Tuesday, July 2, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnPhân TíchTruyền hình Việt ngữ hải ngoại: Mặt trận không yên tĩnh (1)

Truyền hình Việt ngữ hải ngoại: Mặt trận không yên tĩnh (1)

Vũ Đình Trọng

Ngay từ khi đặt chân đến Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản đã cùng chung sức khai phá ngành truyền thông Việt ngữ, với mục đích gìn giữ văn hóa, là cầu nối cho người Việt tỵ nạn khắp nơi. Thế hệ truyền thông đầu tiên gồm một số nhà báo, nhà văn, nhà thơ, đã hoạt động trong ngành truyền thông trước 1975. Lúc đầu, họ chỉ “mong làm báo chừng 5, 7 năm thôi, đến khi tiếng Việt không còn nữa thì nghỉ”, như lời chia sẻ của cố ký giả Ngọc Hoài Phương.

Điều không ai ngờ là ngành truyền thông hải ngoại ngày càng phát triển, cả số lượng và phẩm chất. Quận Cam (California) từng có bốn tờ nhật báo, hơn 10 tuần báo, nguyệt san và bán nguyệt san. Về truyền thanh, ngoài ba đài lớn như Little Saigon Radio, Radio Bolsa, VNCR, còn có một số đài khác, với thời lượng phát thanh từ 2 đến 6 tiếng một ngày, kể cả cuối tuần.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của báo chí Việt ngữ đã qua. Hiện nay chỉ còn tờ Người Việt là ra báo hàng ngày, đúng nghĩa “nhật báo”, còn ba tờ “nhật báo” khác (Việt Báo, Viễn Đông, Việt Mỹ) không chỉ rút lại số lượng phát hành, mà còn bớt lại một số ngày ra báo. Một số tờ báo tuần cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” – tiền quảng cáo không đủ chi phí in – nên đành đóng cửa, hoặc thu gọn nhân sự lại, sống lây lất…

Ngược lại với sự đi xuống của báo chí và radio, các hệ thống truyền hình dù xuất hiện trễ hơn, chí phí hoạt động tốn kém hơn, nhưng lại có những bước phát triển mạnh, nhất là giai đoạn sau này, khi các băng tần analog được chuyển sang digital.

Nhìn vào bề nổi, nhiều người cho rằng đây là một bước phát triển vượt bực của truyền thông hải ngoại, với hơn 20 đài truyền hình digital địa phương. Thế nhưng, cho dù “trăm hoa đua nở”, nhưng không phải hoa nào cũng đẹp và cũng thơm, khi một số đài truyền hình không khác gì gánh “sơn đông mãi võ”, một vài đài xác định “chỉ làm thương mại”… Các đài truyền hình nói riêng và ngành truyền thông của người Việt hải ngoại hiện tại đứng trước một thử thách khắc nghiệt: Làm thế nào để tồn tại, khi “mặt trận truyền thông” chưa bao giờ yên tĩnh?

Những nền móng truyền thông đầu tiên trên đất Mỹ

Nhóm người Việt tỵ nạn đầu tiên đặt chân đến trại Pendleton, miền Nam California vào tháng Năm 1975. Cuộc sống mới bắt đầu rất khó khăn, thế nhưng chỉ đến Tháng Mười Một, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan cùng một số nhà báo, nhà văn từng hoạt động trong nước, xuất bản tờ nguyệt san Hồn Việt, phát hành khắp Hoa Kỳ. Một số người đặt nền móng cho ngành truyền thông người Việt hải ngoại gồm có: Nguyễn Hoàng Đoan (chủ nhiệm), Nguyễn Văn Quang và Trọng Viễn (phụ tá chủ nhiệm), nhà báo Du Miên (giám đốc kỹ thuật),… Nhà văn Nguyễn Tất Điều là Tổng Thư Ký đầu tiên, sau đó là nhà báo Đỗ Ngọc Yến.

Theo cố ký giả Ngọc Hoài Phương, “Sau tờ Hồn Việt, ngày 6 Tháng Hai năm 1976, tuần báo Trắng Đen do nhà báo Việt Định Phương làm Chủ Nhiệm ra đời, với hai người phụ giúp: Nhà văn Tử Vi Lang là Phụ tá Chủ Nhiệm, nhà báo Thế Linh làm Tổng Thư Ký, tôi (Ngọc Hoài Phương) và Thế Phương làm phụ tá Tổng Thư Ký”.

Năm 1978, nhóm Hồn Việt quyết định ra tuần báo Người Việt Cali, giao cho hai nhà báo Đỗ Ngọc Yến và Du Miên phụ trách. Sau đó, dựa trên nền móng tuần báo Người Việt Cali, hai nhà báo Đỗ Ngọc Yến và Du Miên quyết định đổi tên thành Người Việt. Sau một thời gian hoạt động, tờ tuần báo Người Việt trở thành tờ nhật báo Người Việt vào năm 1985, hoạt động cho đến ngày nay, và trở thành tờ nhật báo lớn nhất không chỉ của người Việt ở Mỹ mà còn ở hải ngoại nói chung.

Có thể nói, Nguyệt san Hồn Việt, và sau này là Nhật báo Người Việt, đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành truyền thông người Việt hải ngoại, để từ đó một số tờ báo khác ra đời như tuần báo Sài Gòn của nhà báo Du Miên (1978); tờ Chí Linh của nhà báo Trọng Viễn (1978); nhà thơ Du Tử Lê là chủ nhiệm các báo Nhân Chứng, Tay Phải, và Văn nghệ (thập niên 1980); Nhật báo Việt Báo Kinh Tế (nhà thơ Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca); Nhật báo Viễn Đông (nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, và sau này nhà báo Tống Hoằng).

Đầu thập niên 1980, nhà báo Thế Phương mở ra hướng đi mới cho ngành truyền thông người Việt hải ngoại khi ông lấn sân qua lãnh vực truyền thanh. Tuy nhiên do khó khăn về tài chánh, đài của ông cũng không tồn tại được lâu. Năm 1980, ông Vũ Quang Ninh thành lập đài radio Tiếng Vọng Quê Hương, phát thanh ba ngày mỗi tuần, mỗi lần 1 giờ và kéo dài được ba năm. Năm 1993 ông cùng một số thân hữu như ông Đinh Xuân Thái, bà Quỳnh Trang, ông Lê Hoan,… thành lập đài Little Saigon Radio.

Năm 1997, nhạc sĩ Việt Dzũng và xướng ngôn viên Minh Phượng thành lập đài Radio Bolsa. Ngành truyền thanh của người Việt hải ngoại tiếp tục phát triển cho đến nay, sau này cộng đồng người Việt có thêm một số đài khác như Saigon Radio Hải Ngoại, Mẹ Việt Nam, v.v…

Hai ngành truyền thông này (báo giấy và phát thanh) cung cấp nhiều tin tức cần thiết cho người Việt định cư tại Nam California những năm đầu tiên, góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ văn hóa Việt, giúp sức cho công cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền trong nước. Từ đó đến nay, dù rất muốn nhưng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn không thể có một tờ báo hay một đài phát thanh riêng nào để thao túng cộng đồng và thực hiện nghị quyết 36 của họ.

Tuy nhiên, ngành truyền hình thì khác.

“Mặt trận không yên tĩnh”

Ngành truyền hình Việt ngữ hải ngoại góp mặt sau nhưng có nhiều bước tiến đáng kể. Năm 1987, trong hệ thống đài truyền hình địa phương (local), Little Saigon TV xuất hiện trên băng tầng 44, mở đầu cho sự khai phá của ngành truyền thông này. Chủ nhân là hai vợ chồng (lúc đó) ông Đinh Xuân Thái và bà Quỳnh Trang. Dù chỉ góp mặt một giờ mỗi ngày, Little Saigon TV nhanh chóng được cộng đồng ủng hộ qua phần tin tức và sinh hoạt cộng đồng. Vài năm sau, họa sĩ Lương Văn Tỷ mở đài Truyền Hình Văn Nghệ trên băng tầng 18 (một giờ/ngày vào hai ngày cuối tuần), nhưng cũng chỉ hoạt động trong thời gian ngắn.

Nhờ kỹ thuật digital, và cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, từ năm 2000 trở đi, ngành truyền hình có nhiều thay đổi, phát triển mạnh về số lượng đài. Năm 2002, nhạc sĩ Trúc Hồ và ca sĩ Thy Vân thành lập đài SBTN, phát hình trên hệ thống Direct TV và cable; khoảng năm 2004 trở đi, một số đài truyền hình khác ra đời như SET, VNA, Saigon TV, VBS TV, NVA TV, VietFace TV,… Đài Little Saigon TV cũng chuyển phát hình từ analog sang digital, phát hình 24/24. (CÒN TIẾP)

(Pháp luật- Vấn dề hôm nay)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments