Thursday, November 21, 2024
No menu items!
spot_img
HomeBình LuậnNguồn gốc bạo loạn Tây Nguyên và tội ác của chính quyền

Nguồn gốc bạo loạn Tây Nguyên và tội ác của chính quyền

Tùng Phong 

Người Thượng chạy trốn sang Thái Lan vì bị đàn áp tôn giáo (Đàn Chim Việt)

(Tiếp theo)

Đói nghèo khiến các buôn làng Tây Nguyên tan rã nhanh hơn bất cứ sự đàn áp nào. Chính vì lý do đó, người Thượng đã phải khai phá và xâm canh những cánh rừng ở xa, chiếm lại đất của các nông lâm trường nơi mà trước đây là rừng, là nương rẫy của họ. Tình trạng tái chiếm, thu hồi, xung đột bởi đất đai đã nhức nhối từ lâu khi bắt đầu chính sách quốc hữu hóa toàn bộ đất và rừng Tây Nguyên để giao cho các nông lâm trường quốc doanh từ sau 1975. Người dân tộc tại chỗ không có đất canh tác, không có sinh kế, bị bức tới “bần cùng sinh đạo tặc”.

Năm 2000, nhóm nghiên cứu gồm Vũ Đình Lợi, Bùi Minh Đạo, Vũ Thị Hồng đã đưa ra một cảnh báo trong “Sở hữu và sử dụng đất đai ở các tỉnh Tây Nguyên” mà nếu như nhà cầm quyền thực sự nghiêm túc tiếp thu thì đã không có những xung đột đẫm máu trường hợp người nông dân cầm súng Đặng Văn Hiến hay ở cuộc bạo loạn ngày 11 Tháng Sáu ở hai xã Ea Ktur, Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, Dak Lak vừa qua.

Xin trích lại nguyên văn lời cảnh báo xác đáng của nhóm nghiên cứu này:

… Sẽ không quá sớm khi đưa ra lời cảnh báo rằng nếu không kịp thời có giải pháp khắc phục những khuyết điểm của quá trình khai thác và sử dụng đất đai thì “vấn đề dân tộc” sẽ rất có thể phát sinh trong thực tế nay mai ở Tây Nguyên, chí ít là mất ổn định, nghiêm trọng là đổ máu, với sự can thiệp vừa kín đáo, vừa trắng trợn của kẻ thù dưới chiêu bài bảo vệ người dân tộc, bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Một khi vấn đề dân tộc và tôn giáo quyện vào nhau thì nguy cơ tới thật khó lường…

Xung đột vì phân biệt đối xử và thù hận do yếu tố lịch sử

Có thể nói, phương thức quản lý rừng và đất đai ở Tây Nguyên hiện nay vô cùng phi lý, bất công và kém hiệu quả. Tính đến 31 Tháng Mười Hai 2012, việc giao đất rừng cho hộ gia đình cá nhân và cộng đồng Tây Nguyên chỉ đạt 3.51% diện tích đất lâm nghiệp. Trong khi đó, con số tương ứng của cả nước là 28.69%.

Vấn đề phân phối, giao đất cũng rất nhiều tiêu cực. Theo số liệu năm 2012, trong 1,205,047 hộ được giao đất có đến 338,424 hộ/cá thể không phải là hộ nông lâm ngư nghiệp nhưng vẫn được giao đất sản xuất. Đa phần trong số này là người Kinh và những người làm trong bộ máy công quyền. Những cánh rừng màu mỡ nhất, những thửa đất, rừng, mặt hồ, sông đẹp nhất thì đều là của người Kinh và cán bộ. Tình trạng vi phạm về quản lý đất đai trên Tây Nguyên là vô cùng phức tạp và nhức nhối khi lợi tức từ đồn điền và giá đất nông nghiệp tăng phi mã khoảng 15 năm trở lại đây.

Cái nghèo luôn đeo bám dai dẳng các cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên, khi họ không chỉ bị cưỡng chiếm đất rừng mà còn bị tước đoạt cả văn hóa (ảnh: báo Dân Tộc và Phát Triển)

______________

Trên thực tế, người dân tộc bản địa bị tước đoạt sinh kế, bị tách khỏi rừng là môi sinh và cội nguồn của họ. Họ bị gạt ra ngoài các chính sách hỗ trợ mà đáng nhẽ ra các dân tộc thiểu số phải được quan tâm như giáo dục, y tế…

Thật khó tin khi có tới 35.17% người dân tộc tại chỗ không được đến trường, mù chữ. Những con số bi thảm này của Tổng cục thống kê cung cấp kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 đã cho thấy mức độ “quan tâm” của đảng và nhà nước Việt Nam như thế nào trong hơn 40 năm qua!

Để sinh tồn, cộng đồng người Thượng Tây Nguyên từ vai trò chủ nhân ông của Tây Nguyên đại ngàn trong một quá khứ không xa lắm, nay đã trở thành những dân tộc vong bản về văn hóa, chấp nhập các công việc tay chân hạ bạc cho người Kinh nhập cư – những người đã rất nhanh chóng chiếm hữu được phần lớn tài nguyên đất và rừng Tây Nguyên. Tại sao lại có sự bất công đến thế?

Điều này có thể liên quan đến trong giai đoạn chiến tranh, các người Thượng Tây Nguyên đã tham gia lực lượng quân đội VNCH và họ trở thành những chiến binh quả cảm, chống Cộng hăng hái nhất. Thiệt hại mà các lực lượng người Thượng gây ra cho bộ đội Bắc Việt là rất lớn. Đã có nhiều cuộc trả thù đẫm máu do bộ đội Bắc Việt tấn công vào các cộng đồng người Thượng như vụ thảm sát tại Đắc Sơn năm 1967 khi hai tiểu đoàn bộ đội đã giết hại 252 người Thượng. Nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em.

Ngay cả khi hòa bình lập lại, chính sách hà khắc tiếp tục được thi hành và như trên tôi phân tích ở phần trên, Hà Nội đã thực hiện một cách hệ thống việc triệt hạ sinh kế, không gian sống và văn hóa của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên bằng các chính sách hạn chế sự tiếp cận tài nguyên đất và rừng của người Thượng.

“Con giun xéo lắm cũng quằn” là một phản ứng sinh tồn tự nhiên và không có gì lạ khi đã có rất nhiều cuộc nổi dậy của người Thượng mà truyền thông nhà nước không bao giờ đưa tin một cách khách quan, trung thực. Năm 1999, “nhà nước Degar” được thành lập. Sự kiện này đã tạo ra “cơ hội vàng” cho những sỹ quan công an thăng tiến thần tốc lên đỉnh cao danh vọng bằng các “thành tích” trấn áp sắc dân thiểu số Tây Nguyên mà phải kể đến cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. (Còn tiếp)

 (Quan điểm- Pháp luật- Vấn dề hôm nay)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments