Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomePháp LuậtLò sản xuất thuốc Tây giả ở Sài Gòn trị giá hàng...

Lò sản xuất thuốc Tây giả ở Sài Gòn trị giá hàng chục tỷ đồng vừa bị phanh phui

Lò sản xuất thuốc Tây giả các nhãn hiệu nổi tiếng điều trị bệnh tim mạch, viêm đường hô hấp, huyết áp… với tổng trị giá tang vật tịch thu lên đến hàng chục tỷ đồng vừa bị phanh phui ở Sài Gòn.

Người cầm đầu là ông Quách Ngọc Giao (55 tuổi, ngụ quận 10, Sài Gòn) đã bị Công an thành phố bắt tạm giam cùng với bảy đồng phạm, có người còn rất trẻ.

Dẫn nguồn tin từ Công an thành phố, Tiền Phong ngày 13 Tháng Bảy cho biết ông Giao bị bắt quả tang đang vận chuyển 300 hộp thuốc Fugacar (thuốc tẩy giun, sán) đi giao cho Tăng Chí Đức (56 tuổi, ngụ quận 11) vào ngày 11 Tháng Bảy. Đại diện hãng thuốc sản xuất Fugacar đã xác nhận số thuốc trên là giả.

Khi khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Giao (quận 10), kho chứa hàng (quận Phú Nhuận) và 19 điểm sản xuất, tiêu thụ thuốc tân dược giả tại Sài Gòn, tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Nai, công an tìm thấy hơn 200 thùng thuốc tân dược giả, mang nhãn hiệu nổi tiếng, chuyên dùng để điều trị các bệnh tim mạch, viêm đường hô hấp, huyết áp… cùng bao bì, tem nhãn các loại.

Hầu hết số thuốc trên được đã được đóng gói hoàn chỉnh để chuẩn bị giao cho các tiệm thuốc Tây và đầu mối mua sỉ thuốc Tây.

Để làm thuốc giả, nhóm của Giao mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược hoặc thuốc hết hạn sử dụng trên thị trường rồi thay đổi bao bì, tem nhãn… để “biến” thành thuốc có nguồn gốc nước ngoài sản xuất, bán ra thị trường với giá cao.

Từ lời khai ban đầu, công an xác định đây là đường dây tổ chức sản xuất, mua bán tân dược giả do Quách Ngọc Giao cầm đầu và có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người.

Cụ thể, Giao thuê Đào Công Tâm (55 tuổi, quê Cần Thơ) sản xuất tân dược giả nhãn hiệu Becozyme (thuốc bổ vitamin nhóm B), Laroscorbine (cung cấp vitamin C dạng uống hay chích tĩnh mạch) với giá 3,000 đồng/hộp. Ngoài ra, Tâm cũng là đầu mối tiêu thụ thuốc giả do Giao cung cấp.

Còn ông Phạm Văn Đin (45 tuổi, quê Đồng Nai) khai sản xuất thuốc giả nhãn hiệu Enat (vitamin E), Tanganil (điều trị chóng mặt, rối loạn tiền đình) 500mg rồi giao toàn bộ thuốc thành phẩm cho Giao tiêu thụ.

Để sản xuất mặt hàng này, ông Đin mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược Việt Nam, thuốc quá hạn sử dụng trôi nổi trên thị trường; còn vỉ nhựa, bản kẽm khuôn vỏ hộp giấy, tem, in ấn bao bì… đặt mua và in từ các công ty ở quận Bình Tân, quận Tân Phú.

Còn ông Trần Văn Nghĩa (49 tuổi, quê Tiền Giang) khai tự sản xuất tân dược giả nhãn hiệu Asmacort (trị các chứng hen suyễn, khó thở) và tiêu thụ ba loại thuốc giả do Giao sản xuất. Để sản xuất thuốc Asmacort, ông Nghĩa mua vỏ chai, tem nhãn của Giao, mua nguyên liệu thuốc từ các công ty dược Việt Nam. Sau đó, ông Nghĩa lột bỏ tem thuốc nội địa, dán tem thuốc ngoại nhập vào để bán với giá cao hơn.

Riêng ông Tăng Chí Đức thừa nhận sản xuất thuốc Terneurine H.5000 (biệt dược B1, B6 và B12, chuyên trị các chứng đau rễ thần kinh của nhiều bộ phận trên cơ thể), Voltaren (thuốc kháng viêm) và tiêu thụ các loại tân dược khác do Giao cung cấp.

Sau khi sản xuất xong, các đồng phạm của ông Giao vận chuyển tân dược giả về nơi ở và kho chứa hàng của Giao để tiêu thụ tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận.

Có lẽ không có đâu như Việt Nam là hầu hết các loại thuốc điều trị bệnh đều có thể dễ dàng mua ở các tiệm thuốc Tây. Đa số người dân Việt Nam hiện nay đều có thói quen ra tiệm thuốc Tây khai bệnh để mua thuốc uống, họ hoàn toàn tin tưởng vào người bán mà không kiểm tra được nguồn thuốc, cũng như phẩm chất của thuốc.

Vì thế, tiệm thuốc Tây xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm của các đô thị lớn như Sài Gòn, là nơi kinh doanh béo bở của chủ tiệm thuốc vì thuốc Tây là mặt hàng người mua không bao giờ trả giá, nói sao mua vậy và cũng không bao giờ lo bị người mua nài “lấy thuốc trước, trả tiền sau”.

Thói quen khai bệnh và mua thuốc ở tiệm thuốc Tây của người Việt đã là kẽ hở để bọn kinh doanh và sản xuất thuốc giả có cơ hội làm ăn. Công an cứ bắt hết nhóm làm thuốc giả này lại xuất hiện nhóm làm thuốc giả khác. Bọn chúng thật bất nhân và dã man khi kinh doanh trên nỗi đau bệnh tật của người dân, nhất là những người bị bệnh mãn tính, phải uống thuốc mãi mà không bao giờ khỏi bệnh hoặc những người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư.

Ngày 5 Tháng Bảy 2023, Công an thành phố đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát cùng cấp, đề nghị truy tố bảy bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả.

Các bị can gồm: Nguyễn Xuân Cường (47 tuổi), Ao Vạn Hạnh (26 tuổi), Trương Phong Hào (25 tuổi), Trương Thùy Trinh (50 tuổi, cùng ngụ quận 8); Huỳnh Nhật Khoa (25 tuổi), Phạm Quốc Quyền (44 tuổi, cùng ngụ quận 10) và Đặng Văn Hóa (41 tuổi, quê Đồng Nai).

Trong đó, bị can Cường, Hạnh, Hào và Trinh bị đề nghị truy tố về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”; bị can Quyền và Khoa bị đề nghị truy tố về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”; bị can Hóa bị đề nghị truy tố cả hai tội danh.

Nhóm sản xuất thuốc tân dược giả của Cường bị bắt ngày 13 Tháng Mười Hai 2022, với tang vật là 10,000 lọ thuốc  với nhiều nhãn hiệu khác nhau, cùng nhiều dụng cụ được dùng để sản xuất thuốc giả các nhãn hiệu nổi tiếng.

Theo công an, Cường khai mua nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh giả của nhiều người khác nhau ở Sài Gòn, Hà Nội và Hưng Yên qua mạng xã hội và đem về bãi xe đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8, Sài Gòn) để Hạnh, Hào và Huy (chưa rõ lai lịch) làm thuốc tân dược giả.

Đối với thuốc giả dạng viên nang, nhóm của Cường xếp vỏ viên nang vào khuôn cho bột vào ép thành viên rồi cho vào lọ dán nhãn, đậy nắp…; còn thuốc dạng viên nén thì lấy viên nén có sẵn cho vào lọ đậy nắp và dán nhãn.

Sau đó, Cường mang bán thuốc giả cho nhiều người, nhà thuốc ở quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận 10… Khách mua hàng của Cường đều thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Trong số những người mua thuốc giả của Cường có Khoa và Quyền. Sau khi bắt giữ Khoa, Quyền và khám xét hai căn nhà gần chợ thuốc quận 10, công an thu giữ hàng chục ngàn lọ và hộp thuốc nhãn hiệu nổi tiếng…

Khoa và Quyền khai nhận đã mua bán thuốc chữa bệnh với Cường thông qua mạng, trong đó, Khoa nhiều lần mua thuốc giả của Cường với tổng số tiền là gần 1.4 tỷ đồng, còn Quyền mua gần 900 triệu đồng. Ngoài ra, Quyền khai còn mua thuốc Tây giả của Hóa.

Từ lời khai, Công an quận 8 đến khám xét một căn nhà ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) bắt giam Hóa và tịch thu hơn 2,500 lọ thuốc nhãn hiệu các loại cùng dụng cụ sản xuất thuốc giả. Bước đầu, Hóa khai từng kinh doanh thuốc với Quyền và khi Quyền đặt thuốc Tây, Hóa tự mua nguyên vật liệu, dụng cụ để tổ chức sản xuất thuốc giả.

Thị trường dược phẩm Việt Nam được đánh giá là “màu mỡ” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có trị giá lên đến $10 tỷ vào năm 2020, tăng trưởng gấp đôi so với 2015!

Than ôi, đã có bao nhiêu người “tiền mất, tật mang” vì đang uống phải thuốc giả từ nhóm của Cường và nhóm của Giao sản xuất?

An Vui

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments