Cựu quan chức Hà Nội Chử Xuân Dũng trong phiên tòa hôm 18/7/2023 ở Hà Nội.
Nhiều người lên tiếng trên mạng xã hội chỉ trích hàng chục cán bộ, giáo viên thuộc một trường ở Hà Đông, Hà Nội, vì họ viết một tâm thư tập thể xin giảm án cho ông Chử Xuân Dũng, một cựu quan chức và hiện là bị cáo trong phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”.
Theo quan sát của VOA, phản ứng kể trên xuất hiện sau khi nhiều báo Việt Nam đăng tin hôm 25/7 rằng 71 cán bộ và giáo viên trường trung học phổ thông Lê Lợi gửi tâm thư tới Tòa án Nhân dân Hà Nội kiến nghị giảm nhẹ hình phạt cho ông Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội.
Các báo, trong đó có Pháp Luật Việt Nam và Tuổi Trẻ, cho hay bức thư điểm lại quá trình công tác và thăng tiến của ông Dũng, từ một giáo viên toán ở vùng ngoại thành xa xôi của Hà Nội đến hiệu phó, hiệu trưởng một số trường, tiến tới giữ chức phó giám đốc và giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, và trở thành Phó Chủ tịch UBND Hà Nội.
Những người ký vào bức tâm thư đánh giá rằng ông Dũng lâu nay là “một thầy giáo có tâm đức trong sáng; có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng; có nhiều thành tích, đóng góp to lớn cho ngành giáo dục thủ đô”.
Vẫn 71 cán bộ và giáo viên của ngôi trường ở Hà Đông cho rằng “thầy Dũng” chỉ “vô tình vi phạm pháp luật” trong vụ án “chuyến bay giải cứu” do những “điều kiện khách quan”, theo tường thuật của báo chí trong nước.
Trong quan điểm của các cán bộ, giáo viên này, vì ông Dũng có “bản chất tốt” và “đóng góp to lớn” trong quá trình công tác, nên họ kiến nghị hội đồng xét xử “giảm nhẹ mức án” để ông “sớm trở lại hòa nhập cộng đồng, sửa chữa sai lầm vi phạm, phấn đấu trở thành công dân tốt”.
Hồ sơ về cựu Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng trong vụ án “chuyến bay giải cứu” cho thấy ông bị cáo buộc nhận hối lộ 2 tỉ đồng khi phê duyệt cho các doanh nghiệp đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về cách ly tại Hà Nội.
Ông Dũng bị viện kiểm sát đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội nhận hối lộ. Ông và gia đình đã nộp lại hết số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả, báo chí trong nước cho hay. Ông là 1 trong số 54 bị cáo phải ra tòa trong vụ này. Một số bị cáo khác đối diện các mức án lên tới 10-20 năm tù, có 1 người bị đề nghị án tử hình.
Như VOA đã đưa tin, các bị cáo trong vụ này bị dư luận chỉ trích, lên án nặng nề vì bị xem là “hút máu”, “bóc lột”, “ăn tận xương tủy” của đồng bào vốn đã gặp khốn khó trong giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19.
Bức thư mới xuất hiện để xin giảm án cho ông Chử Xuân Dũng cũng dẫn đến nhiều lời chỉ trích, theo quan sát của VOA.
Võ sư Đoàn Bảo Châu, có hơn 150.000 người theo dõi trên Facebook, nói trên trang cá nhân rằng ông “không đồng tình” với tâm thư của 71 cán bộ, giáo viên tại trường Lê Lợi ở Hà Đông và cho rằng những người viết bức thư đó “có trái tim nhưng quên mất não”.
Dưới góc nhìn của ông Châu, trong đại dịch, khi nhiều người dân đau khổ, vẫn có những kẻ trục lợi, kiếm tiền từ “máu, thịt, nước mắt của dân lành đang gặp hoạn nạn” và sau đại dịch “những khuôn mặt ‘lưu manh giả danh cán bộ’ đã lộ diện”.
Cho rằng các cán bộ, giáo viên của ngôi trường ở Hà Đông “không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vụ việc”, ông Châu đặt câu hỏi “Các vị làm trong ngành giáo dục mà các vị lại mơ màng, cảm tính và vô lý như vậy thì các vị sẽ đào tạo những học sinh thành những con người như thế nào?”
Ông Lường Tuấn Tú, từng là giáo viên và hiện được biết đến là Facebooker Thái Hạo có 55.000 người theo dõi, coi ông Chử Xuân Dũng là “một kẻ vì tiền mà đẩy mấy chục nghìn người vào cảnh đau thương khốn cùng”. Vì vậy, việc 71 cán bộ, giáo viên viết tâm thư cho ông Dũng bị ông Tú xem là “hàm hồ, cảm tính, thương vay khóc mướn”.
Trong con mắt của ông Tú, cái “tình” của những người viết tâm thư là “thứ tình ích kỷ, độc ác và cũng táng tận lương tâm không khác gì ông Chử Xuân Dũng”, và ông bình luận: “Qua cái ‘tâm thư’ này, lộ rõ 71 cán bộ, giáo viên này cũng là những người vô pháp, vị thân bất nghĩa. Trong công vụ và giảng dạy, họ sẽ hành xử và truyền đạt thứ đạo lý nào, nếu không phải là vun vén, bao che, dung túng cho cái ác?”
Một số Facebooker khác cũng có nhiều ảnh hưởng, trong đó có Võ Đức Phúc, Linh Hoàng…, nêu vấn đề rằng lâu nay các giáo viên vẫn thường “im lặng” trước những chuyện vô lý, bất công trong xã hội Việt Nam, kể cả những việc xảy ra trong chính ngành giáo dục, nhưng giờ đây hàng chục giáo viên lại viết tâm thư xin giảm hình phạt cho “một kẻ trục lợi trên nỗi đau của đồng bào”, vậy đó là “trí thức kiểu gì?”.
VOA quan sát thấy có nhiều người bày tỏ ủng hộ và lan tỏa những quan điểm, lời bình luận của các Facebooker nổi tiếng phê phán, lên án tâm thư của 71 cán bộ, giáo viên thuộc trường Lê Lợi ở Hà Đông. Không ít người bình luận thêm rằng việc làm của các cán bộ, giáo viên đó “làm mất niềm tin trong xã hội khi mà ngay cả các thầy cô cũng bị tha hóa”. (Theo VOA).