GS Nguyễn Tuấn
Tại Úc, khoa học (diễn giải xác suất) đưa bà Folbigg vào tù và cũng chính khoa học (giải mã đột biến gen CALM2) đã minh oan cho bà. Bà Kathleen Folbigg năm nay đã 55 tuổi bị tù giam cả 20 năm trời về tội cố sát 4 người con của bà, và ngày hôm qua (5/6/2023) bà được ân xá và trả tự do khi có bằng chứng mới cho thấy các con của bà bị chứng đột tử vì đột biến gen CALM2.
Năm 2003, Kathleen Folbigg, lúc đó đã 36 tuổi, bị toà án Úc kết tội giết 4 người con trong thời gian 1989 đến 1999. Bốn người con đều chết đột ngột ở tuổi rất nhỏ, 19 ngày tuổi đến 18 tháng tuổi. Trong số đó, 2 trường hợp được chẩn đoán có nguyên nhân là Hội chứng đột tử (SIDS), còn 2 trường hợp còn lại thì không rõ nguyên nhân. Bà bị khởi tố ra toà, và bị toà tuyên phạt 40 năm tù giam.
++Chứng cớ năm 2003
Hai bằng chứng để kết án bà là cái-gọi-là ‘lý thuyết’ của Bác sĩ Roy Meadow (Anh) và nhựt ký của bà Folbigg.
‘Lý thuyết Meadow’ cho rằng đột tử hay SIDS là một hội chứng có xác suất xảy ra rất thấp (1 / 8543), do đó xác suất cả 4 ca đột tử là rất rất thấp (1 trên 18774070000000000). Suy ra, nguyên nhân tử vong không phải do SIDS. Meadow tóm tắt lý thuyết của ông như sau: một ca đột tử là một thảm trạng, hai ca đột tử là một sự nghi ngờ, và ba ca thì phải nói là sát nhân ngoại trừ chứng minh khác (one SIDS death is a tragedy, two is suspicious, and three is murder until proven otherwise.) Bồi thẩm đoàn thấy thuyết phục bởi lý luận này nên bà Folbigg bị kết án sát nhân.
Bằng chứng thứ hai là nhựt ký của bà Folbigg. Sau khi con bà tử vong, bà có ghi nhựt ký, nhưng những câu chữ trong đó không hề dễ đọc. Trước toà thì quan toà cho rằng ông hiểu những dòng nhựt ký đó như là một ‘thú tội thực tế’ (virtual confession). Khi được đề nghị để cho một chuyên gia tâm lý học giải nghĩa, quan toà nói ‘không cần.’ Thế là thêm một bằng chứng để đưa bà Folbigg vào tù.
Còn bà Kathleen Folbigg thì lúc nào cũng kêu oan và tin rằng con mình chết vì nguyên nhân tự nhiên. Bà một mực nói ‘tôi không giết con’. Lúc đó, bà không kháng án, có lẽ do không có điều kiện kinh tế và do ông chồng quyết chí đưa bà đi tù. Nhưng sau này thì bạn bè lúc thời thơ ấu của bà đề nghị phải mở lại phiên toà, nhưng nói chung là chưa có chứng cớ thuyết phục để làm như thế.
++Chứng cớ năm 2023
Cái lý thuyết của Bác sĩ Meadow thật ra chẳng phải là lý thuyết gì cả, và ông đã hiểu xác suất sai một cách nghiêm trọng. Cách ông tính xác suất dựa vào giả định rằng cả 4 trường hợp đột tử là độc lập với nhau (independent events), nhưng giả định này hoàn toàn sai. Sai là vì các ca này xảy ra TRONG MỘT GIA ĐÌNH, và do đó không thể độc lập được. Nói cách khác, các biến cố đột tử này có tương quan với nhau. Do đó, cách tính bằng cách nhân 4 xác suất với nhau là rất … bậy bạ. Sai lầm này thuộc loại sơ đẳng mà một bác sĩ không thể không biết.
Nhưng lý thuyết xác suất chỉ nói Bác sĩ Meadow sai, chứ không cho biết nguyên nhân đột tử là gì. Câu chuyện kế tiếp là gen, là di truyền học.
Năm 2019, một nhóm nhà khoa học bên Anh phát hiện một gen có tên là calmodulin 2 (CALM2) có liên quan đến chứng đột tử. Đột biến gen CALM2 (xảy ra 1/35 triệu người) sản sinh ra một protein, và protein này kiểm soát nhịp thở của chúng ta. Trẻ con mang trong người biến thể gen CALM2 có xác suất tử vong lên đến 90-99%.
Sau khi khám phá đó được công bố, một nhóm nhà khoa học Úc ở Adelaide và Melbourne phân tích mẫu máu và mô thu thập từ 4 người con và của bà Folbigg tại hiện trường. Họ phát hiện 2 người con gái của bà Kathleen mang trong người một biến thể gen CALM2. Trên thế giới đã có 2 ca CALM2 đột tử y như mô tả trong trường hợp con của bà Folbigg.
Một nhóm nhà khoa học khác thì phát hiện một biến thể của gen IDS và MYH6 có liên quan đến đột tử. Mặc dù các mối liên quan này (gen và đột tử) chưa đủ mạnh để kết luận một mối liên hệ nhân quả, nhưng nó đủ chứng cớ để có một phiên toà khác.
Một nhóm gồm 135 nhà khoa học (có cả 3 khôi nguyên Nobel) thuộc Viện hàn lâm khoa học Úc đề nghị toà án phải xem xét lại bản án trước đây. Các vị này (và nhiều nhà khoa học khác lên tiếng) nghĩ rằng bà ấy có thể đã bị hàm oan.
Một phiên toà phúc thẩm đã được diễn ra cuối tháng 11/2022. Sau đó là hàng chục phiên toà để nghe các chuyên gia về thần kinh học, di truyền học, nhi khoa, tâm lý học đưa ra chứng cớ khoa học. Ngày 5/6/2023, toà án đã đi đến phán quyết là bằng chứng kết tội bà Folbigg chưa đủ thuyết phục, và đề nghị Toàn quyền tiểu bang New South Wales ân xá cho bà. Ngay sau lệnh ân xá, bà Folbigg được trả tự do tức khắc.
Tính ra, bà đã bị giam trong tù 20 năm trời. Trạng sư của bà cho biết sẽ nộp đơn yêu cầu huỷ bỏ bản án và đòi Nhà nước bồi thường những thiệt hại cho thân chủ. Số tiền bồi thường chưa biết là bao nhiêu, nhưng có luật sư ước tính là phải lên đến hàng chục triệu đôla.
Riêng vị bác sĩ Meadow kia đã bị cấm hành nghề
Bà Kathleen Folbigg năm nay đã 55 tuổi bị tù giam cả 20 năm trời về tội cố sát 4 người con của bà, và ngày 5/6/2023 vừa qua bà được ân xá và trả tự do khi có bằng chứng mới cho thấy các con của bà bị chứng đột tử vì đột biến gen CALM2.
++Vai trò của khoa học trong toà án
Kết cục của phiên toà làm cho giới khoa học Úc hoan hỉ. Viện hàn lâm khoa học ra ngay thông cáo báo chí mà trong đó họ mô tả sự việc như là một sự thắng lợi của khoa học.
Vào năm 2003 (khi phiên toà kết án bà Folbigg) thì kỹ thuật để khám phá đột biến gen CALM2 chưa có. Lúc đó, công trình giải mã bản đồ gen chỉ mới được công bố, nên chưa có ứng dụng lập tức. Phải mãi đến hơn 10 năm sau thì với kỹ thuật hiện đại như giải trình tự gen và khoa học dữ liệu (như bionformatics) mới được ứng dụng rộng rãi. Đọc bài báo trên Neuropage mới thấy phiên toà này có sự đóng góp lớn của khoa học dữ liệu và genomics trong việc giải oan cho bà Folbigg.
Liên quan đến khoa học dữ liệu, phiên toà còn là một bài học về diễn giải xác suất. Như đề cập trên, cái sai chí mạng của Bác sĩ Meadow đã được trạng sư truy tố bà Folbigg lợi dụng triệt để. Trước phiên toà, ông trạng sư nói một cách hùng hồn rằng xác suất đột tử cả 4 ca là gần như không thể, nên suy ra là bà có tội. Khổ nỗi ông trạng sư cũng chẳng hiểu xác suất mà chỉ trích dẫn từ Bác sĩ Meadow một cách mù quáng (khó xứng đáng với tư cách của một người có học thức), và hậu quả là một người đàn bà vô tội phải đi tù 20 năm trời.
Phát hiện đột biến gen CALM2 vào năm 2018 đã giải oan cho bà Folbigg. Trẻ con mang trong người biến thể gen CALM2 có xác suất tử vong lên đến 90-99%.
Phiên toà xét xử bà Kathleen Folbigg làm tôi liên tưởng đến những vụ án Hồ Duy Hải và Thiền Am. Bà Folbigg ở Úc, nơi mà giới khoa học có tiếng nói đáng kể trong các vụ án liên quan đến khoa học ứng dụng. Các viện hàn lâm rất tích cực đem khoa học đến đại chúng và pháp đình, và trong thực tế đã có nhiều người được minh oan qua khoa học. Nhưng ở Việt Nam thì khoa học có vai trò gì trong pháp đình? Có lẽ không, hay có thì cũng rất khiêm tốn, nhưng thay vào đó là báo chí hay đóng vai trò quan toà.
Theo facebook GS Nguyễn Tuấn