Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiThủ lĩnh Wagner nói không có ý định lật đổ nhà nước...

Thủ lĩnh Wagner nói không có ý định lật đổ nhà nước Nga

Thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga Yevgeny Prigozhin rời trụ sở Quân khu phía Nam giữa lúc binh sĩ tập đoàn này rút khỏi thành phố Rostov-on-Don, Nga, ngày 24/6/2023.

Thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga ngày 26/6 phá vỡ sự im lặng, hai ngày sau khi ông lãnh đạo một cuộc binh biến bị hủy bỏ, nói rằng ông ta chưa bao giờ có ý định lật đổ chính phủ trong khi đưa ra một số manh mối về số phận của ông hoặc về thỏa thuận rút lui mà ông ta đã thực hiện.

Trong bài phát biểu công khai đầu tiên kể từ lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông vào tối ngày 24/6 khi rút lui khỏi thành phố mà Wagner chiếm đóng, ông Yevgeny Prigozhin cho biết các chiến binh của ông đã dừng chiến dịch của họ để ngăn đổ máu.

“Chúng tôi vào để chứng tỏ sự phản đối, không phải để lật đổ chính phủ của đất nước”, ông Prigozhin nói trong một thông điệp âm thanh dài 11 phút được công bố trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

“Cuộc đổ bộ của chúng tôi chứng tỏ nhiều điều mà chúng tôi đã thảo luận trước đó: những vấn đề nghiêm trọng về an ninh trong nước.”

Ông nói mục tiêu của ông là ngăn chặn sự hủy diệt lực lượng dân quân Wagner của ông và buộc các chỉ huy phải chịu trách nhiệm đã làm hỏng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Ông cho biết các chiến binh của ông không tham chiến trên bộ ở Nga, và lấy làm tiếc khi phải bắn hạ máy bay Nga đã nã đạn vào họ.

“Chúng tôi dừng lại ngay lúc đơn vị tấn công đầu tiên triển khai pháo binh (gần Moscow), tiến hành trinh sát và nhận ra rằng rất nhiều máu sẽ đổ”.

Ông không đề cập đến nơi ở hoặc kế hoạch tương lai của chính mình, và không tiết lộ thêm chi tiết nào về thỏa thuận bí ẩn khiến cuộc binh biến của ông phải dừng lại. Vào ngày 24/6, ông nói ông sẽ đến Belarus theo một thỏa thuận do tổng thống Belarus làm trung gian.

Vụ việc chưa kết thúc

Ông Prigozhin đã gây chấn động thế giới khi lãnh đạo cuộc nổi dậy vũ trang hôm 24/6, rồi đột ngột hủy bỏ khi các chiến binh của ông tiếp cận thủ đô sau khi bắn hạ một số máy bay mà không gặp phải sự kháng cự nào trên bộ trên quãng đường dài gần 1.000 km.

Ba hãng thông tấn chính của Nga đưa tin hôm 26/6 rằng vụ án hình sự chống lại ông Prigozhin vẫn chưa được khép lại, một sự đảo ngược rõ ràng về đề nghị miễn trừ được công khai như một phần của thỏa thuận đã thuyết phục ông ta rút lui.

Ông Putin chưa nói gì thêm về cuộc nổi dậy kể từ hôm 24/6, khi ông tuyên bố cuộc nổi dậy đe dọa sự tồn tại của nước Nga và thề sẽ trừng phạt những kẻ đứng đằng sau.

Ông Mikhail Mishustin, người lãnh đạo nội các của Putin với tư cách là thủ tướng được bổ nhiệm, thừa nhận rằng Nga đã phải đối mặt với “thách thức đối với sự ổn định của mình” và kêu gọi lòng trung thành của công chúng.

“Chúng ta cần cùng nhau hành động, như một đội và duy trì sự thống nhất của tất cả các lực lượng, tập hợp xung quanh tổng thống”, ông nói trong một cuộc họp của chính phủ được truyền hình.

Nhà chức trách cũng công bố video cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu ngồi trên một chiếc máy bay và nghe báo cáo tình hình, nhưng không có bằng chứng về thời điểm quay phim.

Một trong những yêu cầu chính của ông Prigozhin là cách chức ông Shoigu, cùng với vị tướng hàng đầu của Nga, người mà đến tối 26/6 vẫn chưa xuất hiện trước công chúng kể từ cuộc binh biến.

Vãn hồi trật tự

Các quan chức Nga đã tìm cách làm dịu tình hình. Ủy ban Chống Khủng bố Quốc gia Nga cho biết tình hình ở nước này ổn định. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin, người đã yêu cầu người dân ở trong nhà hôm 24/6 khi các chiến binh nổi loạn tiến đến trong phạm vi cách thủ đô vài trăm km, cho biết chấm dứt tình trạng an ninh ở cấp độ chống khủng bố.

Các chính phủ nước ngoài, cả thân thiện và thù địch với Nga, đều đang dò dẫm tìm câu trả lời cho những gì đã xảy ra đằng sau hậu trường và những gì có thể xảy ra tiếp theo.

Đồng minh của Nga là Trung Quốc, nơi một nhà ngoại giao cấp cao của Nga đến thăm hôm 25/6, cho biết họ ủng hộ Moscow trong việc duy trì ổn định quốc gia.

Ukraine và các đồng minh phương Tây nói tình trạng hỗn loạn đã bộc lộ những rạn nứt trong nước của ông Putin.

“Hệ thống chính trị đang bộc lộ những điểm yếu và sức mạnh quân sự đang rạn nứt”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên hiệp châu Âu Josep Borrell nói với các phóng viên ở Luxembourg khi ông đến dự cuộc họp với các bộ trưởng từ khối 27 thành viên.

Hãng thông tấn TASS đưa tin, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết các cơ quan tình báo của Nga đang điều tra xem liệu các cơ quan gián điệp phương Tây có đóng vai trò nào trong cuộc binh biến bất thành hay không.

Trong bài phát biểu trên truyền hình khi mọi chuyện diễn ra hôm 24/6, ông Putin đã đưa ra những điểm tương đồng với sự hỗn loạn năm 1917 dẫn đến cuộc cách mạng Bolshevik.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người đã nói chuyện với các đối tác G7 và EU vào ngày 24/6, cho rằng tình trạng hỗn loạn này có thể mất nhiều tháng để giải quyết.

Ông Prigozhin, 62 tuổi, một đồng minh cũ của ông Putin và là cựu tù nhân có lực lượng đã chiến đấu trong những trận chiến đẫm máu nhất trong cuộc chiến kéo dài 16 tháng ở Ukraine, đã bất chấp mệnh lệnh trong tháng này về việc đưa đội quân của ông nằm dưới quyền chỉ huy của Bộ Quốc phòng.

Ukraine hy vọng sự hỗn loạn do cuộc binh biến gây ra sẽ làm suy yếu khả năng phòng thủ của Nga khi Kyiv tiếp tục phản công, bắt đầu từ đầu tháng này để chiếm lại lãnh thổ mà Moscow tuyên bố đã sáp nhập.

Hôm 26/6, Ukraine nói các lực lượng của họ đã chiếm lại ngôi làng nhỏ phía nam Rivnopil, ngôi làng thứ chín mà Ukraine cho biết đã chiếm lại kể từ khi phát động cuộc phản công, và là ngôi làng đầu tiên sau hơn một tuần. Nga thì tuyên bố rằng đã đánh lùi các cuộc tấn công của Ukraine (VOA).

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments