Nguồn hình ảnh, Reuters – Carlsberg là thương hiệu bia nổi tiếng của Đan Mạch – hình minh họa bia Carlsberg ở Copenhagen
Các chi nhánh tại Liên bang Nga của công ty bia Đan Mạch và tập đoàn sản phẩm sữa của Pháp bị nhà chức trách Nga “nắm quyền quản trị tạm thời”, theo BBC News và các báo châu Âu hôm 17/07/2023.
Từ khi xâm lăng Ukraine và bị nhiều nước trừng phạt kinh tế, Nga đã ra luật cho phép tịch thu, chiếm đoạt tài sản của các cơ sở kinh doanh từ những nước “không thiện chí” với Kremlin.
Carlsberg đã chuẩn bị cho quá trình chuyển giao hoặc tách chi nhánh địa phương tại Nga khỏi công ty mẹ, nhưng không kịp.
Cổ phiếu của công ty Baltika Brewing Company mà chủ là Carlsberg và Danone Russia JSC được chuyển vào Cơ quan Quản trị Tài sản Liên bang Nga (Federal Property Management), theo Bloomberg.
Công ty bia Carlsberg của Đan Mạch nói họ không được chính quyền Nga thông báo gì hết về quyết định tịch thu cơ sở kinh doanh của họ ở Nga.
Vụ bán công ty con, Baltika Breweries của Carlsberg vốn chưa hoàn tất việc thương thảo từ tháng trước, nay “sẽ không còn gì là chắc chắn”, Carlsberg cho biết.
Công ty con tại Nga của Carlsberg tuyển dụng trên 80 nghìn nhân viên, và không rõ số phận của họ ra sao.
Chiếm và đổi tên
Hồi tháng 4, các chi nhánh tại Nga của hai công ty châu Âu trong ngành năng lượng: Uniper (Đức) và Fortum (Phần Lan) cũng bị chính quyền Nga ra lệnh kiểm soát luôn.
Nguồn hình ảnh, Reuters – Sản phẩm của Danone
Tháng 6/2022, các tiệm tại Moscow và vùng phụ cận của tập đoàn bán đồ ăn nhanh McDonald’s bị chiếm đoạt bởi Nga và đổi tên thành “Vkusno i tochka” – tiếng Nga là “Ngon miệng và thế đấy”.
Một số báo châu Âu cử phóng viên tới ăn thử hamburger Nga làm – không còn việc kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn Mỹ.
Họ đánh giá rằng bánh kẹp “Vkusno i tochka” quả vẫn còn “mùi như Big Mac” nhưng vị không còn giống. Món Fish Fingers thì thuần tuý là món cá rán kiểu Nga.
Trên thực tế, nhiều công ty nước ngoài đã ngưng hoạt động tại Nga từ sau cuộc xâm lăng ông Vladimir Putin phát động đánh vào nước láng giềng Ukraine tháng 2/2022.
Giống như McDonald’s, IKEA, Starbucks trong ngành dịch vụ, và Ford cùng Mercedes trong ngành xe hơi đã bỏ các hoạt động ở Nga.
Lý do là chính quyền Nga, để trả đũa các lệnh cấm vận của Phương Tây trừng phạt Kremlin vì hành động xâm lăng Ukraine, đã ra luật không cho các đối tác kinh tế Âu-Mỹ được quyền hoạt động bình thường.
Ban đầu, Tổng thống Putin cấm các công ty nước ngoài tiếp tục làm việc trong hai ngành khai thác năng lượng và ngân hàng.
Muốn rút đi, họ phải bán lại cổ phiếu, tài sản ở Nga cho Nga với giá dưới 50% trị giá thị trường.
Sau đó, tháng 3 năm nay, Kremlin ra tiếp một sắc lệnh cho phép các cơ quan liên bang Nga chiếm đoạt “giá trị tài sản, tài chính” của công ty nước ngoài như một khoản bồi hoàn cho ngân sách quốc gia.
Một nghiên cứu của Ekaterina Kurbangalee tháng 7/2023 nói tài sản của công ty nước ngoài được chuyển cho nhà nước Nga và một phần sau đó để các đại gia (oligarch) thân hữu với chính quyền chiếm đoạt với giá rẻ qua thủ tục “tái tư nhân hóa” (BBC).