Thursday, June 27, 2024
No menu items!
spot_img
HomeKiến ThứcLịch SửHành trình đến tự do của nhà văn thuyền nhân Mai Thảo

Hành trình đến tự do của nhà văn thuyền nhân Mai Thảo

Ngô Thế Vinh

Nhà văn Mai Thảo

(Tiếp theo)

Trên biển cả, tôi có cảm giác được phóng thả. Tôi đã là một con người tự do.

Đó là một đêm tối đen không trăng. Chúng tôi ra được biển khơi nhưng lại có một cơn bão thổi tới từ Phi Luật Tân, vật vã con tàu nhỏ, bắt buộc chúng tôi phải trở lại bờ. Tôi trở

lại nơi ẩn náu. Vài ngày sau đó, tôi được tin cha tôi chết ở tuổi 82. Đối với tập tục Á Đông, một đứa con phải về chịu tang lễ của bố mẹ hoặc mang trong tội bất hiếu. Nhưng các anh tôi khuyên tôi không nên về nhà vì đang bị theo dõi và tôi có thể bị bắt. May mắn là tôi đã bí mật tới thăm được mộ cha tôi, đọc lời cầu nguyện tỏ lòng tưởng nhớ và điều ấy đã làm dịu nỗi đau.

Rồi có chiếc xe gắn máy khác tới trong đêm tối. Chuyến đào thoát thứ hai nguy hiểm hơn lần trước. Chiếc thuyền đánh cá nhỏ đưa tôi tới một chiếc chòi, tôi phải núp ở đó suốt hai ngày trong vùng sình lầy có cây che khuất. Cuối cùng thì một chiếc ghe tới đưa tôi ra khơi và trong đêm tối, tôi được chuyển qua một chiếc tàu đánh cá lớn hơn. Bất chợt, có một tín hiệu đèn và không tiếng động. Một toan tính kỹ lưỡng và cả nhiều may mắn. Tôi bước lên một con tàu sức chứa 20 người nhưng số người lên tàu là 58. Chúng tôi phải rất tiết kiệm nước và gạo vì không có chỗ chứa. Mọi người ăn uống rất ít và không có ai chết.

Trên tàu gồm những người tỵ nạn chính trị, sinh viên học sinh, người già, các gia đình với trẻ thơ. Chúng tôi trải qua 6 ngày đêm. Mọi người đều đói và khát, một số ngã bệnh. Khi chúng tôi tới gần Mã Lai, biển lặng, trời trong, và mọi người bắt đầu cất tiếng hát. Họ yêu cầu tôi ngâm một bài thơ. Tôi đọc bài thơ của một người bạn nói về một người đàn ông rời nhà ra đi mà không có một ai tới nói lời giã từ.

Tới Mã Lai nhưng họ không muốn tiếp nhận chúng tôi. Các giới chức tỏ vẻ không thân thiện, do đã có quá nhiều tàu tỵ nạn tới đây. Là một quốc gia nghèo, họ không thể cưu mang tất cả. Mỗi lần chúng tôi cố cập bến, họ đẩy chúng tôi ra xa. Cuối cùng, một ngư phủ Mã Lai ra dấu cho chúng tôi; họ bảo cứ ủi tàu vào bãi, nếu tàu bị vỡ hư hại thì họ phải nhận chúng tôi. Chúng tôi đã làm như vậy và có hiệu quả.

Con tàu chở chúng tôi bị vỡ. Chúng tôi giúp trẻ em, người già bệnh hoạn lên bờ. Viên chức cứu trợ Liên Hiệp Quốc tới gặp chúng tôi, tặng tiền để chúng tôi mua thực phẩm. Món hàng đầu tiên mà tôi mua là một bao thuốc lá. Họ đưa chúng tôi tới trại tỵ nạn. Trại rất đông nhưng có đủ thực phẩm và lều trú và chúng tôi thì tự do. Chúng tôi không bị giam hãm trong trại. Tôi bắt đầu yêu mến người dân Mã Lai. Trong trại có đài phát thanh và tôi được yêu cầu viết bài và đọc cho chương trình. Tôi cũng giữ chức chủ tịch trại.

Tôi tới Mỹ vì đã có hai em tôi ở đó, và tôi cũng có quen biết với số nhà văn Việt Nam tới trước. Bây giờ tôi đang viết về kinh nghiệm của chính mình. Tôi hy vọng các tiểu thuyết của tôi được dịch sang tiếng Anh. Tôi cũng đang vận động trả tự do cho các văn nghệ sĩ còn bị cầm tù ở Việt Nam. Tôi e rằng nền văn học nghệ thuật của chúng tôi sẽ bị tiêu vong.

Tôi gửi tiền về cho mẹ tôi. Tôi mong bà sẽ sang đây nhưng bà thì không muốn là gánh nặng cho các con ở Mỹ. Và bà cũng không muốn chết ở một nơi xa quê nhà.

Tôi muốn nói với thế giới rằng hai mươi năm chiến tranh đã tàn phá đất nước tôi. Nhà cửa đường xá có thể xây dựng lại, nhưng vẻ đẹp của đất đai và tâm hồn dân chúng thì không. Khi chúng ta đang nói chuyện nơi đây, sự hủy hoại vẫn tiếp diễn dưới chế độ Cộng sản.

Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có còn một tương lai. Xa rời quê hương, thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần hồn.

Jane Katz, Artists in Exile, American Odyssey

* Ghi chú của người viết: Mai Thảo sinh ngày 8 tháng 6 năm 1927, chi tiết Mai Thảo sinh năm 1930 trong bài phỏng vấn của Jane Katz có lẽ không chính xác.

TIỂU SỬ MAI THẢO VÀ TÁC PHẨM

Mai Thảo tên thật là Nguyễn Đăng Quý, bút hiệu khác: Nguyễn Đăng, sinh ngày 8/6/1927 tại chợ Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ học trường làng, trung học lên Nam Định rồi Hà Nội (học các trường Đỗ Hữu Vị, Chu Văn An). Năm 1945, theo trường sơ tán lên Hưng Yên. Khi chiến tranh bùng nổ năm 1946, gia đình từ Hà Nội tản cư về quê chợ Cồn, sau đó Mai Thảo vào Thanh Hóa theo kháng chiến, viết báo, tham gia các đoàn văn nghệ đi khắp nơi, từ Liên khu III, IV đến chiến khu Việt bắc.

1951, Mai Thảo bỏ kháng chiến về thành. 1954, di cư vào Nam. Viết truyện ngắn trên các báo Dân Chủ, Lửa Việt, Người Việt. Chủ trương tạp chí Sáng Tạo (1956), Nghệ Thuật (1965) và từ 1974, trông báo Văn. Ngày 4/12/1977, Mai Thảo vượt biển tới Pulau Besar, Mã lai. Đầu năm 1978, sang định cư tại Hoa Kỳ. Ban đầu cộng tác với tờ Đất Mới của Thanh Nam trên Seattle và một số báo khác tại hải ngoại. Tháng 7/1982 anh cho tục bản tạp chí Văn, làm chủ biên đến 1996, vì tình trạng sức khỏe trao lại cho Nguyễn Xuân Hoàng; hai năm sau ngày 10/1/1998 Mai Thảo mất tại Santa Ana, California, thọ 71 tuổi.

TÁC PHẨM

Nhà nghiên cứu và thư viện học Phạm Trọng Lệ, trên báo Văn số Tưởng mộ Mai Thảo tháng 2/1998 đã sưu tầm một thư mục Mai Thảo, trong đó có ghi số trương mục những tác phẩm được lưu trữ tại các thư viện ở Hoa Kỳ, và được Thuỵ Khuê bổ sung phân loại sau đó. (2)

Đoản thiên:

Đêm giã từ Hà-nội (Người Việt, 1955) Tháng giêng cỏ non (1956), Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời (Sáng Tạo, 1963), Bầy thỏ ngày sinh nhật (Nguyễn Đình Vượng, 1965), Căn nhà vùng nước mặn (An Tiêm, 1966), Đêm lạc đường (Khai Trí, 1967), Dòng sông rực rỡ (Văn Uyển, 1968), Người thầy học cũ (Văn Uyển, 1969),

Chuyến tàu trên sông Hồng (Tuổi Ngọc, 1969), Tùy bút (1970), Mưa núi (tập hợp những truyện tuyển trong Đêm giã từ Hà-nội và Tháng giêng cỏ non, Tân Văn, 1970), Ngọn hải đăng mù (Làng Văn, Toronto, 1987), Một đêm thứ bẩy (Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 1988) Hồng Kông ở dưới chân (Xuân Thu, 1989), Chân bài thứ năm (Nam Á, Paris, 1990), Chuyến métro đi từ Belleville (Nam Á, 1990).

Truyện dài:

Mái tóc dĩ vãng (Tiểu thuyết tuần san, 1963), Cô thích nhạc Brahms? (phóng tác), Khi mùa thu tới (Thái Lai, 1964), Viên đạn đồng chữ nổi (Văn, 1966), Đêm kỳ diệu, Cùng đi một đường (1967), Sau khi bão tới (Màn Ảnh, 1968), Tới một tuổi nào (Miền Nam, 1968), Cũng đủ lãng quên đời (Hồng Đức, 1969), Lối đi dưới lá (1969),

Mười đêm ngà ngọc (Hoàng Đông Phương, 1969), Thời thượng (Côi Sơn, 1970), Sống chỉ một lần (Nguyễn Đình Vượng, 1970), Hết một tuần trăng (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1970), Sau giờ giới nghiêm (Tủ sách Văn Nghệ Khai phóng, 1970), Trong như hồ thu (Tủ sách văn Nghệ Hiện Đại, 1971), Mang xuống tuyền đài (Tủ sách Văn Nghệ Khai Phóng, 1971), Một ngày của Nhã (1971), Để tưởng nhớ mùi hương (Nguyễn Đình Vượng, 1971),

Sóng ngầm (Hoa biển, 1971), Sống như hình bóng (Tiếng Phương Đông, 1972), Hạnh phúc đến về đêm (Nguyễn Đình Vượng, 1972), Một đời còn tưởng nhớ (Hải Vân, 1972), Gần mười bẩy tuổi (Nguyễn Đình Vượng, 1972), Chỉ là ảo tưởng (Sống Mới, 1972), Suối độc (Nguyễn Đình Vượng, 1973), Tình yêu mầu khói nhạt (Nguyễn Đình Vượng, 1973), Bên lề giấc mộng (Ngày Mới, 1973), Chìm dần vào quên lãng (Tiếng phương Đông, 1973), Cửa trường phía bên ngoài (Đồng Nai, 1973), Ánh lửa cuối đường hầm (Anh Lộc, 1974), Ôm đàn tới giữa đời (Gìn Vàng Giữ Ngọc, 1974), Những người tình tuổi song ngư (Xuân Thu, 1992)…

Nhận định, hồi ức: Chân dung mười lăm nhà văn, nhà thơ Việt Nam (Văn Khoa, 1985)

Thơ: Ta thấy hình ta những miếu đền (Văn Khoa, California, 1989) (Hết)

(Lịch sử- Sự kiện)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments