Các ngoại trưởng ASEAN hôm 12/7 kêu gọi đoàn kết khu vực trong việc giải quyết xung đột ngày càng gia tăng ở Myanmar, trong bối cảnh có những nghi ngờ về khả năng của khối trong việc thực hiện một tiến trình hòa bình kéo dài hai năm vẫn chưa được khởi xướng, theo Reuters.
Cuộc họp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta diễn ra khi sự kiên nhẫn của 10 thành viên đang giảm dần đối với việc các nhà cầm quyền quân sự của Myanmar từ chối ngừng các hành động thù địch và bắt đầu đối thoại toàn diện, như đã được đồng ý bởi vị tướng hàng đầu của họ vào tháng 4/2021.
Myanmar chìm trong xung đột kể từ khi quân đội nắm quyền vào đầu năm 2021 trước khi chính quyền quân phiệt đàn áp đẫm máu những người ủng hộ dân chủ, dẫn đến làn sóng tấn công trả đũa của phong trào kháng chiến và dân quân của các sắc tộc thiểu số.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi, Chủ tịch ASEAN, cho biết bà và những người đồng cấp đã thảo luận về việc thực hiện “đồng thuận năm điểm”, đây là tiến trình ngoại giao duy nhất để hướng tới hòa bình cho Myanmar, nơi Liên hợp quốc ước tính có 1,5 triệu người thất tán.
Bà nói rằng tất cả các thành viên đều nhấn mạnh sự thống nhất về vấn đề này, đồng thời nói thêm rằng “nếu không chấm dứt bạo lực, sẽ không bao giờ có một môi trường thuận lợi cần thiết để bắt đầu đối thoại và cung cấp viện trợ”.
Phát biểu của bà Retno được đưa ra sau một cuộc họp do Thái Lan chủ trì vào tháng trước với sự tham dự của các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar, những người đã bị cấm tham dự các cuộc họp cấp cao của ASEAN. Hầu hết các thành viên ASEAN đều không tham gia cuộc họp đó, điều mà Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai lên tiếng biện hộ, nói rằng Thái Lan đang gặp khó khăn về các vấn đề biên giới, thương mại và người tị nạn.
Hôm 12/7, ông Don tiết lộ rằng ông đã gặp nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi, người đã bị giam giữ ngay sau cuộc đảo chính năm 2021 và hiện đang kháng cáo bản án 33 năm tù.
Ông cho biết bà Suu Kyi vẫn khỏe mạnh, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết trong một tuyên bố riêng rằng hai người đã có “cuộc gặp riêng kéo dài một giờ”.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 12/7 cho biết kế hoạch hòa bình đã được thống nhất sẽ vẫn là trọng tâm của ASEAN.
“Bất kỳ nỗ lực nào khác phải hỗ trợ việc thực hiện sự đồng thuận năm điểm”, bà nói.
Ông Rizal Sukma, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta, cho biết điều quan trọng là ASEAN phải tuân thủ kế hoạch của mình.
“Nó mang lại tính hợp pháp cho ASEAN tham gia vào vấn đề này, chứ chưa nói đến việc can thiệp”, ông Sukma nói.
“Nếu không có sự đồng thuận năm điểm, thì không có cơ sở để can thiệp”.
Indonesia cũng tích cực làm việc ở hậu trường để khởi động quá trình bằng cách cố gắng đưa tất cả các bên liên quan lại với nhau để đàm phán.
Cuộc họp hôm 12/7 dự kiến cũng sẽ thảo luận về các cuộc đàm phán kéo dài về một bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông, bắt đầu vào năm 2017, 15 năm sau khi ý tưởng này được ấp ủ.
Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã nhiều lần bị Philippines cáo buộc có “các hành động gây hấn” trong năm nay, trong khi Việt Nam phàn nàn về một tàu nghiên cứu của Trung Quốc và một đội dân quân bị tình nghi lảng vảng gần các dự án năng lượng ngoài khơi của nước này.
Các cuộc họp ở Jakarta diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN vào thứ Sáu, với sự tham dự của các nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc (VOA).