Logo ứng dụng TikTok. Ảnh minh hoạ
Đại diện TikTok, của ByteDance (Trung Quốc) cho biết sẽ đầu tư hàng tỷ đô la vào Indonesia và Đông Nam Á trong vài năm tới.
Ông Chew Shou Zi, Giám đốc điều hành của TikTok thông báo như trên tại Diễn đàn Tác động Đông Nam Á của TikTok được diễn ra vào ngày 15/6 tại Jakarta, Indonesia và được truyền thông loan trong cùng ngày.
Ông Chew không công bố chi tiết tổng đầu tư, tuy nhiên, nói rằng, một phần của cam kết này sẽ bao gồm khoản đầu tư 12,2 triệu USD nhằm hỗ trợ hơn 120.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nhân và thanh niên trong ba năm tới. Trong đó, TikTok sẽ đầu tư vào đào tạo, quảng cáo và hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ muốn tham gia nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop.
Cũng tại sự kiện này, TikTok công bố một báo cáo cho thấy trung bình hơn 6/10 người kiếm tiền dựa trên nền tảng của TikTok thuộc chín quốc gia khu vực Đông Nam Á đang kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu. Cụ thể, hơn sáu trong số mười người sáng tạo ở Indonesia mà TikTok khảo sát đang kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu của quốc gia này. Lào hiện đứng ở vị trí cao nhất, với gần 9/10 người sáng tạo kiếm được trên mức lương tối thiểu, trong khi thấp nhất là Philippines với 4/10.
Kế hoạch đầu tư của TikTok được đưa ra khi công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc đang phải đối mặt với sự giám sát từ một số chính phủ và cơ quan quản lý vì lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng ứng dụng này để thu thập dữ liệu người dùng.
Các quốc gia bao gồm Anh, Mỹ, New Zealand… đã cấm ứng dụng này trên điện thoại của chính phủ, các động thái mà TikTok cho biết họ tin rằng dựa trên “những quan niệm sai lầm cơ bản”. TikTok cũng nhiều lần phủ nhận rằng việc chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc.
Tại Đông Nam Á, ứng dụng này chưa phải đối mặt với các lệnh cấm lớn, nhưng cũng đang trong giai đoạn bị kiểm duyệt nội dung một cách kỹ lưỡng.
Tại Việt Nam, hôm 5/6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đang trong quá trình kiểm tra TikTok và xác nhận có cơ sở về các vi phạm của nền tảng này. Việt Nam đã công bố kế hoạch kiểm tra TikTok từ giữa tháng 5 với sự tham gia của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng Cục Thuế.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông VN từng khẳng định “nếu kiểm tra phát hiện sai phạm sẽ xử lý sai phạm của nền tảng và của cá nhân liên quan”.
Ra mắt thị trường VN từ tháng 4/2019, TikTok có 50 triệu người dùng tại Việt Nam, với nội dung đặc trưng là video ngắn. Mới đây, nền tảng bổ sung TikTok Shop và nhanh chóng là một trong những dịch vụ thương mại điện tử được dùng nhiều nhất.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cho biết họ sẽ điều tra các hoạt động của TikTok vì nội dung “độc hại” trên nền tảng này gây ra mối đe dọa đối với “tuổi trẻ, văn hóa và truyền thống” (RFA).