Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img
HomeThế GiớiThảm kịch nổ tàu Titan và đắm tàu Hy Lạp: Đâu là...

Thảm kịch nổ tàu Titan và đắm tàu Hy Lạp: Đâu là giá trị cuộc sống?

Bức tranh có nội dung: ‘Cầu nguyện cho Titan’

Hàng tỷ người trên khắp thế giới đã theo dõi sứ mệnh giải cứu nhằm xác định vị trí của một chiếc tàu ngầm du lịch, chở năm người, bị mất tích trong chuyến thám hiểm đến con tàu Titanic huyền thoại.

Hình ảnh của những hành khách đã trả 250.000 USD mỗi người để lên tàu lặn Titan đã được chia sẻ trên toàn cầu.

Công chúng bị thu hút bởi mọi thông tin được cập nhật từ lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ và các trang tin tức phát trực tiếp đang thu hút lượng truy cập lớn. Các cuộc phỏng vấn trước đây cho thấy con tàu Titan, do công ty du lịch OceanGate điều hành, trông như thế nào bên trong liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế.

Nhưng tại sao so với những câu chuyện “mất tích trên biển” khác, câu chuyện này lại tỏ ra hấp dẫn đến vậy?

Phóng viên tiếng Urdu của BBC, Saher Baloch, ở Islamabad, đã theo dõi cuộc tranh luận trên mạng xã hội ở Pakistan về chủ đề này.

Khi những chi tiết về chiếc tàu lặn mất tích xuất hiện, người dùng mạng xã hội ở Pakistan không thể không nhận thấy sự khác biệt trong cách xử lý câu chuyện này so với một thảm kịch khác trên biển.

Để tóm tắt, đó là câu chuyện về một chiếc thuyền đánh cá chở khoảng 700 người nhập cư đã bị chìm ngoài khơi miền nam Hy Lạp vào ngày 14/6, một trong những thảm họa di dân tồi tệ nhất ở châu Âu.

Những người sống sót cho biết có thể có tới 100 trẻ em đã ở trên con thuyền và ít nhất 78 người đã được xác nhận là đã chết.

Nhưng hàng trăm người khác vẫn đang mất tích trên biển.

Lực lượng cảnh sát biển Hy Lạp tuyên bố con thuyền đang trên đường đến nước Ý và không cần được giải cứu, nhưng BBC đã thu được bằng chứng khiến người ta nghi ngờ về câu chuyện này.

Phân tích chuyển động của các tàu khác trong khu vực cho thấy chiếc tàu đánh cá quá tải đã không di chuyển trong ít nhất 7 giờ trước khi bị lật. Các nhà chức trách Hy Lạp chưa phản hồi về phát hiện của BBC.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch Thượng viện Pakistan cho biết 300 công dân Pakistan đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu, vì vậy vụ việc đã trở thành một chủ đề được bàn luận rất nhiều ở nước này.

Mặt khác, tàu ngầm Titan với 5 hành khách bên trong đã mất liên lạc với tàu hỗ trợ sau 1 giờ 45 phút lặn xuống biển. Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ cho biết họ đã nhận được thông báo 8 giờ sau đó, và một chiến dịch giải cứu quy mô lớn đã được triển khai với sự tham gia của không chỉ chính quyền Hoa Kỳ mà cả Canada và Pháp.

Theo tin tức mới nhất, cả năm người ‘đã chết’ dưới biển sau khi đội cứu hộ tìm thấy nhiều mảnh vỡ của tàu Titan.

Trong quá trình nỗ lực xác định vị trí chiếc tàu lặn mất tích, mạng xã hội tràn ngập bình luận và ý kiến về cả hai vụ việc. Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào sự khác biệt trong cách xử lý thông tin.

Đối với Farah Zia, giám đốc Ủy ban Nhân quyền Pakistan, lẽ tự nhiên là câu chuyện con tàu ngầm sẽ thu hút các báo đài.

“Trên khắp thế giới, khi một thảm kịch xảy ra với người giàu, điều đó rất quan trọng, bởi vì người ta quan tâm đến cuộc sống của họ. Vì vậy, dĩ nhiên các phương tiện truyền thông cũng đưa tin về họ,” bà nói với BBC.

Nhưng bà cảm thấy rằng cuộc tranh luận này có thể tạo cơ hội kịp thời cho các phương tiện truyền thông toàn cầu “xem xét và tìm kiếm những tiếng nói đa chiều”.

Các nhà bình luận khác chỉ trích về phản ứng khác biệt đối với hai sự kiện.

Người dùng Twitter Maryam đã viết rằng “sự khác biệt giữa các hoạt động cứu hộ quốc tế và việc báo chí đưa tin về những vị khách du lịch giàu có trong chuyến thám hiểm tàu ngầm và sự thiếu thốn đối với những người di cư nghèo khó trên một chiếc thuyền bị lật cho bạn biết mọi thứ về thế giới chúng ta đang sống”.

Nhưng nhà bình luận kiêm nhà báo Zarrar Khuhro lại nghĩ khác.

“Tôi nghĩ rằng sau bất kỳ bi kịch nào, bạn đồng thời có thể nhìn thấy điều tốt nhất và cũng là điều tồi tệ nhất mà nhân loại mang đến,” ông viết.

Nói về vụ thuyền chở đầy người di cư bị chìm ngoài khơi Hy Lạp, ông Khuhro nói: “Chúng ta thấy hành vi đáng trách của lực lượng cảnh sát biển Hy Lạp ở thời điểm đó. Nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình ở Athens. Vì vậy, đó có lẽ là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến một cuộc biểu tình lớn như vậy để lên án những thiệt hại của những người di cư.”

Cũng có tin tức về một “siêu du thuyền” ở Địa Trung Hải đã nghe thấy tín hiệu cấp cứu và lao đến trợ giúp.

“Mạng xã hội mang đến cho mọi người khả năng trở thành phiên bản tồi tệ nhất của họ. Họ cảm thấy mình có thể nói bất cứ điều gì mà không phải chịu hậu quả”, nhà báo Zarrar Khuhro nói.

“Giống như chúng ta thấy mọi người đổ lỗi cho những người di cư về cái chết của chính họ và nói rằng ‘Ai bảo bạn đến và tại sao bạn lại mạo hiểm như vậy?’, giờ chúng ta thấy điều tương tự xảy ra với chiếc tàu lặn,” ông nói.

“Có những người nói rằng chỉ vì những người này giàu có nên bằng cách nào đó họ xứng đáng với số phận của mình. Hoặc rằng họ không đáng nhận được bất kỳ sự cảm thông nào… Điều này hoàn toàn đáng trách.”

Hiện đang có một cuộc thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội về việc có “sự phân chia giai cấp rõ ràng”, nhưng cuộc trò chuyện sau đó quay trở về chủ đề cuộc sống của con người.

Như một nhà bình luận đã viết trên Twitter: “Một sự tương phản rõ rệt nhưng những bi kịch lại rất giống nhau.”

“Có vẻ như mọi người trên mạng xã hội đang mong một đứa trẻ 19 tuổi chết một cách đau đớn trên tàu lặn. Tại sao? Chỉ vì cha của cậu ta giàu có? Những người đó hợp lại cũng không thể giúp được một phần trăm dân số mà gia đình Dawood qua nhiều thế hệ đã giúp đỡ, ông Zarrar nói.

Cuối cùng, nhà bình luận nói rằng đây không phải là một thế giới lý tưởng: “Ví dụ như khi Nhà thờ Đức Bà ở Pháp bốc cháy, việc tân trang lại công trình này được huy động từ khắp nơi trên thế giới.

– Điều đó có xảy ra khi một thảm họa thiên nhiên xảy ra ở một nước đang phát triển không? Không.

– Chúng ta có nên cảm thấy tồi tệ về chuyện đó?

– Chắc chắn.

– Điều đó sẽ thay đổi chứ?

– Không.”

Những gì chúng ta biết về vụ nổ tàu ngầm Titan:

  • Tàu ngầm có 5 hành khách mang tên Titan, do công ty OceanGate điều hành, cung cấp các chuyến thám hiểm tới xác tàu Titanic với mục đích “thương mại và nghiên cứu”
  • Những hành khách trên tàu bao gồm giám đốc điều hành OceanGate, một doanh nhân người Pakistan gốc Anh và cậu con trai 19 tuổi của ông, một nhà thám hiểm người Pháp được mệnh danh là “Ngài Titanic” và một tỷ phú người Anh.
  • Vé vào khu vực xác tàu đắm dưới đáy biển Đại Tây Dương có giá 250.000 USD
  • Titan mất liên lạc với tàu hỗ trợ trên mặt biển vào ngày 18/6, ngay sau khi nó bắt đầu lặn xuống
  • Các cơ quan của Mỹ, Canada và Pháp phối hợp với nhau trong nhiệm vụ giải cứu
  • Âm thanh dưới đáy biển được phát hiện trong khu vực tìm kiếm, nhưng không biết chúng đến từ đâu hoặc chúng có thể là gì.
  • Sáng 22/6, lực lượng tìm kiếm cho biết đã tìm thấy những mảnh vỡ được cho là từ tàu ngầm Titan
  • Ngày 22/6, những hành khách được công bố là đã thiệt mạng và con tàu Titan đã bị “ép bẹp” vì áp suất ở độ sâu vài km dưới mặt biển (BBC).

10.

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments