Furnace Creek, California ngày 15 Tháng Bảy 2023: Một bảng cảnh báo nắng nóng nguy hiểm, với dự báo tại một số nơi ở Mỹ có thể chứng kiến nhiệt độ lên đến 134 độ F (khoảng 56.6 độ C) – ảnh: David McNew/Getty Images
Nhiều tuần căng thẳng do nắng nóng cực độ đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và nền kinh tế trên thế giới. Cơ sở hạ tầng vẫn an toàn nhưng nguy cơ đang tăng lên nếu thời tiết nắng nóng kéo dài.
Các cơ sở hạ tầng thiết yếu và nền kinh tế bị đe dọa
Những đợt nắng nóng trải dài khắp các khu vực rộng lớn trên toàn cầu đang gây căng thẳng cho lưới điện và khiến các doanh nghiệp không thể giữ mát cho công nhân đã phải đóng cửa. Nhiều dự báo cho biết một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ phải đối mặt với nhiệt độ nóng hơn trong những ngày tới, làm tăng áp lực lên các cơ cơ sở hạ tầng.
Theo Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ (National Weather Service), hơn 100 triệu người Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng. Chuỗi ngày nóng đến 110 độ F đang thiêu đốt Phoenix và một đợt nắng nóng không ngừng đang “trừng phạt” Texas và các khu vực khác của miền Nam. Nhiệt độ cực cao quét qua Nam châu Âu, với nhiệt độ lên tới ba con số ở Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Hơn một chục thành phố của Ý, kể cả Rome và Florence được đặt trong tình trạng báo động đỏ khi nhiệt độ cực cao. Chính quyền ở Athens (Hy Lạp) phải đóng cửa khu du lịch đền Parthenon trong cái nóng lên tới 100 độ F.
Nghiên cứu tác động của những đợt nắng nóng gần đây cho thấy tình trạng này có thể kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới – Wall Street Journal cho biết. Derek Lemoine, nhà kinh tế tại Đại học Arizona, chuyên viên nghiên cứu về hậu quả kinh tế của biến đổi khí hậu, nhận định: “Quá khứ chứng minh, những năm ấm hơn sẽ cho sản lượng thấp hơn. Nhiệt độ quá cao làm ảnh hưởng đến năng suất lao động, làm giảm khả năng tiếp thu bài học ở trường của học sinh vì não không phát huy hiệu quả trong cái nóng”.
Một nghiên cứu năm 2018 về tác động của nhiệt độ tăng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ công bố trên Journal of Money, Credit and Banking nêu rõ: “Nhiệt độ trung bình mùa hè tăng một độ F sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng năm của một tiểu bang từ 0.15 đến 0.25%”. Cho đến nay, có rất ít dấu hiệu về nguy cơ sự cố thảm khốc trong lưới điện hoặc ở những cơ sở hạ tầng quan yếu. Các cơ quan chức năng vẫn ứng phó được tình trạng nhiệt độ cao. Nhưng trong thế giới kinh doanh, gánh nặng đang đè lên vai các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân.
Nhiều chính phủ, khi cố giảm thiểu thiệt hại về người do nắng nóng, lại gặp khó khăn bởi chính cái nóng và khó tiếp cận những người lao động cần được giúp đỡ. Đợt nắng nóng đặt ra thử thách lớn với mạng lưới điện cũ kỹ của Hoa Kỳ, vốn phải tải nhiều năng lượng hơn để chạy máy điều hòa không khí và không được nghỉ nhiều để bảo trì định kỳ.
Một dự báo từ North American Electric Reliability Corporation, một tổ chức phi lợi nhuận theo dõi sức khỏe của các hệ thống điện lớn, cho biết phần lớn nước Mỹ có thể bị mất điện vào mùa hè này. Trong công ty Burger Fresh & More ở Conroe, Texas, máy điều hòa không khí bị hỏng khi nhiệt độ tăng vọt lên 118 độ F. Công nhân phải nhờ khăn làm mát và quạt phun sương để duy trì hoạt động. Giám đốc Karen Swearingen cho biết: “Chúng tôi phải vay khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ để trang trải chi phí”.
Hội đồng Độ tin cậy Điện Texas (The Electric Reliability Council of Texas), cơ quan điều hành lưới điện của tiểu bang, cảnh báo rằng nhu cầu điện trong tuần này đạt mức cao kỷ lục. Hiệp hội Giám đốc Hỗ trợ Năng lượng Quốc gia (National Energy Assistance Directors Association) ước tính hóa đơn năng lượng tại các hộ gia đình sẽ tăng 11.7% lên mức trung bình là $578 vào mùa hè này so với $517 của mùa hè năm ngoái. Giám đốc điều hành Neada Mark Wolfe cho biết: “Nếu đợt nắng nóng tiếp tục, sẽ có nhiều người không có tiền để trả cho việc làm mát”.
Ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là sức khỏe người dân
Friederike Otto, đồng sáng lập World Weather Attribution, một tổ chức khoa học chuyên phân tích các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu, lưu ý: “Điều khác biệt chính là lượng khí thải tiếp tục tăng nên mức độ nóng lên vẫn cao hơn cho phép. Những hiện tượng thời tiết bất thường chúng ta thấy bây giờ không hề có trước đây”.
Trong vài năm qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã được điều hòa nhờ tác động làm mát của thời tiết La Nina kéo dài ba năm ở Thái Bình Dương. Nay, Thái Bình Dương đang chuyển sang thời tiết ngược lại gọi là El Niño, mang nước ấm đến phía Đông Thái Bình Dương, ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết trên toàn cầu.
Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (National Oceanic Atmospheric Administration), Tháng Sáu 2023 là tháng nóng nhất thế giới trong 174 năm. Đầu Tháng Bảy chứng kiến những ngày nóng nhất thế giới. Gernot Wagner, nhà kinh tế học về khí hậu tại Trường Kinh doanh Columbia và là tác giả của cuốn Climate Schock: The Economic Consequences of a Hotter Planet nhận xét:
“Nhiệt độ cực cao có thể kích hoạt hành vi phi lý trí. Các vụ tai nạn xe hơi tăng, bạo hành trên đường phố tăng, bạo lực gia đình và hành hung cũng tăng. Một rủi ro lớn của các đợt nắng nóng kéo dài là chúng có thể giúp đẩy các hệ sinh thái tới điểm tới hạn (ví dụ sông băng sẽ tan chảy) không thể đảo ngược, dẫn đến tác hại kinh tế trên diện rộng”.
Canada, nơi hiện trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất, đã chứng kiến nhiệt độ kỷ lục ở phía Bắc. Hỏa hoạn làm giảm sản lượng ở tỉnh giàu dầu mỏ Alberta các nhà máy gỗ xẻ ở Quebec phải đóng cửa. Các đám cháy có thể đẩy giá gỗ tăng cao trong mùa xây dựng cao điểm. Tại các nhà hàng, các người làm việc trong bếp dễ bị mệt mỏi khi thời tiết nóng. Tamy Jaramillo đã phải đóng cửa nhà hàng Yak’s Café ở Blanding, Utah của mình vì nhân viên không chịu nổi cái nóng. “Điều hòa không giúp được gì nhiều. Không khí lạnh thổi vào, nhà bếp vẫn nóng không chịu nổi” – chị nói.
(Khoa học- Công nghệ-Môi trường)