hồi đã trốn chạy khỏi Myanmar và đến nước láng giềng Bangladesh sau cuộc đàn áp quân sự vào năm 2017.
Myanmar, một quốc gia đa số theo đạo Phật, đang bị điều tra về tội diệt chủng tại một tòa án quốc tế của Liên Hợp Quốc.
‘Dưới sự bảo vệ có vũ trang’ ở Rakhine
Đầu tháng 5, Anis (không phải tên thật) được đưa đi tham quan nơi ở mới ở Nagpura, thuộc bang Rakhine, phía tây của Myanmar.
Anis, một trong 20 người Rohingyas được ‘hộ tống’ trong chuyến tham quan cho biết: “Có hàng rào xung quanh và binh lính canh gác các trại này”.
“Các căn phòng trong những ngôi nhà rất nhỏ, khoảng là 2,4 m x 3,6 m. Có một cửa ra vào và một hoặc hai cửa sổ.
“Cửa nhỏ đến mức bạn phải cúi đầu mới có thể vô được.”
Năm
Nhưng không cơ sở vật chất tại Myanmar khiến Anis lo lắng.
“Theo các quy định, chúng tôi không bao giờ được sở hữu các tài sản hay một doanh nghiệp. Chúng tôi muốn có các quyền như những người khác để tôi có thể cho con đi học.
“Khi đó chúng tôi có thể đến thăm bất kỳ thị trấn hoặc thành phố nào mà không cần sự cho phép của bất kỳ ai,” Anis nói.
Một thỏa thuận hồi hương lần đầu tiên được ký kết giữa Bangladesh và Myanmar vào năm 2017, nhưng hai lần nỗ lực đưa người tị nạn trở về đều thất bại vì họ từ chối quay về nếu không có đầy đủ quyền lợi.
Thông thường, Liên Hợp Quốc sẽ giám sát các kế hoạch hồi hương nhưng lần này Myanmar và Bangladesh đang thực hiện kế hoạch một cách độc lập.
“Quá trình này là tự nguyện. Mục tiêu của chúng tôi là đưa họ hồi hương một cách trọn vẹn,” Mohammad Mizanur Rahman, Cao ủy Tị nạn của Bangladesh nói với BBC.
“Không có ý định ép buộc bất kỳ ai phải ra đi. Không giữ bí mật. Chúng tôi công khai về điều đó.”
Nhưng Anis nói rằng chính quyền Bangladesh đã gây áp lực cho cộng đồng của anh buộc họ quay trở lại để đăng ký chương trình hồi hương.
“Điện thoại của tôi bị tắt. Tôi đang nói chuyện với bạn bằng điện thoại của một trong những người anh em của tôi,” anh nói. “Không ai trong chúng tôi sẵn lòng ra đi. Chúng tôi đã nói, thà giết chúng tôi và gửi xác của chúng tôi về còn hơn.”
Sultan (không phải tên thật) đã gặp một phái đoàn từ Myanmar tại Cox’s Bazar ở Bangladesh vào hai tháng trước.
“Tôi được cho biết tên của tôi có trong danh sách. Tại sao tôi lại nằm trong danh sách trong số rất nhiều người?” anh đặt câu hỏi.
“Tôi được thông báo rằng trước tiên họ sẽ đưa chúng tôi đến Maungdu (tên chính thức là Maungdaw). Họ đã dựng 15 trại ở đó, nơi chúng tôi sẽ phải ở trong ba tháng.”
Gia đình của Sultan đến từ một ngôi làng gần Maungdaw ở bang Rakhine. Gia đình anh sở hữu đất đai và tài sản ở đó nhưng không ai biết chuyện gì đã xảy ra với khối tài sản này vì họ đã rời đi.
Anh cũng không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh mình đến từ Myanmar.
“Phái đoàn Myanmar đặt cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi. Sau đó, họ chụp ảnh vợ chồng tôi. Chúng tôi cũng bị lấy dấu vân tay,” Sultan nói.
“Chúng tôi đang ở trong tình thế nếu nói không, họ sẽ không chấp nhận. Chúng tôi có thể làm gì đây? Chúng tôi không được an toàn ở Myanmar.”
Sultan cho biết những người như anh, có tên trong danh sách, đang bị giám sát ở Bangladesh. BBC không thể xác minh cáo buộc này.
Chụp lại video,
Người tị nạn Rohingya ‘sống trong điều kiện khắc nghiệt’
Điều kiện khắc nghiệt ở Cox’s Bazar
Có những nỗi sợ hãi trong các trại ở Cox’s Bazar nhưng cũng có cả sự tò mò vì cuộc sống ở đây cũng khó khăn.
Liên Hợp Quốc đã cắt viện trợ lương thực cho người tị nạn vì chiến dịch viện trợ của họ chỉ nhận được một phần tư số tiền cần thiết.
Một nhóm người tị nạn Rohingya đã tổ chức một cuộc biểu tình vào đầu tháng 6, yêu cầu được hồi hương nhưng với điều kiện được cấp đầy đủ quyền công dân.
Anura Begam có sáu người con và đang phải chật vật. Cô bỏ trốn và đến đây từ tháng 8/2017, chồng cô không có công việc đều đặn.
“Đôi khi tôi vay tiền để mua quần áo cho con. Tôi sống nhờ vào tổ chức từ thiện”, cô nói.
Anura đang tính tới việc quay trở về Myanmar vì cô không thấy tương lai ở Bangladesh.
“Tôi muốn trở về làng của mình. Nếu chính phủ Myanmar bảo đảm cho chúng tôi an ninh và quyền công dân, tôi sẽ quay lại.”
Nhưng chính quyền quân sự Myanmar đã không nói rõ phạm vi và quy mô của chương trình Rohingya.
Trong một cuộc trò chuyện nhóm trên Viber với các phóng viên, một quan chức từ ủy ban thông tin của chính quyền quân sự cho biết Myanmar sẽ nhận lại những người tị nạn đã được xác minh danh tính.
Một phóng viên sau đó đã hỏi tại sao họ chưa bắt đầu việc hồi hương.
Quan chức này trả lời: “Họ (những người tị nạn Rohingya) đang do dự và trì hoãn kế hoạch hồi hương.
Biên tập viên tiếng Miến Điện của BBC – Soe Win Than nói rằng chính quyền quân sự từ chối sử dụng cụm từ ‘Rohingya’.
Giới lãnh đạo quân sự gọi các nạn nhân của cơn bão Mocha, tàn phá miền tây Rakhine gần đây là ‘người Bengal’.
Đây là một cách nói mang tính phân biệt chủng tộc, nói rằng người Rohingya đến từ Bangladesh và không thuộc về Myanmar.
Trong khi đó, ước tính có khoảng nửa triệu người Rohingya vẫn đang sống trong các trại tị nạn ở bang Rakhine.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cảnh báo rằng “việc trả những người tị nạn về lại dưới sự kiểm soát của chính quyền Myanmar tàn bạo sẽ chỉ tạo tiền đề cho một cuộc di cư tàn khốc tiếp theo”
Nhà hoạt động người Rohingya sống ở Đức – Nay San Lwin hồ nghi về kế hoạch hồi hương.
“Những người tị nạn Rohingya được chọn trong cái gọi là kế hoạch hồi hương về cơ bản là được chuyển từ một trại ở Bangladesh sang một trại khác ở Myanmar. Đây không phải là hồi hương,” ông nói.
“Các nhà chức trách đã đưa 23 người đến một trại trung chuyển, những người được cấp cho 2.000 USD mỗi gia đình như một sự thúc đẩy việc quay trở lại Myanmar.
“Một ngày sau khi khoản đề nghị tài trợ được công bố, đã có hơn 300 gia đình ghi danh. Đến bây giờ, tôi được biết chính quyền Myanmar đã xác nhận họ sẽ nhận 200 gia đình”, ông cho biết.
Không rõ ai là người cung cấp tiền. Ông Lwin nói rằng nó sẽ chỉ dẫn dụ một nhóm thiểu số nhỏ.
“Tôi không nghĩ rằng hầu hết những người tị nạn sẽ quay trở về vì chính phủ Myanmar không cho họ đầy đủ quyền công dân, tự do đi lại hoặc các quyền cơ bản của con người.” (BBC).