Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeViệt NamTin Việt NamVirus gây bệnh tay chân miệng nặng tái xuất hiện ở Sài...

Virus gây bệnh tay chân miệng nặng tái xuất hiện ở Sài Gòn sau 10 năm

SÀI GÒN, Việt Nam – Xét nghiệm PCR bệnh phẩm ca tay chân miệng nặng, các bệnh viện ghi nhận chủng Enterovirus (EV71) nguy hiểm tái xuất hiện kể từ đợt bùng phát năm 2011.

Báo VNExpress dẫn tin từ đại diện Sở Y Tế ở Sài Gòn cho biết như trên vào chiều 1 Tháng Sáu, và thêm rằng số ca tay chân miệng từ đầu năm đến nay tuy thấp, chỉ hơn 1,670 ca, bằng 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, sự xuất hiện trở lại của chủng virus EV71 gây bệnh nặng khiến tình hình “thực sự đáng lo ngại.”

Cụ thể, các bệnh viện chuyên khoa trẻ em của thành phố đang điều trị 33 trẻ đều dưới 5 tuổi bị bệnh tay chân miệng, trong đó có chín ca nặng. Song, trong số ca nặng có bốn trường hợp nhiễm virus EV71.

Hôm 31 Tháng Năm, bệnh viện Nhi Đồng 1, quận 10, ghi nhận một bé trai thiệt mạng sau khi nhiệm tay chân miệng độ 4. Ca này đang đợi kết quả xét nghiệm khẳng định PCR.

Đại diện Sở Y Tế cho biết đang tiếp tục phối hợp với OUCRU (Đơn Vị Nghiên Cứu Lâm Sàng Đại Học Oxford) giải trình tự gene virus xác định type gây bệnh nguy hiểm của EV71.

Trước đó hồi năm 2011, virus EV71 gây đợt bùng phát tay chân miệng tại Sài Gòn với nhiều trường hợp nặng và chết. Khi ấy, type phổ biến là C4. Năm 2018, số ca nặng giảm, chủ yếu là type B5.

Đặc tính của EV71 là lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao. Trẻ nhiễm virus EV71 có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và chết nhanh.

Khi virus EV71 xâm nhập vào cơ thể, chúng thường khu trú ở niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột vùng hồi tràng. Sau 24 giờ, virus sẽ đi đến các hạch bạch huyết xung quanh, từ đây xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Từ nhiễm khuẩn huyết, virus đến niêm mạc miệng và da. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài 3-7 ngày.

Báo Tuổi Trẻ cho biết thêm, hiện tại các bệnh viện ở thành phố đều thực hiện được xét nghiệm PCR chẩn đoán tác nhân gây bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y Tế thì chẩn đoán dựa vào lâm sàng và chỉ xét nghiệm tìm tác nhân đối với trường hợp nặng để phân biệt với các bệnh lý khác và nghiên cứu dịch tễ.

Nốt hồng ban, bóng nước ở trẻ mắc tay chân miệng. (Hình: X.Mai/Tuổi Trẻ)

Để chủ động hơn trong việc ứng phó khi tình hình dịch bệnh “diễn tiến phức tạp,” Sở Y Tế đã yêu cầu Bộ Y Tế hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị, nhất là hai loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch và Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.

Ngoài ra, Sở Y Tế đã chỉ đạo Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật ở Sài Gòn (HCDC) kích hoạt các đội phản ứng nhanh và trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức khởi động phòng chống dịch trong cộng đồng, gia đình và trường học. (Tr.N-NV)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments