Cảnh sát vũ trang được huy động để truy tìm các đối tượng tham gia vào vụ tấn công ở Đắk Lắk
Chính quyền Việt Nam bác bỏ ‘kỳ thị sắc tộc’ là nguyên do dẫn đến vụ bạo động ở Đắk Lắk, trong khi Công an Đắk Lắk đã ra quyết định truy nã đặc biệt 6 người thuộc các sắc tộc thiểu số khác nhau do dính đến vụ bạo động.
Vụ tấn công vào rạng sáng ngày 11/6 vào trụ sở chính quyền ở các xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, làm thiệt mạng 9 người, trong đó có 4 công an viên, 2 cán bộ xã và 3 dân thường. Cho đến nay, ngoài những người bị truy nã, chính quyền đã khởi tố 84 nghi phạm, trong đó có 75 người về tội ‘Khủng bố chống chính quyền nhân dân’ với mức án lên đến tử hình.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều ngày 6/7, phát ngôn nhân Phạm Thu Hằng đã bác bỏ những ý kiến trên mạng xã hội cho rằng vụ tấn công có nguồn gốc từ ‘kỳ thị sắc tộc’ đối với người Thượng ở Tây Nguyên. “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những ý kiến sai trái này, đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự có tổ chức và sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật,” bà Hằng nói.
Trong khi đó, công an tỉnh Đắk Lắk vừa ra quyết định truy nã đặc biệt thêm một bị can là Y Huăl Ê Ban, đưa tổng số người bị truy nã cho đến nay là 6. Tất cả đều đã bị công an khởi tố tội ‘Khủng bố chống chính quyền nhân dân’.
Theo lệnh truy nã đặc biệt này, thay vì báo cho công an, bất cứ ai phát hiện ra đối tượng bị truy nã ‘cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc ủy ban nhân dân gần nhất’.
Sáu bị can bị truy nã đặc biệt này là: Y Jũ Niê, 55 tuổi, Y Huăl Ê Ban, 53 tuổi, Y Khing Liêng, 31 tuổi. Ba người còn lại là ba anh em ruột có tên là Nay Dương, 55 tuổi, Nay Yên, 52 tuổi và Nay Tam, 49 tuổi.
Các bị can này thuộc các sắc tộc người Thượng khác nhau là người Gia Rai, Ê-đê và M’nông, cư trú ở các huyện khác nhau của tỉnh Đắk Lắk và đa số đều theo đạo Tin Lành.
Công an Đắk Lắk cáo buộc những người này đã tham gia vào vụ tấn công bằng súng và dao hôm 11/6 và sau khi gây án đã bỏ trốn (VOA).