HÀ NỘI, Việt Nam – Sau gần ba năm Bộ Công An ép đa số người dân phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip, đến nay Quốc Hội Việt Nam mới họp bàn về dự luật Căn Cước.
Chuyện tréo ngoe “sinh con rồi mới sinh cha” diễn ra gần ba năm nay khi người dân bị hành lên hành xuống thì nay người ta thấy ông Tô Lâm, bộ trưởng Công An Việt Nam, nói tại một cuộc họp về dự luật Căn Cước nhằm tiến tới đổi thẻ căn cước thêm một lần nữa.
Tô Lâm, bộ trưởng Công An Việt Nam. (Hình: Zing)
Theo ghi nhận của báo Người Lao Động hôm 10 Tháng Sáu, ông Tô Lâm nói: “Ở thành phố sôi động (Hà Nội, Sài Gòn) cũng có hàng trăm ngàn người chưa có các loại giấy tờ tùy thân. Đó là những người từ nhiều vùng đất nước đến Hà Nội để kiếm sống đã hàng chục năm nay. Từ cậu bé đi đánh giày ra thành phố, lớn lên trưởng thành ở Hà Nội đến những người bán hàng rong, đi làm mướn. Cuộc sống của họ chỉ kiếm ăn qua ngày, ngủ ở nhà trọ, cầm cầu hoặc bất cứ chỗ nào đấy…”
Ông Lâm nói thêm rằng, thế hệ thứ hai của những người nhập cư tại Hà Nội, Sài Gòn “vẫn theo số phận bố mẹ, không có hộ khẩu, không có giấy tờ, không được đi học, khi lớn lên lại tiếp tục đánh giày, lại đi vào cuộc sống khó khăn như bố mẹ đã từng.”
Ông “kể khổ” không phải vì mục đích cảm thông với những người yếu thế, hoặc có đề nghị gì giúp cải thiện cuộc sống khó khăn của họ, mà chỉ vì nhóm này “gây khó khăn cho công tác quản lý” của ngành công an.
Cũng theo tờ Người Lao Động, ông Tô Lâm đặt chỉ tiêu cho công an các địa phương “phấn đấu trước ngày 30 Tháng Bảy, mọi người dân theo đúng độ tuổi quy định đều được cấp thẻ căn cước công dân.”
Hiện tại, mới chỉ có 19 trong số 63 tỉnh, thành “hoàn thành 100% việc cấp thẻ căn cước công dân.”
Sau khi ép dân phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip, Bộ Công An lại tiếp tục mở chiến dịch bắt cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại để “xuất trình thay thế thẻ căn cước.”
Theo báo Tuổi Trẻ hồi trung tuần tháng trước, VNeID là ứng dụng “định danh điện tử” nhằm tiến tới thay thế cho thẻ căn cước công dân gắn chip.
Điều oái oăm là người dân không thể tự mình hoàn tất việc cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại mà chỉ có thể làm thao tác này ở mức độ một. Sau đó, người dân phải ra đồn công an phường ở nơi mình cư trú để trình thẻ căn cước, lấy dấu vân tay, chụp ảnh, nhờ công an hỗ trợ cài đặt tiếp mức độ hai.
Một khu nhà trọ của những người lao động tự do tại Sài Gòn. (Hình: Thanh Niên)
Yêu cầu nêu trên khiến nhiều người dân thắc mắc là hình ảnh và dấu vân tay của họ đã có trên thẻ căn cước cũng như dữ liệu của công an, vậy thì tại sao lại họ phải ra đồn công an lần nữa cho việc này.
Trong khi đó, Công An Hà Nội đặt mục tiêu đến 14 Tháng Mười, bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức, người dân “có tài khoản định danh điện tử, tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia và cài đặt ứng dụng (app) VneID.” (N.H.K – NV)