Friday, November 22, 2024
No menu items!
spot_img
HomeKiến ThứcĐời Sống Xã HộiTị nạn, chạy bão, và nông dân ‘thứ thiệt’ ở vườn rau...

Tị nạn, chạy bão, và nông dân ‘thứ thiệt’ ở vườn rau New Orleans

Kalynh Ngô

Những người nông dân thứ thiệt của VEGGI Farmers Cooperative. (Ảnh: VEGGI Farmers)

Mỗi sáng, gia đình ông bà Thanh Nguyễn, Thăm Nguyễn; ông bà Xuân Nguyễn, Cảnh Ngô; ông Phúc Nguyễn có mặt ở nông trại VEGGI Farmers Cooperative. Họ dành gần 10 tiếng mỗi ngày ở vườn rau để tưới cây, chăm bón, thu hoạch… Họ là những nông dân “thứ thiệt” của mảnh đất rộng gần bốn arces ở New Orleans, Lousiana. 

Thiên tai và Sông CDC

Năm 2010, Louisiana chưa kịp hồi tỉnh sau cơn bão cuồng phong Katrina (2005), thì kinh tế của bang và đời sống người dân một lần nữa hứng chịu thảm họa tràn dầu BP.

Giàn khoan Deepwater Horizon của công ty BP đang hoạt động tại khu vực  khoan dò Macondo Prospect trên vịnh Mexico bị nổ, cháy và chìm. Ống dẫn dầu từ mỏ lên bị vỡ dưới đáy biển. Mỗi ngày ước lượng từ 5,000 đến 60,000 thùng dầu (40 gallons mỗi thùng) chảy ra ngoài, lẫn vào nước biển vịnh Mexico trong một khu vực rộng từ 6,500 đến 180,000 km2. Nhiều loài sinh vật biển chết hàng loạt. Cuộc sống mưu sinh của người dân các tiểu bang vùng vịnh như Louisiana, Alabama, Mississipi bị ảnh hưởng nặng nề, từ ngư nghiệp đến du lịch.

Trong đó, có cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Louisiana, không thể tránh khỏi hậu quả của thiên tai để lại.

Cộng đồng giúp đỡ cộng đồng. Đồng hương ủng hộ đồng hương. Cơ Quan Phát Triển Cộng Đồng (Sông Community Development Corporation – Sông CDC) thấy cần phải có một kế hoạch để giúp những người bị mất việc có thu nhập trở lại, ổn định cuộc sống. “Lúc đó, nhiều dự án khác nhau được đưa ra thảo luận. Nông trại rau sạch VEGGI Farmers là một trong những dự án đó,” Khải Nguyễn, giám đốc điều hành của Sông CDC kể lại trong cuộc nói chuyện qua Zoom.

Sông CDC là một tổ chức nhắm đến khu vực Village de l’Est ở phía Đông New Orleans, nơi có khoảng 10.000 người Mỹ gốc Việt và người nhập cư. Rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt văn hóa, trình độ học vấn thấp và thiếu cơ hội việc làm đã khiến cộng đồng này khó cạnh tranh trong một thị trường chính thống. Các chương trình hoạt động của Sông CDC nhằm giúp các thành viên trong cộng đồng vượt qua những rào cản này và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

“Bên cạnh những dự án như làm đường, xây dựng, nhiều người trong cộng đồng Việt thích trồng rau và các cô chú có kinh nghiệm về nghề nông. Sông CDC quyết định dùng một phần của mảnh đất rộng 4 arces để phát triển thành một nông trại, giúp các cô chú có thu nhập từ nghề nông,” Khải nói.

Năm 2010, VEGGI Farmers ra đời. “Nông dân” là những người tị nạn gốc Việt di cư sang Mỹ từ năm 1975.

Những nông dân thứ thiệt

Được Khải sắp xếp hẹn trước, vợ chồng ông bà nông dân Thanh Nguyễn và Thăm Nguyễn từ nông trại cách đó chưa đến 15 phút chạy xe, đến văn phòng Sông CDC gần giờ trưa. Vẫn còn nguyên trang phục nhà nông trên người, mồ hôi còn đẫm ướt trên trán, nhìn ông bà đúng chất của gia đình nông dân “thứ thiệt.”

Ông bà đến với nhau đã 59 năm, có với nhau 14 người con. Bà Thăm Nguyễn, năm nay 78 tuổi, nói, “Chúng tôi là thuyền nhân, sang Mỹ năm 1975 và đến New Orleans này năm 1976, ở đến bây giờ.” Như những gia đình tị nạn khác, họ làm việc rất vất vả để sinh tồn. Theo lời bà Thăm, vợ chồng bà đều đi làm hãng xưởng suốt 20 năm. Khi gần nghỉ hưu thì thiên tai ập đến. Lục lội khắp nơi. Công việc không còn. Ông lại thêm bệnh đau nhức, kết quả của những năm dài lao động nặng nhọc.

Ông Thanh Nguyễn, 81 tuổi, ngồi cạnh bà, ít nói, thỉnh thoảng gật đầu tỏ vẻ đồng ý với những gì vợ mình vừa kể. Khi nhắc đến nông trại rau, ông linh hoạt hẳn. Ông kể tên những loài rau hiện có trong vườn, như các loại xà lách, rau muống, nhiều loại rau thơm, bầu, bí, mướp, cà chua…

Một nông dân khác của VEGGI Farmers là ông Phúc Nguyễn. Cố quốc của ông ở thị trấn Mành Sơn, Nghệ An. Ông cùng gia đình di cư đến Philadelphia năm 1975. Sau đó, năm 1978, ông chuyển về New Orleans cho đến nay. Mọi người ở thành phố New Orleans gọi ông là “Chú Phúc.” Là một thợ cơ khí về hưu, giờ ông cũng là nông dân “thứ thiệt” của vườn rau VEGGI Farmers.

Nông dân mới nhất gia nhập vườn rau là vợ chồng ông bà Xuân Nguyễn và Cảnh Ngô. Ông bà đến Mỹ năm 2016. Bà Xuân Nguyễn lớn lên trong một gia đình có truyền thống đi biển. Ông Cảnh Ngô lại là “truyền nhân” của gia đình theo nghề đồng áng từ năm 1954. Từ nhỏ, ông đã cùng gia đình canh tác trên mảnh ruộng rộng năm mẫu, trồng lúa, ngũ cốc, cà phê, ớt, cây ăn trái. Khi định cư ở New Orleans, ông bà làm công nhân hãng bóc vỏ tôm, nhưng khi biết đến VEGGI Farmers và “cộng đồng nông dân,” thì không có lý do gì để ngăn cản họ trở thành những thành viên trụ cột của nông trại.

Mệt nhưng vui

Sau vài phút nói chuyện, bà Thăm Nguyễn không còn bỡ ngỡ trước màn hình Zoom hiện đại, xa lạ, không chút gì giống với nông trại rau sạch bà và mọi người đối diện mỗi ngày. Ông bà phấn khởi kể về niềm vui làm nông của mình.

“Trồng rau vất vả lắm. Phải tìm mua phân sạch (organic), chăm sóc, tưới nước đủ và đúng, chăm sóc để không bị sâu, bị úng. Mệt khi khi rau mọc tươi tốt là vui lắm, quên hết mệt,” bà Thăm vừa nói vừa cười tít cả mắt.

Ông Thanh cạnh, nói thêm vào, “Mùa nào cỏ lên thì mệt hơn nữa. Mùa Hè lại khó trồng hơn mùa Đông vì trời nóng, cỏ lại mọc nhiều.” Tuy nhiên, nhờ công việc làm nông, “chơi” với cây cỏ mỗi ngày mà bệnh đau nhức của ông cũng giảm nhiều. “Ra vườn rau là quên hết vất vả, thấy vui, một ngày qua rất nhanh,” ông nói.

Người nông dân Phúc Nguyễn cũng thế. Phương châm sống của ông, một kỹ sư cơ khí là: “Hãy luôn giữ cho động cơ vận hành. Nếu một động cơ mà ngưng thời gian dài, nó sẽ không thể hoạt động lại như cũ. Tôi thích lúc nào cũng làm việc.” Đó là một trong nhiều lý do ông yêu công việc làm nông ở VEGGI. Khi không làm việc đồng áng, ông dành hết thời gian với các cháu của mình và tham gia tích cực hội Mary Queen of Vietnam, nơi ông là một thừa tác viên Thánh Thể.

Đồng hương ủng hộ đồng hương

Khi cộng đồng giúp đỡ cộng đồng thì đồng hương cũng sẵn sàng giúp đỡ đồng hương. Theo lời của Khải, thành phố New Orleans chỉ có hai nông trại thường xuyên bán rau cho các nhà hàng và chợ trời (sáng Thứ Ba và chiều Thứ Năm mỗi tuần). Khải và các thành viên của Sông CDC là người “lo vòng ngoài.” Sau khi các nông dân của nông trại rau thu hoạch, làm sạch, gói kỹ lưỡng, Khải và các bạn nhận nhiệm vụ mang đến bán cho các nhà hàng trong vùng, hoặc bán ở chợ trời.

“Khách mua ở chợ trời đều biết rau trồng là rau sạch, là sản phẩm của địa phương. Nhiều chủ bếp nhà hàng cũng biết như thế. Các bác làm kỹ, chất lượng cao, nên giá cao hơn siêu thị một chút mọi người cũng chấp nhận,” Khải nói.

Trang Facebook của VEGGI Farmers cho thấy họ được đón nhận rất nhiều sự ủng hộ của cộng đồng và người dân địa phương. Những nhà hàng trong thành phố kêu gọi người dân hãy đến chợ trời mỗi tuần để mua rau sạch của VEGGI Farmers, vì đó là sản phẩm sạch của địa phương.

Gần đây, nhiều người biết đến chương trình và nông trại VEGGI Farmers nên mỗi tháng ít nhất có một nhóm đến thăm. Họ được những người nông dân “thứ thiệt” của thành phố New Orleans tận tình chỉ dẫn cách gieo hạt, chăm sóc cây, bón phân sạch. Mùa Thu năm nay, có thể Sống CDC sẽ tổ chức một chương trình lớn hơn, dạy cho những ai yêu thích nghề nông cách giữ và gieo hạt giống.

Cuộc trò chuyện với những nông dân của VEGGI Farmers kết thúc bằng câu nói của Khải: “Nếu không có kinh nghiệm làm nông của các bác, thì dự án rau sạch VEGGI sẽ không thành công được.”

Nếu trong chúng ta ai có cơ hội đến thành phố “Big Easy” New Orleans, thưởng thức món rau muống sạch, hãy nói lời cảm ơn tới những người nông dân này “thứ thiệt” này!

(Cộng đồng người Việt trên thế giới)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments