Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London,
Ảnh minh họa: công nhân đeo khẩu trang khi làm việc tại một nhà máy sản xuất quần áo bảo hộ.
RFA
Tăng trưởng GDP trong hai quý đầu năm 2023 của Việt Nam đạt mức thấp với lạm phát tăng 3,29%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) mới được truyền thông Việt Nam dẫn nguồn công bố hôm 29/6/2023.
“Tổng sản phẩm trong nước (GDP) sáu tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, khá thấp so với GDP cùng kỳ giai đoạn 2011-2023, tăng trưởng GDP nửa đầu năm nay chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của nửa đầu năm 2020,” báo Tiền phong Online hôm thứ Năm đưa tin. (1)
“Ngoại trừ năm 2020, mức tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua. Nếu tính riêng trong quý 2 năm 2023, tăng trưởng GDP đạt 4,14% so với cùng kỳ năm trước,” vẫn báo Tiền phong cho biết.
Còn theo Tạp chí điện tử về kinh tế Việt Nam, VnEconomy, trong tháng 6/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước. (2)
“Tính chung sáu tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%,” VnEconomy dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê của Việt Nam cho biết thêm.
‘Mức tăng trưởng không cao, mục tiêu 2023 là thách thức lớn‘
Theo báo Tiền Phong online, giá trị giao dịch cổ phiếu, trái phiếu tại Việt Nam đã có hiện tượng ‘giảm sâu’, báo này cho biết thêm:
“Cũng theo số liệu thống kê của GSO, từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 13.118 tỉ đồng/phiên, giảm 35,7% so với bình quân năm 2022.
Tương tự, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 5.596 tỉ đồng/phiên, giảm 27,2%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 243.037 hợp đồng/phiên, giảm 11%.”
Về lạm phát và dự phóng kinh tế Việt Nam trong quý tiếp theo, vẫn theo truyền thông Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tính chung CPI bình quân sáu tháng đầu năm nay của Việt Nam đã tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.
Hôm thứ Năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương, được truyền thông Việt Nam dẫn lời ,đưa ra đánh giá:
“Mức tăng trưởng 3,72% trong sáu tháng đầu năm không cao, nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước… dự báo kinh tế – xã hội quý 3 năm nay sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn.”
Giới quan sát và phân tích kinh tế Việt Nam nói gì?
Hôm 29/6/2023, từ Hà Nội, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nhà nghiên cứu kinh tế và phân tích chính sách công của Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đưa ra bình luận về các thông tin nói trên từ Tổng cục Thống kê của Việt Nam:
“Hôm nay Tổng cục Thống kê của Việt Nam công bố các số liệu thống kê chính thức về tình hình sáu tháng của Việt Nam, trong đó có dữ liệu về tăng trưởng kinh tế Việt Nam của 6 tháng này, có thể thấy rằng tình hình không được khả quan, nhưng điều này không bất ngờ lắm.
Lý do vì quý một đã tăng trưởng rất thấp rồi, và người ta cũng đã nói rằng tình hình sẽ tiếp tục khó khăn do những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Hơn thế nữa, Tổng cục Thống kê cũng cho biết những dự báo về các phương án, kịch bản cho cả năm mà đã được dự đoán, nhưng rất khó khăn, bởi vì tình hình không ổn định cả trên thế giới cũng như trong nước, và triển vọng sáu tháng cuối năm tiếp tục gặp thách thức đối với tăng trưởng.
Tôi cho rằng với mức tăng trưởng GDP mà Quốc hội Việt Nam đặt ra có tính chất pháp lệnh đối với Chính phủ ở mức 6,5 cho tới 7% chắc sẽ không đạt được.”
Còn từ Sài Gòn cùng ngày, kinh tế gia Bùi Kiến Thành, cựu cố vấn cho nhà nước và ĐCSVN trong thời kỳ trước đây về chiến lược và chính sách phát triển và hội nhập, đưa ra nhận xét từ góc nhìn của ông với RFA Tiếng Việt:
“Tôi thấy rằng những con số này không có gì ngạc nhiên, tình hình kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 đã bị ảnh hưởng bởi vấn đề xuất khẩu, do tình hình tiêu thụ của các nước mà Việt Nam xuất khẩu qua bị ảnh hưởng do lạm phát, suy thoái v.v…, nên xuất khẩu của Việt Nam bị teo lại, điều đó không có gì đặc biệt.
Tuy nhiên, vấn đề là ở trong nước, đáng lý ra phải chuẩn bị đối mặt trước vấn đề giảm xuất khẩu mà đã biết trước rồi, nhà nước Việt Nam lẽ ra phải có những chính sách, giải pháp để tăng nhu cầu nội địa, tăng cường thị trường trong nước, điều này tôi thấy Việt Nam chưa làm được.
Một phần nữa là cần có những chương trình dự án, ví dụ như là đầu tư công, để thổi thêm sức sống vào năng lực nền kinh tế, thì đã không được thực hiện như nhà nước đã hoạch định vì nhiều lý do, ngoài ra, một số vấn đề mà lẽ ra giúp tăng trưởng được nền kinh tế nội địa, tôi lấy ví dụ như phát triển nhà ở xã hội, mà chính sách theo Bộ Xây dựng nói là sẽ ‘xây dựng 1 triệu căn hộ’, nhưng mới chỉ nói thôi, mà vẫn chưa có hành động, chính sách gì rõ ràng, khiến một việc cấp thiết mà có thể làm, thành việc không được làm, ngoài việc còn có những vấn đề thuộc về quản lý nhà nước nữa…”
Hôm 29/6, tạp chí điện tử về kinh tế Việt Nam, Vneconomy, cho biết thêm một số chi tiết về tình hình kinh tế của Việt Nam nửa đầu năm 2023, mà theo đó:
“Trong quý 2/2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 76 tỷ USD, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,2% so với quý 1/2023. Tính chung sáu tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 53,22 tỷ USD, giảm 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,98 tỷ USD, giảm 17,8%.”
Còn về ‘xuất siêu’ và ‘nhập siêu’ của Việt Nam với một số thị trường quan trọng, vẫn VnEconomy dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê của Việt Nam, cho biết thêm:
“Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 37,2 tỷ USD giảm 24,9% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 14,5 tỷ USD, giảm 9,8%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,2 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,7 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc 24,5 tỷ USD, giảm 30,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 13,4 tỷ USD, giảm 34,8%; nhập siêu từ ASEAN 4 tỷ USD, giảm 39,1%.”
Tuy nhiên, theo báo Tiền phong Online, có trên 34% doanh nghiệp tại Việt Nam tin tưởng là xu hướng kinh doanh sẽ tốt hơn:
“Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%. Bên cạnh đó có 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.
Kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 2-2023 cũng cho thấy có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý 1 và 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh quý ba sẽ tốt lên,” Tiền Phong Online hôm 29/6 dẫn các số liệu thống kê nhận định (RFA).