Một trạm cấp nước ở Phoenix đang phát nước cho người vô gia cư trong lúc niệt độ lên đến trên 115 độ F
Người dân Arizona khổ sở trong nắng nóng nung người với cuộc sống đảo lộn, còn chính quyền thì tìm mọi cách giúp đỡ người vô gia cư trong lúc nhiệt độ tăng cao liên tục phá vỡ các kỷ lục, theo tìm hiểu của VOA.
Phoenix, thành phố lớn nhất bang Arizona, được biết đến là xứ nóng, nhưng tháng Bảy năm nay lại là chưa từng thấy – không chỉ vì nhiệt độ cao nhất, mà là vì trời nóng liên tục không ngừng.
Cho đến ngày 25/7, Phoenix đã trải qua 26 ngày liên tiếp có mức nhiệt trên 110°F (trên 43oC) , phá vỡ kỷ lục 18 ngày liên tục được ghi nhận hồi tháng 6 năm 1974. Và kỷ lục này có thể còn tăng nữa đến cuối tuần này.
Tháng 7 năm 2022 có nhiệt độ trung bình 95,3°F (35oC). Tờ Washington Post dẫn dự báo cho thấy Phoenix có thể kết thúc tháng 7 năm nay với nhiệt độ trung bình 102,7°F (39oC) – mức cao kỷ lục. Phoenix có thể sẽ trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Mỹ có nhiệt độ trung bình hàng tháng cao hơn 100°F (37oC).
Từ đầu năm đến nay, đã có 18 người chết vì những lý do liên quan đến nắng nóng và 69 ca tử vong khác đang được điều tra, theo báo cáo nhiệt hàng tuần của Hạt Maricopa, nơi có thành phố Phoenix.
‘Như trong lò nướng’
“Có cảm giác như đang trong lò nướng,” ông Eric Brickley, làm việc cho tổ chức thiện nguyện Feed Phoenix, nói với tờ NPR. Tổ chức này đã mở các trạm cấp nước khắp thành phố, phát nước và nước đá cho người vô gia cư cũng như bất cứ ai cần.
“Về cơ bản đó là thứ duy nhất để giúp người ta thoát chết. Ở một số nơi tiết trời quá nóng và chết chóc đến nỗi nếu không có nước đá thì họ sẽ chết ngay cả khi ở trong bóng râm.”
Tờ New York Times kể về trường hợp của cô Rachelle Williams, vốn đã phát ngán với công việc đi phát thư vào mùa đông ở bang Indiana giá lạnh nên vào năm 2019, cô đã chuyển đến Arizona sống, hòa vào dòng người ồ ạt chuyển đến bang này, giúp biến Phoenix trở thành một trong những thành phố phát triển nhanh nhất nước Mỹ.
Cô đã bắt đầu cảm thấy tiếc về quyết định này khi nhiệt độ ở Phoenxi lên 110°F (43oC) liên tiếp trong nhiều ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cô mặc áo dài tay, đeo găng tay đen và chiếc mũ che rộng vành với miếng che cổ để tránh nắng khi đi trên đường. Nhưng cho dù cô có uống bao nhiêu nước đi nữa, chân cô ấy vẫn nóng rang và đầu cô ấy quay cuồng.
Mùa hè ở Phoenix bây giờ là sự thử thách sức chịu đựng một cách tàn nhẫn. Khi thời tiết nóng lên, các nhà dự báo thời tiết nói rằng mức nhiệt nguy hiểm sẽ kéo dài hơn nữa, có thể là qua lễ Halloween.
Trong thời tiết lên đến hơn 40°C, thanh xà ngang làm phỏng tay trẻ em, chai nước cong quắp lại và dây an toàn trên xe có cảm giác như sắt nóng. Những người đam mê chạy bộ đeo đèn pin trên đầu để ra đường vào lúc 4 giờ sáng, khi nhiệt độ còn ở mức 90°F, và khi về tới nhà người họ ướt đẫm mồ hôi và nhanh chóng kéo màn cửa xuống. Các khu phố trông như thị trấn ma vào giữa trưa, với những chiếc điều hòa chạy ầm ầm trên mái là dấu hiệu duy nhất của sự sống.
Số ngày nắng nóng khắc nghiệt cũng đang tăng lên. Vào đầu những năm 1900, trung bình một năm Phoenix chỉ có 5 ngày có mức nhiệt từ 110°F (43oC) trở lên, New York Times dẫn lời Erinanne Saffell, nhà khí tượng học ở Arizona, cho biết. Trong những năm gần đây, thành phố trải qua trung bình 27 ngày nóng hơn 110°F một năm.
Phoenix đã cố gắng giải quyết khủng hoảng bằng cách mở một cơ quan chuyên đối phó nắng nóng – mô hình đầu tiên ở nước Mỹ. Nỗ lực của họ bao gồm trồng cây ở những nơi không có bóng râm, đưa trở lại các đường phố hấp thụ nhiệt với vỉa hè phản chiếu và phát khăn, nước cho người dân.
“Ưu tiên của chúng tôi là đưa mọi người vào nơi trú ẩn. Nhờ quan hệ đối tác của chúng tôi với chính quyền Biden, chúng tôi hiện có hàng trăm triệu đô la để đầu tư cho các nhà tránh nóng có máy lạnh. Chúng tôi có mạng lưới các trung tâm làm mát – khoảng 60 đến 62 cái trong vùng,” Thị trưởng Phoenix Kate Gallego nói trên NPR.
Cuộc sống đảo lộn
Cô Thảo Hà, thợ làm móng tay vốn sống ở Phoenix đã hơn 10 năm, nói với VOA rằng ‘chưa bao giờ nắng nóng kéo dài như năm nay’.
“Trời nóng quá mấy cái cây mình trồng đa số cháy lá. Chỉ còn một số ít còn sống thôi, còn nhiều cây bị chết,” cô nói.
Cô cho biết thời gian nóng nhất trong ngày là tầm 4h chiều và mặc dù buổi tối có mát hơn nhưng ‘mức nhiệt vẫn hơn 100 độ’. Trong thời tiết đó, cô nói hóa đơn tiền điện của nhà cô đã ‘tăng thêm 40%’.
“Gia đình tôi không đi ra ngoài, chỉ đi khi có việc cần thôi, mà mỗi lần cần đi thì phải mở máy xe lên cho mát một lát rồi mới dám bước lên xe,” cô nói thêm và cho biết các con cô cả tháng nay ở luôn trong nhà chứ không còn đi bơi như tháng trước nữa.
Thời tiết nắng nóng khiến nhiều người dân Phoenix đi chơi sang các tiểu bang khác có khí hậu mát hơn trong mùa hè nên tiệm làm móng của cô ‘vắng khách hơn bình thường’, cũng theo lời cô Thảo.
Theo quan sát của cô chính quyền có mở những trung tâm cư trú cho người vô gia cư ‘nhưng vẫn không đủ’ và ‘nhiều trung tâm cư trú không mở liên tục 24/24’.
‘Máy lạnh làm không không kịp’
Cũng từ Phoenix, anh Dũng Vũ, thợ sửa máy lạnh mới chuyển từ bang California sang Arizona, mô tả với VOA về cái nóng mà anh cho là ‘không chịu nổi’.
“Bước ra đường buổi trưa có cảm giác da mình đang bị cháy. Nếu ai mà không đội nón thì sau một lúc có thể bị cháy tóc,” anh Dũng nói. “Nắng nóng quá khiến mình thấy chóng mặt, nếu người thiếu nước thì sẽ bị buồn nôn.”
Anh cho biết bình thường ngoài đường không có ai cả, mà nếu ai phải ra đường thì phải che chắn khắp người hoặc phải nhảy lên xe. “Phải bôi kem chống nắng, mặc áo dài tay, đeo kính, đội mũ,” anh cho biết.
“Nếu không đeo kính thì sẽ bị lóa mắt, không nhìn thấy đường, mắt sẽ nổ hột trắng,” anh giải thích. “Còn nếu không đội nón sẽ bị nóng đầu, dẫn đến say nắng có thể nhập viện.”
Tuy nhiên anh nói công việc anh bận rộn hơn nhiều sơ với lúc ở California và tiết trời nắng nóng là cơ hội để anh ‘hốt bạc’. “Ai cũng gọi mình đến làm. Làm không kịp luôn. Nhu cầu sửa hay lắp máy lạnh tăng hơn khoảng 30-40%,” anh cho biết.
“Lúc nào trong nhà cũng mở máy lạnh 24/24 thì máy lạnh sẽ bị hư nhanh hơn. Nhờ vậy mình có khả năng kiếm tiền nhiều hơn.”
Anh nói khi chuyển sang Arizona, anh đã được chủ cho học một khóa về cách bảo vệ bản thân trước cái nóng, cho thời gian nghỉ ngơi lâu hơn, cho đi làm sớm hơn từ lúc 4-5h sáng để được nghỉ ngơi sớm hơn.
“Phải uống nước nhiều. Lúc nào cũng giữ hơi thở đều đặn cho cơ thể hạ nhiệt,” anh giải thích.
“Trời nóng làm mình mệt nhanh hơn, nên vì thế lúc nào mình cũng phải uống nước thường xuyên. Nếu cảm thấy mệt quá thì phải dừng lại vô chỗ mát nghỉ ngơi xong rồi mới được làm tiếp.”
Theo lời anh thì do hầu hết mọi người ở trong nhà nên những người làm những công việc như chạy Uber hay giao đồ ăn ‘kiếm được nhiều tiền hơn’.
Người thợ máy lạnh này bày tỏ nếu không vì mục tiêu kiếm tiền thì anh đã bỏ về California rồi vì ‘nắng nóng kinh khủng’. “Vì cuộc sống, vì tương lai nên tôi phải chấp nhận thôi,” anh giãi bày. (Theo VOA).