Sunday, July 7, 2024
No menu items!
spot_img
HomeKiến ThứcSoraya, Hoàng Hậu sầu muộn của Ba Tư 

Soraya, Hoàng Hậu sầu muộn của Ba Tư 

Những Đệ Nhất Phu Nhân Trong Lịch Sử (tiếp theo):

Soraya, Hoàng Hậu sầu muộn của Ba Tư 

Soraya là con gái đầu lòng của Khalil Esfandiary Bakhtiary, một nhà quý tộc và là Đại Sứ của Iran tại Tây Đức. Mẹ là Eva Karl, người Đức sinh bên Nga. Soraya sinh ở bệnh viện truyền giáo Anh ở Isfahan. Soraya lớn lên ở Berlin và Isfalhan, đi học ở Anh Quốc và Thụy Sĩ.

 Năm 1948, Soraya được giới thiệu với vua Mohammed Reza Pahlavi vừa mới ly hôn. Họ đính hôn và nhà vua tặng cho bà một chiếc nhẫn kim cương 22 carat. Đám cưới diễn ra ở lâu đài Marble, ở Teheran, Iran ngày 12/2/1951.

 Mặc dù, nhà vua tuyên bố không nhận quà cưới của khách chỉ yêu cầu họ cho tiền một hội từ thiện giúp người nghèo, nhưng trong số các quà cưới có một chiếc áo khoác lông chồn đắt tiền và một bộ bàn viết có cẩn kim cương đen của Stalin, một cái ly Bowl of Legends của nhà sản xuất Steuben Glass, thiết kế bởi Sidney Waugh do Tổng Thống Reagan và phu nhân tặng, một chân đèn nến xứ Georgia của vua George Đệ Lục và hoàng hậu Elisabeth. Có đến 2000 khách mời dự tiệc cưới. Một chiếc máy bay từ Hòa Lan chở 1,5 tấn hoa lan, hoa tulip và hoa cẩm chướng đến để trang hoàng tiệc cưới. Để giải trí, một đoàn xiệc từ Rome đến trình diễn cho quan khách xem. Cô dâu mặc một chiếc áo dài dát bạc, đính kim cương và lông chim marabou stork quý hiếm của miền Nam sa mạc Sahara, Bắc Phi do nhà Christian Dior thiết kế. Ai cũng nghĩ rằng Soraya là tình yêu thật sự của vua Pathlavi.

 Nhưng giai cấp tăng lữ Hồi Giáo không hài lòng cuộc tình duyên này. Họ cho rằng nhà vua không nên cưới cô gái lai Âu này vì cô ta không được giáo dục theo Hồi Giáo. Cả mẹ và các chị em gái của vua cũng ghen tị với Soraya vì cho rằng nàng đã giành hết tình yêu của vua. Họ liên tục sỉ nhục Soraya. Còn nàng thì không ưa Ernest Perron, bạn thân và thư ký riêng của chồng. Nàng cho rằng ông ta là người đồng tính và đang quyến rũ nhà vua.

 Để quên những phiền muộn chung quanh, Soraya thường đi thăm bệnh viện, cô nhi viện, các hội từ thiện, các gia đình nghèo. Nàng tỏ ra rất thích thành phố Paris, mô tả những ngày sống ở đó, đi xem xi nê, uống một ly nước đá chanh ở mái hiên một quán rượu… thật là tuyệt vời. Nàng nói khi còn đi học ở Âu Châu thoải mái hơn những học sinh ở Iran với đồng phục xám, ngồi trong những lớp học nóng như hỏa lò đầy khói và ô nhiễm, học bài, làm bài và lao động đến kiệt sức.

 Tháng 10 năm 1954, nhà vua và Soraya đi Mỹ để nhờ các bác sĩ chữa trị bệnh hiếm muộn của nàng. Bác sĩ cho biết nàng không thể có con vì bị sốc, trầm cảm trong thời gian sống trong cung điện. Nhà vua an ủi nàng bằng cách dẫn nàng đi viếng San Francisco, Hollywood, trượt tuyết ở Sun Valley, trượt nước ở Miami Beach…

 Soraya rất ngưỡng mộ các tài tử điện ảnh Hollywood. Nàng rất vui khi gặp gỡ Grace Kelly. Lauren Bacall, Esther Williams, Humbrey Bogart… Hình hoàng hậu Soraya mặc áo tắm hai mảnh khi đi trượt nước ở Miami làm đám tăng lữ Hồi Giáo Iran nổi giận vì đối với họ người phụ nữ Hồi Giáo không được ăn mặc như vậy.

 Vua Pahlavi không có con trai mà chỉ có đứa con gái với vợ trước. Ông đề nghị với Soraya cho ông cưới vợ lẻ để hy vọng có người kế vị nhưng nàng không chịu. Mẹ của vua ép ông ly dị Soraya. Vua khuyên Soraya rời Iran để ông vận động “Hội Đồng Các Nhà Thông Thái” (Hội đồng các lãnh đạo cao cấp Hồi Giáo) sửa đổi hiến pháp cho phép vua nhường ngôi cho em trai. Dù được chồng hứa như thế, nhưng Soraya biết vua đã trở mặt với nàng.

 Soraya rời Iran tháng 2 năm 1958 đi Cologne, Đức ở nhà cha mẹ ruột. Dù nhà vua gởi cậu nàng sang Đức mời nàng trở về Iran, nàng từ chối không chịu làm hoàng hậu khi vua cưới vợ hai. Ngày 5 tháng 3 năm 1958, nhà vua điện thoại cho nàng ra điều kiện nếu nàng không chấp nhận cho ông lấy thêm vợ thì ông sẽ ly dị nàng. Sau này, trong hồi ký, Soraya viết rằng vua Pahlavi chuộng ngai vàng hơn tình yêu khác với công tước Windsor hy sinh ngai vàng cho tình yêu.

 Ngày 21 tháng 3 năm 1958, ngày Tết của Iran, nhà vua tuyên bố ly dị Soraya trên đài phát thanh và truyền hình. Thủ tục ly dị chính thức được thực thi ngày 6/4/1958. Trong một tuyên bố gởi cho nhân dân Iran, Soraya nói rằng nàng chấp nhận ly dị nhà vua vì quyền lợi của quốc gia và phúc lợi của nhân dân với ý muốn của nhà vua.

 Vua Pahlavi đền bù cho Soraya bằng một căn hộ cao cấp ở Paris trị giá 3 triệu đô la, tiền sinh hoạt 7000 đô la một tháng với nhiều đồ vật quý giá như một xe Rolls-Royce Phantom IV đời mới, một chiếc Mercedes-Benz 300 SL, một viên hồng ngọc Bảo Gia Lợi, một cây trạm của nhà Van Cleef & Arpels và một chiếc nhẫn nhận một hột kim cương nặng 22,37 carat mà sau khi Soraya qua đời bán đấu giá được trên 800 ngàn đô la.

 Sau khi ly dị, Soraya có liên hệ tình cảm với một vài người ở Đức trước khi đến sống ở Paris. Nơi đây nàng đóng một số phim và trở thành người tình của giám đốc sản xuất phim Ý tên Franco Indovina, ông này sau đó mất trong một tai nạn máy bay.

 Năm 1979, cách mạng Hồi Giáo lật đổ vua Plahlavi và thành lập nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Khi cựu hoàng hấp hối vì bệnh ung thư, hai người có điện thoại cho nhau và cùng bày tỏ vẫn còn yêu nhau. Soraya hứa đến thăm chồng cũ nhưng khi nàng chuẩn bị đi Cairo nơi nhà vua đang sống lưu vong thì nhà vua qua đời.

 Soraya qua đời năm 69 tuổi trong căn hộ ở Paris. Tang lễ nàng tại nhà thờ American Cathedral ở Paris được nhiều nhà quý tộc đến tham dự. Thiên tình sử đẫm lệ của người đẹp Soraya và vua Pahlavi của xứ Ba Tư đã là đề tài của nhiều tác phẩm văn chương và điện ảnh trên thế giới.

(Lịch sử- Sự kiện)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments