Friday, November 22, 2024
No menu items!
spot_img
HomeViệt NamTin Việt NamViệt Nam liệu có tạo ra ảnh hưởng với thị trường âm...

Việt Nam liệu có tạo ra ảnh hưởng với thị trường âm nhạc quốc tế?

Nguồn hình ảnh, Ảnh chụp màn hình – Ca sĩ Hoàng Thùy Linh trong MV See tình

Không thể phủ nhận rằng những năm gần đây nền âm nhạc Việt Nam có những sự phát triển thấy rõ.

Các sản phẩm âm nhạc có sự kết hợp giữa ca sĩ Việt Nam với nghệ sĩ quốc tế liên tiếp được ra mắt, nhiều ca khúc Việt cũng tạo được tiếng vang với loạt thành tích ấn tượng trên các nền tảng trực tuyến, thậm chí là lan toả tới nhiều quốc gia khác.

Có thể kể đến như Sơn Tùng M-TP đã từng mời được rapper người Mỹ nổi tiếng Snoop Dogg tham gia vào sản phẩm âm nhạc ‘Hãy trao cho anh’, hay mới đây là Đức Phúc hát cùng nhóm nhạc nam huyền thoại 911 trong ca khúc ‘I do’…

Truyền thông trong nước liên tục đưa tin về những con số triệu view từ ca khúc ‘See tình’ của Hoàng Thùy Linh hay ‘Hai phút hơn’ của Pháo x Masew… liên tục được nghệ sĩ châu Á cover lại.

Tuy nhiên, bạn có bao giờ thắc mắc vì sao các ca sĩ Việt Nam hiếm khi ký hợp đồng với các hãng đĩa danh tiếng trên toàn cầu, hay vì sao các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới thường chọn Thái Lan hoặc Malaysia để biểu diễn thay vì Việt Nam?

BBC có dịp trao đổi với ông Shridhar Subramaniam – chủ tịch Chiến lược và phát triển thị trường tại châu Á và Trung Đông của hãng Sony Music Entertainment (SME) tại văn phòng mới khai trương của họ ở Bangkok, Thái Lan hôm 21/6 để tìm hiểu về vấn đề này.

Vì sao nghệ sĩ quốc tế chưa mặn mà với Việt Nam?

Từ đầu năm 2023 đến nay, đã hai lần người hâm mộ nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink, trong đó có nhiều người nổi tiếng trong làng giải trí Việt đã ào ào bay sang Thái Lan để tham dự những đêm diễn của nhóm nhạc này.

Dù chỉ cách Thái Lan một – hai giờ đồng hồ bay, nhưng BlackPink, cũng như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như Harry Styles, Arctic Monkeys, the 1975, Cardi B, Sam Smith, Bruno Major hay DJ Marlo… vẫn chưa chọn Việt Nam làm điểm diễn chính thức.

Ông Shridhar Subramaniam nhận định với BBC rằng đây là một thực tế. Theo ông, các nghệ sĩ quốc tế thường chọn biểu diễn tại Singapore, Indonesia, Philippines hoặc Đài Loan, Hong Kong…

Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, mà lý do thứ nhất đó là dựa vào lượng fan (người hâm mộ) ở các quốc gia.

“Các nghệ sĩ cần xác định là họ có đủ fan ở quốc gia đó. Fan ở đây không chỉ là ở trên mạng xã hội, mà là những người nhạc trên các nền tảng trực tuyến như Spotify”.

“Lượng người nghe nhạc của họ đông nhất là ở đâu? Đó là thứ mà các nghệ sĩ tìm kiếm”, chủ tịch khu vực châu Á và Trung Đông của Sony Music Entertainment chia sẻ.

Tại Việt Nam, BlackPink có một cộng đồng fan rất mạnh và thậm chí các ca sĩ của nhóm còn biết đến một số thành viên nổi bật trong fanclub của họ ở đất nước này.

Tuy nhiên, khán giả Việt phần lớn vẫn nghe nhạc trên YouTube và các nền tảng nội địa như ZingMP3 hay Nhaccuatui. Chủ yếu đối tượng khán giả trẻ sinh năm 1990 trở đi có xu hướng nghe nhạc thế giới nhiều hơn trên các nền tảng quốc tế.

Lý do thứ hai ông Subramaniam đưa ra là về cơ sở hạ tầng.

Thái Lan có những sân vận động hoành tráng, trường quay, các thiết bị thu phát trực tiếp đạt chuẩn quốc tế, những kỹ thuật viên, hệ thống bán vé và thanh toán chuyên nghiệp, xin giấy phép không nhiêu khê…

“Họ có mọi thứ cho một hệ sinh thái mà những chuyến lưu diễn yêu cầu”, ông cho biết.

Một lý do khác nữa là khi khác nghệ sĩ lưu diễn vòng quanh thế giới, họ mong muốn ở một khu vực càng nhiều càng tốt.

“Khi đến châu Á, họ muốn tổ chức 10 show diễn tại đây”, ông nêu ví dụ. “Một nghệ sĩ có thể thực hiện hai show ở Singapore, một show ở Hàn Quốc, một ở Philippines, một ở Indonesia… Nhiều thứ cần diễn ra cùng một lúc nên việc có một công nghệ tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp để giảm thiểu mọi chi phí tổ chức không đáng có sẽ là điều họ cần khi tìm kiếm địa điểm”.

Vì sao nghệ sĩ Việt ít ký hợp đồng với các hãng thu âm?

Trên thực tế không có nhiều nghệ sĩ Việt đầu quân vào các hãng thu âm lớn trên thế giới.

Những cái tên có thể kể đến là Hà Lê và Phúc Bồ (nhóm PB Nation) ký hợp đồng với Sony Music.

Vũ và nhóm Chillies là những nghệ sĩ trực thuộc Warner Music Group. Hãng thu này cũng nắm lấy cơ hội trở thành đơn vị độc quyền phân phối các sản phẩm âm nhạc của Lê Cát Trọng Lý tại Việt Nam.

Phùng Khánh Linh là nghệ sĩ độc quyền đầu tiên của Universal Music Vietnam.

Tuy nhiên, họ chưa có nhiều sản phẩm xuất sắc được truyền thông quốc tế để mắt.

Những nghệ sĩ đình đám của Việt Nam không chọn ký hợp đồng với các hãng này, mà thường tự mở công ty.

Ông Subramaniam nhận định rằng đây không phải là vấn đề chia sẻ lợi nhuận, và cũng không liên quan gì đến nghệ sĩ hay hãng đĩa, mà là vấn đề lịch sử.

“Nếu nhìn vào những siêu sao, họ đều có công ty riêng, và họ đã trở thành siêu sao trước khi các hãng địa bắt đầu đặt chân vào Việt Nam. Đó là thế hệ nghệ sĩ đầu tiên”, ông lý giải.

Tuy nhiên, chủ tịch khu vực châu Á và Trung Đông của Sony Music Entertaiment cũng cho rằng điều này diễn ra ở tất các các thị trường, nhưng thị trường âm nhạc tại Việt Nam đang phát triển và xuất hiện nhiều nghệ sĩ trẻ mới, những người sẽ trở thành siêu sao trong tương lai.

“Đó là khi việc kinh doanh trong ngành công nghiệp âm nhạc thay đổi”.

Chiến lược của hãng đĩa

Trụ sở tại Bangkok là văn phòng mới nhất của Sony Music Entertainment. Tính đến nay họ đã có văn phòng tại 6 quốc gia Đông Nam Á bao gồm Việt Nam.

Mục tiêu của họ là hợp tác với các nghệ sĩ Đông Nam Á để làm bệ phóng cho họ đạt được tiềm năng thương mại và sáng tạo lớn nhất, cung cấp cho họ tất cả thủ tục pháp lý, tìm nhà sản xuất, nhạc sĩ, xây dựng đội ngũ người hâm mộ và quảng bá cho các sản phẩm được ra mắt.

Ông Subramaniam chia sẻ với BBC về chiến lược của hãng thu âm của mình.

“Có một số nghệ sĩ muốn vươn ra toàn cầu quá sớm. Họ muốn nổi tiếng ở Mỹ, họ muốn thành công như những ngôi sao K-pop, chúng tôi thường khuyên họ làm điều ngược lại”.

“Bạn chỉ có thể chinh phục ở bên ngoài nếu bạn thực sự chinh phục tại thị trường bản địa. Chúng tôi nói với các nghệ sĩ từ mọi quốc gia rằng bạn hãy trở thành ngôi sao ở nước của bạn, hãy có bản sắc riêng hay vẻ ngoài độc đáo để thể hiện bạn đến từ đâu và không ai có thể sao chép bạn”, ông cho biết.

Nói riêng về khu vực Đông Nam Á, ông Subramaniam cho rằng một số nghệ sĩ ở Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… đang làm điều này rất tốt và họ có phong cách mang đậm dấu ấn bản địa.

“Không ít người có xu hướng coi Đông Nam Á là một, nhưng không phải vậy. Mỗi quốc gia trong khu vực này đều rất tự hào về đất nước mình. Người Indonesia tự hào là người Indonesia, người Việt Nam tự hào là người Việt Nam, người Thái tự hào là người Thái… Họ thích ủng hộ nghệ sĩ của họ, muốn thấy những nghệ sĩ của họ chiến thắng…”, ông nói.

Ông cũng đánh giá cao về Thái Lan, nhận xét rằng quốc gia này có những nghệ sĩ tài năng, gu thời trang tốt, bản sắc riêng, âm nhạc hay và quan trọng nhất là lượng người hâm mộ cuồng nhiệt.

“Thái Lan là một thị trường rất thân thiện với người nước ngoài và khách du lịch. Nhiều người có sức ảnh hưởng cũng đến đây… Họ mang âm nhạc và những người có sức ảnh hưởng ra toàn cầu. Vì vậy, nền âm nhạc Thái Lan đang phát triển nhanh chóng”.

Nếu nhìn vào hiphop Thái Lan, bạn sẽ thấy được sự bùng nổ không cần bàn cãi. Năm 2022, rapper Thái Lan Milli mang xôi xoài (mango sticky rice) lên sân khấu Coachella vừa ăn vừa biểu diễn đã gây sốt cộng đồng mạng.

Tờ Bangkok Post đưa tin từ khóa xôi xoài bằng tiếng Thái Lan với hashtag #khanonieomamuang đứng đầu top tìm kiếm trên Twitter. Từ khóa “mango sticky rice” cũng đứng top tìm kiếm toàn cầu trên Google.

BBC News Tiếng Việt cũng có dịp trò truyện với CDGuntee, một trong năm nghệ sĩ đầu tiên của Thái Lan ký hợp đồng với Sony Music Entertainment. Anh có tham vọng chinh phục các khán giả tại quê hương và hướng ra thị trường quốc tế.

Khi được hỏi có biết gì về thị trường âm nhạc Việt Nam, CDGuntee không ngần ngại hát một đoạn điệp khúc trong bài hát ‘See Tình’ của Hoàng Thùy Linh và cho biết bài hát này rất phổ biến trên TikTok và Instagram ở Thái Lan.

Tuy nhiên, BBC hỏi thêm nhiều bạn trẻ Thái Lan và Hàn Quốc, tất cả đều có thể hát theo giai điệu ‘tình tình tang tang’ này, nhưng không biết Hoàng Thùy Linh là ai cũng như bài hát gốc là gì.

Dường như sự nổi tiếng của ca khúc này cũng như các bài hát khác ở Việt Nam chỉ gói gọn trong một đoạn nhạc bắt tai độ vài chục giây hoặc một điệu nhảy đặc trưng, trên các nền tảng chuyên về chia sẻ clip ngắn.

Việt Nam – Thị trường nhạc số non trẻ

Ngành công nghiệp âm nhạc ở châu Á đã tăng trưởng ở mức hai con số trong năm thứ ba liên tiếp, vượt xa tốc độ tăng trưởng chung trên toàn thế giới.

Tổng doanh thu từ thị trường châu Á chiếm 22,9 % thị trường âm nhạc toàn cầu, theo số liệu mà Liên đoàn Công nghiệp ghi âm Quốc tế (IFPI – International Federation of the Phonographic Industry) công bố tháng 4/2023.

Tại Đông Nam Á nói riêng, Thái Lan là thị trường lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất, doanh thu đạt mốc hơn 100 triệu USD vào năm 2022, trong đó 90% là đến từ các nền tảng phát trực tuyến.

Trong khi đó, giá trị của thị trường nhạc số của Việt Nam là 23 triệu USD, một con số khá khiêm tốn so với Thái Lan, Philippines (70 triệu USD) và Singapore (34 triệu USD).

“Mỗi quốc gia đang ở một giai đoạn phát triển khác nhau. Philippines, Indonesia, Singapore đứng đầu về nhạc số, sau đó bạn có Thái Lan và Malaysia, còn ở Việt Nam mọi người vẫn chủ yếu nghe nhạc trên YouTube”, ông Subramaniam nói với BBC.

Có vẻ như việc kinh doanh nhạc số ở Việt Nam vẫn chưa theo kịp các quốc gia khác, bởi vấn nạn vi phạm bản quyền còn nan giải và thói quen nghe, tải nhạc miễn phí đã “ăn sâu” vào thị hiếu của đông đảo người dùng.

Tuy nhiên, với sự bùng nổ của internet và điện thoại thông minh, hình thức nghe nhạc trên các trang web trực tuyến cũng dần phổ biến hơn tại Việt Nam.

Sự xuất hiện của các nền tảng phát nhạc trực tuyến quốc tế như Apple Music hay Spotify đã dần dần tạo ra thay đổi trong thói quen nghe nhạc của người dùng nước ta – nghe nhạc có trả phí.

Đánh giá về Việt Nam, chủ tịch khu vực châu Á và Trung Đông của SME cho rằng đây là một thị trường còn non trẻ nhưng thú vị và đang phát triển nhanh chóng.

Hi vọng rằng thị trường nhạc số ở Việt Nam sẽ bước vào một kỷ nguyên mới với rất nhiều cơ hội để có thể bứt phá lớn mạnh trong những năm tới (BBC).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments