Saturday, November 23, 2024
No menu items!
spot_img

Làm Nail

Song Thao

Hình minh hoạ, cottonbro studio

Ông bạn tôi quả quyết: “Muốn hỏi thăm về người Việt tại một địa phương nào, cứ vào bất cứ tiệm nail nào mà hỏi. Bảo đảm 90% tiệm là của người Việt”. Tôi nghĩ ông bạn tôi nói không ngoa. Có lần tôi qua chơi Plattsburg, một thị trấn nho nhỏ nằm gần biên giới Canada, thuộc tiểu bang New York, thấy một tiệm nail, vào hỏi thăm, y chang là Mít ta. Ngay tại Montreal, tiệm nail hầu như đều do con rồng cháu tiên cầm trịch. Tôi có một ông bạn già, rất nhạy bén với thương trường, từ Việt Nam qua Canada, ông xoay nhiều nghề, nghề nào cũng thành công. Qua Canada, ông ngửi thấy nghề nail, xua con cái học nghề, làm thợ một thời gian rồi bỏ vốn làm chủ, cô nào cũng trúng hết.

Trong một lần qua California, tôi được một bà bạn làm chủ nhiều tiệm nail mời tới nhà. Nhà to đùng, cửa sắt bấm điện chạy lung tung trước nhà. Trong nhà bể cá nằm từ phòng khách tới garage, nuôi rặt một giống cá rồng đủ màu. Chủ nhà cho biết giá mỗi con từ vài ngàn tới cả chục ngàn.

Vài chiếc xe loại xịn đậu trong sân khẳng định cái túi tiền không nhỏ của chủ nhân. Hình như ai dính vào nghề nail đều khá giả.

Trước năm 1975, nghề nail tại Mỹ trị giá khoảng 8 tỷ đô do người Mỹ, người Hoa và người Đại Hàn nắm giữ. Nhưng chỉ trong hai thập niên, người Việt đã làm…cách mạng, lật đổ thị phần này. Người cầm đầu cuộc cách mạng này lại là một người Mỹ: nữ minh tinh Tippi Hedren. Bà này tôi biết từ khi tôi còn ở Việt Nam nhưng chỉ thấy bóng trên màn ảnh. Chắc nhiều người trong chúng ta đều đã hồi hộp theo dõi bà trong cuốn phim nghẹt thở “The Birds” của đạo điễn “nhát ma” Hitchcock. Coi phim của ông này thiệt toát mồ hôi nhưng thiệt đã. Cứ như ăn ớt. Cay thì cay nhưng vẫn khoái ăn.

Năm 1975, khi làn sóng đầu tiên của người Việt di tản qua Mỹ, bà Tippi Hedren là một thành viên trong phong trào thiện nguyện Food for the Hungry. Bà Hedren tới thăm, nhận thấy nhu cầu tìm việc cho các phụ nữ Việt xơ xác chạy loạn là ưu tiên số một. Bà nghĩ nghề may và nghề đánh máy thích hợp với họ. Nhưng sau cuộc thử nghiệm bà thấy may vá đòi hỏi khéo léo và kiên trì không dễ làm, đánh máy cần phải biết tiếng Anh. Trong lúc đi coi các mẫu may và văn bản đánh máy của những phụ nữ tị nạn, bà thấy các bà các cô nhìn chăm chăm vào móng tay bà. Bà Lê Đồng Thị Thuần, một trong những người có mặt vào thời điểm đó kể lại: “Nhóm chúng tôi đứng gần bà ấy và nói với nhau khen móng tay của bà rất đẹp. Tôi nhìn vào mắt Hedren và biết bà ấy đang suy nghĩ điều gì đó. Rồi bà ấy nói: ‘À, có lã các chị nên học nghề làm móng tay’”. Vậy là bà đã…ngộ ra. Khi họ thích thú điều gì, họ sẽ chú tâm và chịu khó làm giỏi chuyện đó. Bà tạo điều kiện cho một số người trong trại tỵ nạn ở Bắc California theo học nghề làm móng. Bà gửi họ tới học nghề tại một trường thẩm mỹ. Bà Thuần nhớ lại những ngày ban sơ đó. Khi đó họ đang ngụ tại trại tỵ nạn Hope Village ở Weimar, Bắc California, cách Sacramento khoảng 45 dặm. Cả trại có khoảng 600 người Việt tỵ nạn. Bà Tippi lui tới trại hàng tuần, khi một mình, khi cùng với nữ tài tử Kiều Chinh. Nhóm 20 người đầu tiên đi học nghề nail phải học mỗi tuần 5 ngày. Họ đi xe của trại hoặc xe của những người địa phương tình nguyện chở họ tới trường thẩm mỹ Citrus Heights nằm gần Sacramento. Họ học suốt ngày. Các ông chồng ở nhà lo trông giữ con cái. Khi học đủ 350 giờ, họ được đưa đi thi. Tất cả 20 người đều đậu.

Sau khi hoàn tất khóa học, bà Tippi Hedren giúp họ kiếm việc làm. Chúng ta tiếp tục theo bước chân nhân ái của bà Tippi với gia đình bà Thuần như một trường hợp điển hình. Khi bà Thuần cùng chồng, Trung Tá Không Quân Lại Quốc Trang, và ba con nhỏ rời trại về định cư tại Santa Monica dưới sự bảo lãnh của nhà thờ St. Augustin By The Sea. Họ được ở trong một apartment hai phòng ngủ. Khi đã an cư, bà Thuần liên lạc ngay với bà Tippi theo lời dặn của bà. Bà Thuần kể lại: “Lập tức bà Tippi tìm đến thăm gia đình mình. Nhà hai phòng ngủ, một phòng tắm, trẻ con chạy quanh ồn ào náo nhiệt. Bà Tippi bảo mình làm thử móng cho bà coi”. Bà Thuần đã làm xong trong vòng một tiếng. Bà Tippi hài lòng và hứa ngày hôm sau sẽ dẫn đi xin việc. Hôm sau, giữ đúng lời hứa, bà Tippi dẫn bà Thuần tới xin việc tại một salon ở Brentwood. Chủ nhân đã có đủ ba thợ nhưng nể bà Tippi nên vẫn nhận bà Thuần vào làm. Bà Thuần đã làm tới 10 năm tại tiệm này “vì đây là việc bà Tippi đã giới thiệu cho mình nên mình muốn giữ và hãnh diện về nó”.

Năm 1978, một người bạn của gia đình bà Thuần là ông Nguyễn Diễm, nguyên sĩ quan Hải quân, tới thăm bà Thuần tại nơi làm việc. (Còn tiếp)

(Văn hóa-Giáo dục-Đời sống)

RELATED ARTICLES
- Advertisment -
Google search engine

Most Popular

Recent Comments