Hà Thúc Sinh
ĐẠI HỌC MÁU
TRẢNG LỚN
6/75 – 7/76
(Tiếp theo)
HAI MƯƠI BỐN
Miền Nam hai mùa mưa nắng rõ rệt, nên nó không có cái cảnh thốt nhiên những cây cỏ ủ rũ của mùa Đông hóa thành xanh tươi để báo hiệu cho một mùa Xuân. Đời tự do đã khó phân biệt như thế, nói chi những kẻ ngồi đếm lịch trong bóng tối lao tù Cộng sản. Thế nên, nếu như không có những chiến dịch thi công mừng Tết dân tộc do bọn cai tù phát động, thì đếm cả đời, lũ tù cũng chẳng thể tìm ra tờ lịch nào là tờ báo hiệu cho một ngày nguyên đán.
Công tác thi công của tổ A.3 là phá sạch những nền nhà sau cùng nơi khu hành chánh tài chánh của BTL/SĐ25 trước kia. Suốt ngày trầm mình dưới nắng, bọn Vĩnh phải lấy sức người với tất cả những vật dụng tự chế để phá nền nhà. Lâu lâu lại có một tiếng nổ vang lên quanh quất; lại có những bóng người hớt hải xô dạt, rồi khênh nhau chạy về trại tìm cách cấp cứu. Những tiếng nổ như thế hay xảy ra ở những ụ đất phòng thủ của căn cứ. Họ đã cuốc nhằm những đầu đạn M.79 hoặc đạp nhằm mìn cóc, mìn râu trong lúc làm khổ dịch khai quang…
Với nhiệm vụ khai quật các nền nhà, tuy có cực khổ nhưng an toàn hơn. Dầu sao công việc này đã có thể thoải mái hơn nữa nếu như mỗi ngày Vĩnh và các bạn không phải nghe thấy những tiếng gào phát ra từ một cái tủ sắt lớn đựng bạc trước kia. Cái tủ sắt giờ đây nằm trơ vơ trên một nền nhà xi măng giữa trời giữa đất. Nó chỉ có vài lỗ thủng thông hơi được đục vội vã chung quanh. Tỷ và Non bị nhốt ngồi trong đó. Tiếng gào la khàn khàn và tắc nghẹn của họ chẳng phải để kêu ca oan uổng, chẳng phải để đầu hàng cái cực hình họ đang chịu; mà tiếng gào la của họ chỉ là những tiếng phát ra từ một nhu cầu sinh lý tận cùng nhất.
– Nước! Cho tôi nước!
– Trời ơi! Cho tôi nước!
– Nước! Cho tôi một giọt thôi. Trời ơi!
Tiếng gào la đứt ruột ấy làm cho Vĩnh bao lần chết lặng. Lao động bên ngoài dưới trời nắng Tây Ninh, cứ mỗi năm phút người ta lại phải uống nước một lần để không héo người dưới cái nắng. Nhốt trong một cái hộp sắt chật chội thế kia người ta còn khát tới đâu!? Có lần Vĩnh đánh bạo xin phép tên vệ binh ngồi canh tù trong một bóng mát gần đấy.
– Báo cáo anh tôi cho hai anh trong đó gáo nước được không?
Tên vệ binh nhăn mặt cáu kỉnh.
– Muốn vào đó luôn thì cứ việc!
Vĩnh không nói gì thêm. Anh đã có ý định riêng. Khi tên vệ binh bước sang kiểm soát một khu vực khác, Vĩnh nhìn sô nước của bán tổ để dành uống và ngẫm nghĩ. Cái hộp sắt kín bưng chỉ có vài lỗ thông hơi không cách gì tiếp nước cho hai người bị nhốt trong đó được! Sau cùng Vĩnh quyết định hỏi qua ý kiến của tổ trưởng Tứ. Tứ nhìn Vĩnh với vẻ khó chịu như người thình lình bị dồn vào một chân tường. Tuy nhiên Tứ không nói gì. Anh ta chỉ thoáng nhìn trời nhìn đất rồi cúi xuống khuân tiếp những tảng xi măng lớn vứt vào một đống. Vĩnh đã quyết định. Anh xách sô nước lên, quan sát chung quanh một vòng rồi tiến sát tủ sắt gần chỗ mấy lỗ thông hơi. Vĩnh hắt nguyên sô nước vào những cái lỗ thông hơi ấy. Bên trong chỉ có những tiếng lục đục mà không nghe thấy nói một lời nào. Vĩnh thầm nghĩ: Có lẽ hai đứa đang lên thiên đàng. Chúng có thể đã quên hết ngôn ngữ của trần gian này rồi!
Vĩnh xách cái sô không để lại chỗ cũ. Anh quay lại với công việc, vừa làm vừa nghĩ. Hai thằng bị nhốt như thế, mỗi ngày chỉ được phát tiêu chuẩn nửa lít nước uống làm sao chịu thấu!? Thế rồi Vĩnh không khỏi không uất ức nhớ lại ngày xưa… Bị ngộ độc bởi đòn tuyên truyền của Cộng sản, cả thế giới Tự do bỗng dưng trở mặt với đồng minh vì toàn những lý do không xứng đáng, và một trong những lý do không xứng đáng nhất là vụ chuồng cọp! Giả dụ như một số bọn trí thức, văn nghệ sỹ, bọn báo chí, bọn phản chiến bất lương đui mù chúng nó lên án này kia kia nọ còn có lý do khả thứ; ngay cả phái đoàn dân biểu Mỹ mà Vĩnh còn nhớ cầm đầu là dân biểu Paul Mc. Closkey, sang điều tra tình hình Đông Dương vào đầu tháng 3/75, và trước khi về nước đã họp báo ở Tân Sơn Nhất kêu gọi tổng thống Thiệu đình chỉ việc bắt giữ và tra tấn tù nhân chính trị nếu muốn VNCH còn được hưởng viện trợ Mỹ… Ngày nay tất cả những người ấy đang ở đâu nhỉ? Họ có biết rằng tỷ như xưa kia có chuồng cọp chăng nữa, thì những chuồng cọp ấy so với lối giam giữ ngày nay của CSVN chỉ đáng hàng em út xa lắc xa lơ? Thật là bất công, Vĩnh nghĩ, nếu Trời không tạo một dịp nào đó để nhúng những kẻ ngu muội ấy vào lửa Cộng sản một lần cho họ được sáng mắt ra!
– Trời ơi! Sô nước mới đây sao hết nhẵn rồi?
Tiếng la hốt hoảng của tổ phó Khoa chợt cất lên sau lưng Vĩnh. Vĩnh lầm lì.
– Đổ hết vào cái két sắt kia rồi.
Tổ phó Khoa cau mày.
– Cha ẩu vừa thôi cha. Lãnh búa cả đám.
– Lãnh tao chịu.
Biết Vĩnh nóng tính, Khoa im lặng. Hắn chỉ khẽ cằn nhằn lúc quay đi.
– Tối nay họp tổ tôi sẽ đưa vụ này ra mổ xẻ.
Vĩnh nổi cáu phát cười gằn.
– Thôi mổ xẻ làm đéo gì! Tao xin khắc phục khuyết điểm tại chỗ được không? Lần sau, kể cả mày có phải chui vào cái hộp này, tao xin hạ quyết tâm một giọt nước đái tao cũng không cho.
Khoa thấy Vĩnh thật sự muốn khà khịa, hắn im luôn và bỏ đi một nước.
Với riêng Vĩnh, mùa Xuân đầu trong tù đến với một tâm trạng và quang cảnh như thế. Tuy nhiên trước Tết hai tuần, cả trại, thú thật trong đó có cả Vĩnh, lòng bỗng nở rộ một đóa hoa Hy Vọng rực rỡ lạ thường. Đợt đầu tiên được thả!
Cả trại L4T3 được thả 14 người. Khối 2 có tỷ số cao nhất trại 6 trên 14 và tổ A.3 chiếm kỷ lục trong khối 2 với tỷ số thả 2 trên 6: Văn, cựu hải quân trung úy có bố thoát ly từ lúc hắn mới lọt lòng mẹ. Nguyên, thiếu úy giảng viên Trường Sinh Ngữ Quân Đội, có chú mang quân hàm đại tá hiện làm việc trong văn phòng An Ninh Nội Chính của Cao Đăng Chiếm. Thằng Ba Tô của tổ 7 cũng được thả trong dịp này nhờ một nguyên nhân không ai biết rõ ngoài hai điểm để có thể dự đoán: Một, từ đầu đến giờ nó đã hành nghề chó săn một cách xuất sắc khác thường; hai, căn cứ theo bản tự khai từng đọc trước khối của nó thì cả ba đời nội ngoại nhà nó đều là dân bần cố trung kiên với Cách mạng từ thủa Cách mạng còn… đỏ hỏn!
Với số người được thả không lấy gì làm khích lệ cho lắm, nhưng quả thực đã làm cho bao nhiêu người tối mặt tối mày. Hy vọng sống lại thật nhanh bằng một lập luận giản dị: Như thế là cánh cổng trại cải tạo đã hé mở. Nếu chưa thể mở toang một lượt thì cũng sẽ được mở rộng từ từ. Nay anh mai tôi…
Nhân vụ thả, bọn cai tù lại có dịp lôi tù lên lớp để tha hồ khoe khoang về đường lối khoan hồng trước sau như một của nhà nước Cộng sản. Và để cho không khí trại càng thêm phần hồ hởi phấn khởi, bọn cai tù chấm dứt đợt thi công sớm hơn hai ngày với bản báo cáo tất niên đọc trước trại có nội dung rất vượt chỉ tiêu, vượt đến nỗi bọn tù ngồi bên dưới đâm ngượng với thành quả lao động tự biết… rất khiêm tốn của chính mình. Nào là trong quý 4, khối 1 đã cải tạo được 30 mẫu đất đá ong biến thành nơi canh tác tốt. Khối 2 đã giải phóng được 20 tấn đạn đủ loại khỏi các hầm chứa trong nội vi trại và đã khai quật hơn 100 nền nhà Mỹ…
Nghe tên thủ phó Môn đọc bản báo cáo trước tập thể, có đại diện trung đoàn chủ tọa, mà bọn tù hết hồn. Ở đâu không biết chứ người khối 2 làm sao mà không rõ chuyện khối 2! Đạn đâu mà lắm thế? Rồi nền nhà Mỹ nữa! Tính rộng lắm cũng chỉ có chừng 30 cái nền nhà Mỹ trong phạm vi trách nhiệm của L4T3. Ba mưoi cái mà tay không phá trong mấy tháng đã đủ thấy ông thấy bà, một trăm cái phá sao cho hết, mà có hết đi nữa thì lấy nền nhà đâu ra mà phá!?
Thời còn thơ ấu ở Liên Khu Tư Vĩnh đã được nghe và đã sớm hiểu ý nghĩa của ba chữ Bờ-Cờ-Lờ, chữ tắt của động từ báo cáo láo trong giới Vẹm thời bấy giờ. Hai mươi mấy năm qua Vĩnh không ngờ bệnh Bờ-Cờ-Lờ trong hàng ngũ Cộng sản vẫn không đỡ tí nào. Trầm kha hơn là đàng khác!
Nhưng chúng muốn báo cáo với thượng cấp của chúng thế nào thì cũng kệ cha chúng, điều hân hoan chính là lũ tù được biết, qua sự thông báo trang trọng của chính tên thủ trưởng trại, theo đó vào dịp Tết tới đây, Cách mạng rất quan tâm và sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các cải tạo viên vui chơi đủ 3 ngày Tết truyền thống của dân tộc. Tiếp theo lời thông báo ấy, tay hậu cần trại đã đọc một danh sách các món ăn mà tù sẽ được hưởng trong dịp Tết như thịt lợn, nếp, bánh kẹo và có thể có cả tí… “máu nhân dân” nữa.
Tuy nhiên Tết chưa đến, những món béo bở nằm trong bản dự trù cấp phát của hậu cần trại dĩ nhiên chưa được thực hiện; nhưng điều trước mắt mà tù phải thực hiện ngay là đêm văn nghệ cho toàn trại. Các khối phải tổ chức những trò chơi hoặc những cuộc thi đấu như múa lân, kéo dây, cờ tướng, bóng chuyền v…v… để tạo không khí vui chơi thoải mái trong ba ngày Tết. Các ban văn nghệ thể thao được thành lập tại các khối tức thì. Trưởng ban của khối 2 là Huỳnh Công Cẩn, trung úy ANQĐ từng là tùy viên của ông số 2 ngành này. Trong ban của Cẩn có Đính phụ trách vũ, Vĩnh tiếp tay Nguyễn Đình Thuần lo chế một cái contre-basse dã chiến và một bộ trống. Đàn Guitar và Mando khung sẽ cho mượn.
Sau khi các ban văn nghệ khối phối hợp với nhau, một vài nhân vật được bầu ra để nắm giữ những chức vụ chính điều hành chung một ban văn nghệ trại. Đặng Thế Tiến của khối 4 làm phối trí viên. .(Còn tiếp)
( Chuyện xưa – Chuyện nay)